Bút lực Ma Văn Kháng
Trên văn đàn hiện nay, có lẽ hiếm tác giả có sức viết dẻo dai, bền bỉ như nhà văn Ma Văn Kháng. Không chỉ viết ở nhiều thể loại, ngay cả khi ở tuổi đã cao, bút lực ông vẫn khiến các đồng nghiệp nể phục. Mới đây, ở tuổi 83, ông cho ra mắt bạn đọc tập ký sự tiểu thuyết “Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân” viết trong vòng 28 ngày!
Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại làng Kim Liên - Hà Nội. Khi đọc những tập sách gần đây của nhà văn Ma Văn Kháng, nhiều người ngạc nhiên về trí nhớ của ông. Lý giải điều này, nhà văn cho biết: “Tôi nhớ rất kém nên thường phải giở lại những trang sổ tay để có chất liệu tái hiện cho tác phẩm. Nhiều người bạn hưu trí ngạc nhiên khi tôi vẫn có thể minh mẫn sáng tác.
Tôi lấy văn chương làm niềm vui lớn trong cuộc đời. Các tác phẩm của tôi dẫu hoài cổ nhưng vẫn mang hơi thở thời đại. Bởi tôi nghĩ nhà văn không đứng yên mà phải chuyển động. Ở tuổi này, tôi luôn cập nhật tin tức đời sống đương thời để không có khoảng cách quá xa với thế hệ con cháu”.
Ở tuổi ngoại bát tuần, nhà văn Ma Văn Kháng vẻ như e ngại với báo chí. Gọi điện hẹn ông nhiều lần, khi thì ông bảo đang phải nằm viện, lúc lại bảo "đang ở nhà nhưng dạo này bác ốm lắm, để vài bữa nữa khỏe khỏe qua bác trò chuyện nhé". Vài bữa sau gọi lại, ông lại có cái cớ gì đó… Không chỉ mình tôi gặp "cảnh", nhiều phóng viên khác cũng cùng cảnh ngộ. Ngay cả khi ra sách mới, các nhà xuất bản cũng phải đối mặt với chuyện nhà văn Ma Văn Kháng không xuất hiện nếu tổ chức ra mắt sách.
Đúng là mấy năm nay nhà văn Ma Văn Kháng sức khỏe có giảm. Năm 2016, ông phải nhập viện phẫu thuật tim. Từ đó, cuộc sống của ông có nhiều thay đổi, ngày uống 9, 10 loại thuốc. Nhưng không vì thế mà ông ngừng viết. Tuổi cao, nhưng ông vẫn "mỗi ngày một gắng sức thêm" để viết.
Nhà văn Ma Văn Kháng kí tặng bạn đọc trong buổi ra mắt sách “Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân”
Lẽ ấy khiến ông ngại tiếp xúc với báo chí, ngại những cuộc giao lưu ồn ào. Có chút thời gian nào ông đều viết. Hết viết dài thì viết ngắn. Trừ những ngày quá mệt, còn hôm nào ông cũng cố gắng ngồi viết vài ba tiếng. Nếu có lần cảm hứng về thì viết một mạch hết cả buổi sáng, trưa ăn xong lại ngồi viết tiếp đến chiều.
Mới đây, nhà văn Ma Văn Kháng gây bất ngờ với bạn văn lẫn bạn đọc khi cho ra mắt cuốn ký sự tiểu thuyết “Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân” (NXB Kim Đồng). Cuốn sách dày gần 300 trang, viết về giai đoạn các em thiếu niên sau thời gian góp sức cùng lớp đàn anh trên các mặt trận kháng chiến, được sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ, Tổng Quân ủy Trung ương trở về mái trường thiếu sinh quân để học tập, rèn luyện, để sau này trở thành lớp người kế cận có trình độ quân sự và văn hóa, phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Nhân vật chính của cuốn sách là Trọng Đoan - một thiếu niên sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, bắt đầu cuộc đời là đội viên một Đội truyền bá vệ sinh của Cục Quân y, trải qua bao gian khó trong học tập và rèn luyện, đặc biệt, phải đối mặt với thử thách lớn lao là sự mất mát đau thương của người cha, đã từng bước lớn lên và trưởng thành trong môi trường Thiếu sinh quân.
Cùng với Đoan là Hoàng Đình Toàn, một thiếu niên chín chắn, đĩnh đạc; Lê Quang Khánh thông minh, hoạt bát trong cùng tổ tam tam.
Miêu tả lại cảnh quan, không khí sinh hoạt một thời, cuốn sách “Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân” đã tập trung tạo dựng lại chân dung một lớp thiếu niên với nhiều cá tính đặc sắc. Như bộ ba tướng - sĩ - tượng Thiết đen, Kim Diểu, Lục hạt mít nghịch ngợm, hồn nhiên.
Sáng, chàng Tây lai cùng con chó Jack và cả loạt bạn bè: Huy Anh, Hào, Phìn… mỗi bạn một vẻ về tính tình và tài năng. Hình ảnh một lớp thiếu niên yêu nước, dũng cảm, trong sáng, hồn hậu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cùng tình yêu thương chia sẻ của họ trong các biến cố bất thường là ấn tượng để lại khá lâu bền cho bạn đọc khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách này.
Nhà văn Ma Văn Kháng cho biết, ông sẽ không viết về đề tài này nếu không nhận được gợi ý và sự hối thúc của biên tập viên NXB Kim Đồng. "Tôi được vinh dự là một thiếu sinh của trường từ đầu năm 1949. Cho đến khi trường chuyển sang nước ngoài, đổi tên thành Trường Thiếu nhi Việt Nam. Ba năm tồn tại. Thời gian không dài, nhưng kỷ niệm một thời niên thiếu tươi đẹp hào hùng trong gian khổ làm sao có thể quên!
Ngặt cái đã hơn 70 năm qua. Hàng trăm con người một thời thiếu sinh đã tan vào các môi trường sống khác nhau. Kẻ mất người còn. Đôi hồi khi gặp nhau cũng chỉ còn thấp thoáng những mảnh ký ức đã bắt đầu mờ nhòa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, niềm mong mỏi có được những trang viết lưu lại ảnh hình của một thời đã qua thấy quạnh vắng quá.
Chẳng ai nghĩ đến viết lại câu chuyện ở một thời kỳ xa lắc ấy. Tôi cũng thế. Thậm chí nghe nói trong trong biên niên lịch sử chính trị của Bộ Quốc phòng cũng không còn thấy một trang ghi chép một sự kiện đã từng có ấy. Nó có quan trọng gì lắm đâu, thật vậy!" - nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ. Vậy nhưng cuối cùng Ma Văn Kháng vẫn nhận lời và dồn hết chút sức lực còn lại vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, nhớ lại những gì đã trải qua...
Và chính sự "nhập cuộc" ấy lại đưa đến cho ông một "kỷ lục" trong đời văn của mình. Dù đã viết "Mùa lá rụng trong vườn", "Một mình một ngựa"… nhưng chưa khi nào ông lại hoàn thành một bản thảo nhanh như với “Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân”. Cuốn sách dày gần 300 trang ấy ông hoàn tất trong vỏn vẹn 28 ngày, từ ngày 23-4-2018 đến ngày 18-5-2018. Nhà Ma Văn Kháng cũng thừa nhận, với đời văn của ông, đó là "một tốc độ phi mã bất ngờ với chính tôi".
Hỏi nhà văn lý do vì sao ông lại ghi cho cuốn sách mới là "ký sự thiểu thuyết"? Ma Văn Kháng cười, bảo, cơ sở để tạo nên cấu trúc của cuốn sách này chính là các sự kiện có thật trong lịch sử biên niên của Nhà trường Thiếu sinh quân Việt Nam đã tồn tại từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1951. Chẳng hạn: Các hoạt động chính yếu của nhà trường; quá trình hình thành nhà trường; tên tuổi một số cán bộ phụ trách và các học viên; sự kiện Bác Hồ đến thăm; trận oanh tạc của máy bay Pháp; việc đưa các em ra nước ngoài để tiếp tục học tập rèn luyện…
Nhưng ông không muốn dừng lại ở những ghi chép mà muốn biến nó thành một thiên tiểu tuyết có đầu có cuối, có cốt truyện để khắc họa lại “hương vị của một thời đại”. Bên cạnh đó, nhà văn Ma Văn Kháng cũng cho rằng, tiểu thuyết chính là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống. Lưu giữ một cách trung thành và đầy đủ nhất!.
Có một điều đặc biệt, ít người để ý, là cuốn sách nào hoàn thành ở giai đoạn "cuối dốc" cuộc đời này, nhà văn Ma Văn Kháng cũng coi như là cuốn sách cuối cùng. Hai năm trước, với cuốn tiểu thuyết "Chim én liệng trời cao" được ví như khúc tráng ca nơi núi rừng Tây Bắc, viết suốt trong vòng nửa năm trời, khi in ra ông cũng xem đó là cuốn cuối cùng.
Nhà văn thừa nhận: Sau cuốn "Chim én liệng trời cao" tôi đã định là dừng, không viết nữa. Tuổi cao, bệnh tật đầy người, nên không biết sống chết lúc nào. Nhưng trước sự thúc ép gay gắt của cảm xúc, của ký ức, nhà văn lại ngồi xuống viết "Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân". Tất nhiên, ông lại coi đây là cuốn sách cuối cùng!
Khác với nhiều nhà văn cao tuổi giữ rịt thói quen viết văn bằng bút trên giấy, thậm chí "coi thường" máy vi tính, vì cho rằng viết văn bằng máy tính sẽ "trôi tuột" cảm xúc thì hàng chục năm nay, Ma Văn Kháng đã quen viết văn trên máy tính. Soi vào thế hệ những bạn văn của ông, thậm chí thệ hệ cầm bút sau ông, thì thấy đó là một sự thay đổi đáng kinh ngạc, đáng khâm phục.
Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ: "Nhiều ông cứ ngại học sử dụng máy vi tính, nhưng đó là sai lầm. Nhiều ông lại bảo, viết bằng máy tính cảm xúc cứ trôi mất. Cái này chỉ đúng khi mới làm quen, còn mày mò từng phím. Khi đã quen rồi, thì vi tính thật tuyệt vời. Công việc trước đây phải giải quyết trong một tuần, giờ làm xong trong một buổi.
Ngày trước viết tay, xong bản thảo rồi nhưng đôi khi ngại sửa. Mà mình có phải thiên tài đâu, có phải viết câu nào được ngay câu đó đâu. Nên khi đọc lại muốn sửa nhưng nhiều khi ngại làm bẩn mất bản thảo, nên tặc lưỡi. Giờ có máy tính, không ưng sửa ngay, thay ngay. Thậm chí nhấc đoạn dưới lên trên, đảo ngược, cắt dán thoải mái". Hỏi nhà văn ai là "thầy dạy vi tính" cho ông, Ma Văn Kháng cười bảo: “Con trai dạy tôi cách dùng máy tính. Ban đầu cũng ngại lắm, nhưng rồi bây giờ đâm ra “nghiện”.
Tuy nhiên, Ma Văn Kháng khẳng định, máy móc chỉ có tính chất hỗ trợ. Còn “bộ óc con người là một tổ chức vô cùng tuyệt diệu. Nó ghi nhớ được bao nhiêu điều mà có lẽ không một máy móc nào thay thế được. Hoặc máy móc thì có thể ghi nhớ hàng triệu hàng tỷ sự kiện hơn cả bộ óc người! Nhưng còn hương sắc, mùi vị, tâm trạng, cảm xúc, ảnh hình? May mắn, khi tuổi đã cao, sự sa sút trí tuệ đã xuất hiện, tôi vẫn còn chút minh mẫn để nhớ lại các chuyện đã xảy ra cách đây 70 năm, với nhiều hương vị sắc màu xúc cảm riêng”.
(Nguồn: Văn nghệ Công an)