cart.general.title

“BẠN VĂN BẠN MÌNH” - MỘT BỘ SÁCH CHÂN DUNG SẼ CÒN DÀI RỘNG

Năm ngoái 2020, tôi có nhận được cuộc trao đổi của Biên tập viên Hường Lý thuộc Nxb Kim Đồng về việc in lại tập sách của Vũ Bằng “Mười chín chân dung nhà văn cùng thời” (Nxb ĐGQG, H.2002) do tôi sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu. Khi biết ý định của người biên tập muốn cho in lại một loạt các tập sách chân dung/phê bình chân dung của một số nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình đã có từ thời trước 1945 cho đến ngày nay, tôi rất lấy làm thích thú bởi lẽ, làm như vậy là dịp xuất bản một cách có hệ thống vệt sách này, theo đó bạn đọc cũng có một cái nhìn hệ thống về một dạng thức sách chuyên viết về chân dung văn học. 

Nay bộ sách chân dung của NXB Kim Đồng đã chào đời, gồm 10 tập của 8 tác giả đã thành danh từ những năm trước 1945 như Thiếu Sơn, Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ, Lan Khai, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Tô Hoài, Bàng Bá Lân; cùng với hai cây bút đương đại: nhà NCPB Vương Trí Nhàn và  nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Các chỉ dẫn, thông tin về tác giả, tác phẩm đã có trong mỗi tập sách. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ thêm đôi điều về tập sách này để bạn đọc tham khảo.

Thứ nhất, với những cuốn sách kể trên, trong khoa học văn học, người ta chia ra mấy dạng: phê bình chân dung và các bài chân dung độc lập. Dạng phê bình chân dung mà tác giả Thiếu Sơn trong công trình Phê bình và cảo luận, một công trình được xem như mở đầu cho nền phê bình hiện đại Việt Nam (1933) gọi đó là “phê bình nhân vật”. Cách nói này hàm nghĩa là lấy các nhà văn (chứ không phải lấy tác phẩm văn học) làm đối tượng phê bình. Như đã biết, hoạt động phê bình văn học (PBVH) bao giờ cũng xem tác phẩm văn học là đối tượng chính mà nó hướng tới. Ngay cả khi viết về tác giả, hay một vấn đề văn học (thể loại, xu hướng, đặc điểm, thời sự…) thì cũng phải lấy tác phẩm làm xuất phát điểm và sở cứ. Cho nên, trong số 10 tập sách này, hai tập của tác giả Thiếu Sơn và Vương Trí Nhàn được gọi là dạng sách phê bình chân dung. Ở đây, các nhà phê bình lấy đơn vị tác giả làm đối tượng phê bình, vừa khai thác các chi tiết về tiểu sử nhà văn vừa phân tích đánh giá các tác phẩm, để cuối cùng chỉ ra những đóng góp, vị trí, phong cách của mỗi nhà văn trong đời sống văn học hiện thời. Trong mỗi bài viết, người đọc nhận thấy có một sự kết hợp giữa chất nghiên cứu, phê bình với những đường nét chân dung các nhà văn. Lối viết phê bình chân dung này thường do các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đảm nhiệm.

Trong khi đó, các tập sách khác của các nhà văn viết về bạn văn thì thuộc hẳn dạng bài chân dung độc lập, thuộc chân dung văn học thuần nhất. Ở đây, bằng lối viết thiên về trực cảm nghệ sĩ, cộng với sự hiểu biết về con người tiểu sử các nhà văn do giữa người viết và người được viết về  có một khoảng cách gần, cùng thuyền cùng hội, nhiều khi là bạn bè thân thiết, nên các bài chân dung được vẽ lên hết sức chân thực, sống động, nổi hình nổi khối. Ưu tiên số một của dạng bài chân dung là những chi tiết đời thường, thuộc tiểu sử của nhà văn, những kỷ niệm mà người viết đã trải, những quan sát đời sống cụ thể trực tiếp, hoặc cũng có khi được nghe ai đó kể lại…tất cả đều trở thành chất liệu cho các tác giả dựng chân dung. Có một lưu ý: ở dạng bài viết chân dung này cũng có những đánh giá, nhận xét, phân tích về tác phẩm hoặc sự nghiệp của các nhà văn được viết về, nhưng thường là những nhận định có tính ngẫu hứng, nghiêng về cảm tính, được phát biểu trực diện, không cần phải lập luận, bảo vệ, thuyết phục người đọc về các nhận định của mình. Những phân tích, đánh giá trong các bài chân dung văn học đó có khi rất tinh tế, sắc sảo, song có khi cũng rơi vào sự tùy tiện, thiên lệch, thậm chí không chính xác. Thí dụ trong không ít các ví dụ: nhà văn Nguyễn Tuân tuy viết rất hay về các nhà văn Ngô Tất Tố, Thạch Lam, nhưng một số nhận định của ông cho đến hôm nay đã thấy không còn phù hợp, thậm chí lạc hậu,  bị các nghiên cứu, phê bình của các thế hệ sau vượt lên. Khi viết về truyện “Người đầm” của Thạch Lam, do nhiễm tinh thần ý hệ, nên Nguyễn Tuân đã quy cho rằng Thạch Lam viết truyện này với cái nhìn “ý nhị”, “hàm dưỡng” (do sợ bị kiểm duyệt) để nhằm phê phán thực dân Pháp: “Qua cái hơi văn càng bình thản bề ngoài ấy, ta thấy thực dân cái (cũng như thực dân đực) càng trở nên kệch cỡm, nó dị dạng đến mức phải cho nó cút đi khỏi cái chân trời chung của tác giả lẫn độc giả”. Thực ra không phải thế. Nhà văn Thạch Lam đã có cái nhìn vượt lên định kiến ta - địch thông thường để nói về vẻ đẹp mẫu tính, nhân tính phổ quát của con người. Chính nhờ thế mà truyện ngắn đó có tầm vóc tư tưởng cao và vẫn còn nguyên giá trị.  Việc nhà văn Nguyễn Tuân hiểu sai như vậy cũng có thể lý giải được trong bối cảnh lúc ông viết bài về Thạch Lam (1957) thì phương pháp sáng tác hiện thực XHCN đang là thống soái, chi phối mọi cái nhìn và cách viết của giới văn chương.

Thứ hai, trong bộ sách này, có một số tác giả thuộc về bộ phận văn học đô thị miền Nam trước 1975 như Vũ Bằng, Bàng Bá Lân, Đinh Hùng, Nguyễn Vỹ. Trong số này, chỉ có Nguyễn Vỹ vào Nam sống và viết trước 1945, ba nhà văn còn lại đều vào Nam trong quãng 1945-1954 với những lý do khác nhau. Các nghiên cứu về giai đoạn văn học đô thị miền Nam 1954-1975 cho biết không khí sinh hoạt văn chương, văn hóa khá cởi mở; nhiều trào lưu văn học hiện đại phương Tây được nhập cảng, nhiều nhóm phái văn học ra đời; báo chí và các nhà xuất bản tư nhân cũng nở rộ…Tất cả điều này tác động vào mỗi người cầm bút, giúp họ nghĩ và viết phóng khoáng hơn, phát huy cá tính đa dạng và sắc nét. Tuy nhiên, do các cây bút này viết phần lớn về các nhà văn ở miền Bắc trước 1954 – những người đang còn sống và viết, hoặc một số đã quá cố - trong một không gian địa lý và chính trị xa cách, khép kín, thiếu thông tin nên có những chi tiết trong một số bài viết hoặc chưa đầy đủ, hoặc không chính xác. Do đó, khi đọc, người đọc cần có một đối chiếu cần thiết để khắc phục tình trạng này. Ví dụ: Lúc nhà văn Vũ Bằng viết chân dung về nhà thơ Quang Dũng (1971) vẫn nhầm Quang Dũng mang họ Trần, và bán tín bán nghi là Quang Dũng đã mất…

Thứ ba, vì là bộ chân dung đều in lại từ các sách/báo xưa, nên Ban biên tập của NXB đã rất cố gắng tiến hành ghi chú nhiều điểm cần xác định các thông tin về địa danh, tên tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản, năm xuất bản, chú thích của bản cũ…Điều này thể hiện sự lao động nghiêm túc và rất nỗ lực của tập thể Ban biên tập. Tuy nhiên, như trong Lời nói đầu ở mỗi quyển sách (với một khuôn dạng giống nhau) có ghi: “Và trong một đôi cuốn chúng tôi cũng không thể in trọn vẹn tác phẩm”; tôi hiểu, đây là chỗ khó cho những người làm biên tập. Có thể NXB đã thỏa thuận với thân nhân tác giả và đã được đồng ý cho phép như vậy. Nói thế để lưu ý rằng, nếu sử dụng cho nghiên cứu chuyên sâu, vẫn khuyến khích người đọc nên đối chiếu với bản gốc khi có thể.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng trong nền văn chương Việt Nam đương đại, ngoài hai tác giả trong bộ sách (Vương Trí Nhàn, Nguyễn Quang Lập) vẫn còn khá nhiều các chân dung văn học (hoặc phê bình chân dung) tồn tại dưới dạng tập sách hoặc nằm rải rác ở các sách báo khắp nơi. Tôi lấy ví dụ, Trần Đăng Khoa có cả một tập “Chân dung và đối thoại” (1999), Trung Trung Đỉnh có tập “Nhà văn thì phải biết đùa” (2020; các nhà thơ Ý Nhi, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà thơ Vũ Từ Trang…đều có những tập chân dung văn học hay cả. Hoặc các nhà phê bình viết dạng phê bình chân dung cũng khá nhiều như cụ Nguyễn Đức Bính, hay Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn (kể cả tôi, người viết bài này) và nhiều người khác. Nếu NXB Kim Đồng có nhã ý đi tiếp mảng sách chân dung văn học, chắc chắn còn nhiều đất để làm.

Đây là bộ sách công phu, đem lại cơ hội cho công chúng bạn đọc có được một cái nhìn tương đối toàn cảnh diện mạo thể chân dung văn học trong nền văn học Việt Nam hiện đại. 

Hà Nội, 1/10/2021
Văn Giá

(Theo: Tiền Phong)