cart.general.title

CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ NHẶT DÉP TRÊN PHỐ

Với mong muốn truyền tải thông điệp ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường, tác giả Geralda De Vos mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi câu chuyện thú vị.

Geralda De Vos (người Bỉ) đến Việt Nam năm 2017 cùng chồng và hai con trai. Bà tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội đặc biệt là bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa, tái chế đồ vật, khuyến khích lối sống tử tế thông qua việc nhặt và trả đồ thất lạc cho mọi người.

Hàng ngày, Geralda đi xe đạp và nhặt những chiếc dép bị đánh rơi trên đường phố. Bà bắt đầu hình dung ra một người chuyên nhặt dép cho trẻ em. “Cô Tiên Dép Rớt” và cuốn sách Chiếc dép thất lạc - The lost sandal đã ra đời như thế.

Nhân dịp tác phẩm ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam, tác giả Geralda De Vos chia sẻ về quá trình sáng tác câu chuyện.

Sách Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Câu chuyện có ý nghĩa sẽ hấp dẫn độc giả một cách tự nhiên

- Bà có thể chia sẻ cảm xúc khi cầm trên tay cuốn sách mình viết được phát hành với tranh minh họa?

- Tôi cảm thấy rất tuyệt vời khi câu chuyện này được vẽ tranh minh họa và in thành sách. Chúng tôi đều nỗ lực hết mình và tôi rất tự hào với kết quả đạt được. Ước mơ thuở nhỏ của tôi là trở thành nhà văn. Tôi đã ấp ủ ước mơ đó quá lâu, cho đến tận ngày nay.

Tôi rất vui vì có dịp khám phá lại giấc mơ và khả năng của mình. Cách chúng tôi thực hiện ước mơ đó, đồng tâm hợp lực, khiến câu chuyện càng thêm đẹp đẽ.

- Tại sao bà chọn viết về chiếc dép chứ không phải một món đồ vật nào giá trị hơn hoặc mang tính biểu trưng với trẻ em hơn?

- Tôi thích nhặt nhạnh những thứ mình tìm thấy trên đường, giống như người "săn rác" vậy. Tôi thấy rất nhiều dép trên phố. Tôi đã đắn đo rất lâu, không biết có nên bắt đầu thu nhặt chúng hay không, nhưng khi đã bắt đầu, tôi không thể ngừng lại.

Mùa thu năm 2019, tôi gia nhập Cư xá Nghệ sĩ "live.make.share" (một chương trình lưu trú nghệ thuật - PV) gần Hà Nội, với mong muốn tiếp cận bộ sưu tập dép của mình qua góc độ và lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.

Tôi bắt đầu chế tác mẫu "dép tổ ong" nổi tiếng bằng gốm sứ. Tôi làm đĩa in các dấu dép, in lụa hình dép và tôi muốn xây dựng một cửa hàng bán rong trên một chiếc xe đạp cùng những chiếc dép thất lạc mà mình tìm thấy.

Tôi mong muốn có đôi dòng nhỏ giải thích về ý nghĩa của chiếc xe chở đầy dép này. Vì vậy, tôi bắt đầu viết và hình dung ra một người chuyên sưu tập dép đi chiếc xe đạp đó.

Rất nhanh sau đó, tôi nhận ra rằng mình đã viết quá nhiều, nhưng không thể ngăn trí tưởng tượng của mình bay cao. Mỗi khi nhặt được một đôi dép của trẻ nhỏ, tôi lại tự hỏi, ai làm mất dép thế nhỉ, và liệu bạn nhỏ đó có đang tìm dép hay không.

Trong lúc lái xe máy từ Hà Nội đến Cư xá Nghệ sĩ ở Hiên Vân, tỉnh Bắc Ninh, tôi đã tưởng tượng cảnh Linh bị mất chiếc dép và gặp Gingerella. Đột nhiên, đầu tôi nảy ra một câu chuyện.

Tôi kể câu chuyện đó cho cậu con trai út của mình và dựa trên tương tác với con, tôi bắt đầu tạo ra những tình tiết mới, mở rộng một số phần của câu chuyện. Vài ngày sau, tôi viết ra tất cả. Đó là phiên bản đầu tiên của cuốn Chiếc dép thất lạc.

Phần minh họa của tác phẩm Chiếc dép thất lạc. Ảnh: NXB Kim Đồng.

- Khi trẻ làm rơi, thất lạc những vật dụng ít giá trị, phụ huynh thường khuyên bỏ đi, và sắm cho chúng đồ mới thay thế. Bà muốn nói gì với độc giả khi kể câu chuyện về cô bé Linh với những cố gắng để tìm lại chiếc dép thất lạc?

- Khi đọc truyện cho trẻ em nghe, tôi mong các bé đi sâu vào bối cảnh của cuốn sách và tưởng tượng của nhà văn. Tôi mong trẻ thích thú với câu chuyện và hình ảnh minh họa ở mức tối đa để có thể nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sức sáng tạo của mình.

Khi câu chuyện thực sự hay, trẻ sẽ liên hệ với những điều diễn ra quanh mình hoặc những điều trẻ gặp trong cuộc sống. Tính cách và sở thích của mỗi người có thể rất khác nhau. Tôi chú trọng đến việc trẻ rút ra được thông điệp gì từ cuốn sách hơn là áp đặt một thông điệp nhất định cho bạn đọc.

Tôi không nghĩ về một thông điệp nào trong đầu và tin rằng những cuốn sách hay nhất là không có ẩn giấu thông điệp hoặc mang thông điệp quá hiển nhiên.

Tôi tin rằng mọi độc giả đều có thể bị thu hút bởi một khía cạnh khác của câu chuyện và đón nhận những điều đó, hoặc không, tùy theo thực tế cuộc sống.

Tác giả Geralda De Vos và chiếc xe dép đẹp trên đường phố Hà Nội. Ảnh: NVCC.

May mắn khi được làm việc với những người thấu hiểu

- Bà nghĩ sao về tranh minh họa của Sofia Holt trong "Chiếc dép thất lạc"?

- Ngay sau khi thấy bản vẽ Sofia gửi, tôi biết rằng cô ấy sẽ giúp nâng câu chuyện lên một nấc mới và sẽ bổ sung vào đó các yếu tố mới. Tôi ngưỡng mộ sự hài hước trong các bức vẽ của cô ấy và yêu thích bầu không khí ấm cúng tỏa ra từ những bức tranh màu nước của cô ấy.

Quá trình thực hiện cuốn sách xoay quanh sự hợp tác tuyệt vời giữa Sofia, tôi và Elise Lương, Giám đốc nghệ thuật đứng sau hậu trường.

Elise đã chủ động tìm một họa sĩ minh họa cho câu chuyện sau khi bảo rằng: “Tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình, đó là giúp bạn hoàn thành dự án sách này trước khi bạn rời Việt Nam”.

Tôi sẽ rời Việt Nam sau hai tháng tới, vì vậy, chúng ta phải công nhận rằng cô ấy đã làm rất tốt!

Elise cũng là động lực đằng sau Cư xá Nghệ sĩ "live.make.share", nơi tôi đã viết câu chuyện này. Cô ấy rất xuất sắc trong việc tạo ra một bối cảnh mà ở đó các nghệ sĩ có thể phát triển và phát huy tối đa tài năng của họ.

Cô ấy đã làm điều tương tự khi sử dụng chất giọng tuyệt vời của mình để kể lại cuốn sách bằng tiếng Anh.

Cùng Sofia tài năng, sự hợp tác này mang đến cho tôi cảm giác về một “đội hình trong mơ”. Tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi được làm việc với họ.

Họa sĩ Sofia Holt (trái) và tác giả Geralda De Vos. Ảnh: NVCC.

- Qua "Chiếc dép thất lạc", bà muốn nhắn nhủ tới bạn đọc nhỏ tuổi điều gì?

- Tôi tin rằng mục đích đầu tiên của sách truyện là mang lại niềm vui và trí tưởng tượng về cuộc sống của trẻ em.

Bất kể giá trị nào bắt nguồn từ đây đều tùy thuộc vào người đọc. Một số bạn đọc sẽ đi kiểm tra xem họ có còn đủ cả hai chiếc dép mỗi sáng hay không, một số khác thì được truyền cảm hứng để xỏ những đôi dép kỳ quặc, một số người sẽ cố gắng hơn để tìm lại những món đồ thất lạc...

Dù nói về khả năng chấp nhận sự khác biệt, tiêu thụ ít hơn, trân trọng vật dụng hàng ngày, liên lạc và giúp đỡ lẫn nhau, tham gia cùng người khác trong một cuộc hành trình, tái chế rác hay tránh vứt rác, tôi chưa bao giờ có mục đích truyền tải các giá trị đạo đức trong cuốn sách này.

Tuy nhiên, cuốn sách phản ánh trí tưởng tượng của Sofia và bản thân tôi và mang trong mình nhiều khía cạnh về cách chúng ta sống cuộc đời của mình.