Alô!... cậu đấy à? - sách đọc cho tâm hồn ta thơ dại
Một đứa trẻ đang lớn lên từng ngày hay một đứa trẻ đang bị chính mình lãng quên, tôi tin đều có thể được "thức dậy" với tràn đầy niềm yêu cuộc sống khi đọc những tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến.
Ảnh: BẢO CHÂU
Sóc Bông Lau ở trên ngọn cây khế, còn Cóc Tía ở dưới gốc cây. Bông Lau có thể xuống chơi nhà Tía bình thường, nhưng Tía sợ độ cao nên hay ở lì trên mặt đất. Chỉ cách nhau một thân cây nhưng hai nhà đều có điện thoại. Sang xịn mịn vậy (chứ không phải như độc giả chúng ta tới năm một ngàn chín trăm hồi đó mỗi đứa bé luôn ước ao nhà mình có đủ tiền gắn điện thoại riêng để gọi điện cho bạn bè "nể" chơi).
Bông Lau "chân chạy" nên muốn xuống nhà bạn tán dóc hoài, nhưng xuống miết cũng ngại quá. Gọi điện một phát xem Cóc Tía có "quéo còm" mình không. "Alô!... cậu đấy à?" - gọi đi gọi lại mà Cóc Tía chẳng thèm bắt máy. Chảnh Cóc vậy đó. Đâu phải cứ điện thoại reo là chủ nhà phải bắt máy ngay. Cuối cùng Tía có bắt máy không ta… (Alô!... cậu đấy à?).
Alô!... cậu đấy à? (Nhà xuất bản Kim Đồng) là tập truyện thiếu nhi bìa đẹp, giấy đẹp của nhà văn Trần Đức Tiến. Sách gồm 23 truyện nhỏ viết về những ngày bình thường và cả bất thường của Sóc, Cóc Tía, Thằn Lằn - bộ ba hộ khẩu thường trú ở xóm Bụi Trúc.
Đó là những ngày êm đềm tưởng như không có chuyện gì và cả những ngày họ nhớ nhung ai hay lên đường ngao du một chuyến.
Sóc Bông Lau lớn lên đã không biết mặt bố nên muốn viết thư lên lá khế vàng nhờ chị Gió - nhân viên bưu điện - mang gửi bố đang leo trèo đâu đó trên cõi đời này. Lá thư đầu tiên Bông Lau nắn nót câu từ hơi "lễ nghĩa", lá thứ hai chỉ còn những từ ngắn gọn mà thân thương, lá thứ ba Bông Lau điền 10 dấu chấm hỏi và 10 dấu chấm than chắc bố cũng tự đọc được tấm lòng con.
Những lá thư sau chỉ còn là chiếc lá khế vàng mùa thu trống trơn không còn chữ và dấu, con vẫn chờ đợi khôn nguôi. Chờ rất lâu mà bố vẫn chưa hồi âm. Rồi có ngày nào bố hồi âm cho con không hả bố… (Bố đi đâu lâu thế).
Điểm khó bắt chước của Trần Đức Tiến trong hầu hết các tác phẩm chính là những cái kết lắng sâu, không chút hời hợt. Không có tâm hồn nào tinh tế hơn tâm hồn trẻ thơ cả. Trẻ có thể hiểu cả những cảm xúc rất sâu theo cách của riêng mình, nhà văn đủ tài là nhà văn dành sự trân trọng chân thành cho đối tượng mình viết. Mỗi ngày chúng ta sống đều bao gồm những câu chuyện, nhưng không phải chuyện kể là xong, mà chuyện kể xong phải làm ta khoan thai, xúc động hay vui sống hơn mới đáng.
Như truyện Ai gõ cửa lúc nửa đêm? Ai đã gõ cửa nhà Cóc Tía lúc nửa đêm? Ma hay trộm? Bộ ba hàng xóm lên kế hoạch làm cho ra lẽ. Nhưng cái kết hóa ra không phải là chuyện ma quỷ hoang đường. Đó là tiếng gõ cửa của chuột Chù Nhỏ, ‘hậu duệ ba đời’ của chuột Chù Già năm xưa làm nghề ăn cắp vặt bị khinh ghét nên đã phải bỏ xóm ra đi. Chuột Chù Già bao năm không quên tủi nhục nên khi chết đi đã nhờ cháu mình quay về xóm cũ nói một điều gì mà làm cả xóm Bụi Trúc lay động?
Thực ra hầu hết những tác phẩm thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến đều tha thiết gợi mở thứ tình yêu xóm làng. Xóm nào cũng có một lịch sử, xóm Bụi Trúc chính là hiện tại của xóm Bờ Giậu năm nao.
Dù chưa dựng được bảo tàng của xóm nhưng mỗi bờ rào ngọn cây đều có linh hồn những mảnh đời thú vị, những câu chuyện nghe lại thấy nao lòng. Ai chẳng có một nơi sinh ra để nhớ về, dù quê hương là chốn đầm lầy mang tin đồn có quái vật thì khi nhớ đến, quê nhà vẫn "lung linh" trong tâm hồn ta.
Năm 2019 - tập truyện thiếu nhi Xóm Bờ Giậu của nhà văn Trần Đức Tiến từng vinh dự nhận Giải thưởng Sách quốc gia 2019 của Hội Xuất bản Việt Nam. Nhà văn cũng từng nhận nhiều giải thưởng văn học quan trọng khác trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình.
Một đứa trẻ đang lớn lên từng ngày hay một đứa trẻ đang bị chính mình lãng quên, tôi tin đều có thể được "thức dậy" với tràn đầy niềm yêu cuộc sống khi đọc những tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến.
Mỗi tác phẩm của nhà văn tôi từng gặp đều đáng đọc. Để thấy con người thực ra để đối thoại với thiên nhiên quanh mình dễ thế, đối thoại với thơ ngây trong chính tâm hồn mình dễ thế, nhưng cùng với thời gian và chút lười biếng mình đã… quên thói quen này, lâu ngày cũng quên luôn cách… Thử đọc sách của Trần Đức Tiến và nhớ lại nhé.
Nhà văn Trần Đức Tiến
Nhà văn Trần Đức Tiến từng nhận các giải thưởng văn học:
- Giải nhất tiểu thuyết và tập truyện ngắn của Nhà xuất bản Hà Nội 1993.
- Giải nhất cuộc thi sáng tác cho lứa tuổi mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam 2005.
- Giải nhất cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch 2008-2009
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010
- Giải thưởng Sách quốc gia 2019 (giải B)
Nguồn: tuoitre.vn