cart.general.title

Đất rừng phương Nam trên hành trình kỳ thú 65 năm

‘Đất rừng phương Nam’ từ khi xuất bản năm 1957 đến nay đã chinh phục công chúng như thế nào, là nội dung cuộc tọa đàm được tổ chức tại TP.HCM sáng 6/11.

Nhà văn Đoàn Giỏi qua nét vẽ của Nguyễn Đình Phúc.

“Đất rừng phương Nam” được nhà văn Đoàn Giỏi viết nhân dịp thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng vào năm 1957. “Đất rừng phương Nam” từ một đơn đặt hàng, được in lần đầu tiên vào tháng 12/1957 với 10 chương. Năm 1966, nhà văn Đoàn Giỏi viết bổ sung “Đất rừng phương Nam” thành 20 chương để in lần thứ hai.

Năm 1982, nhân dịp in lần thứ 5, nhà văn Đoàn Giỏi có chỉnh sửa vài chi tiết cho “Đất rừng phương Nam”, nhưng tinh thần và cốt truyện vẫn không thay đổi.

Đánh dấu hành trình kỳ thú của tác phẩm nổi tiếng này, Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường đã tổ chức tọa đàm “Đoàn Giỏi 65 năm Đất rừng phương Nam” tại TP.HCM vào sáng 6/11, đồng thời trưng bày một số bản in “Đất rừng phương Nam” tiêu biểu qua từng giai đoạn. Tính đến nay, đơn vị giữ bản quyền chính thức là Nhà xuất bản Kim Đồng đã 21 lần in “Đất rừng phương Nam”. Ngoài ra, “Đất rừng phương Nam” còn được in hơn 20 lần ở vài nhà xuất bản khác.

"Đất rừng phương Nam" bản in năm 1975.

Xoay quanh nhân vật An bị thất lạc cha mẹ do chiến tranh, “Đất rừng phương Nam” phác họa cuộc sống miền Tây Nam bộ thập niên 50 của thế kỷ 20 với những địa danh Tiền Giang, Hậu Giang, Rạch Giá, Năm Căn, Bạc Liêu, U Minh... và những cảnh sắc khó quên “Chao ôi! Chợ gì mà lạ lùng thế này? Bộ Tây sắp đánh tới nơi, nên người ta đem vườn bách thú ra phát mãi hay sao! Một con ba ba to bằng cái nong, đặt lật ngửa, cứ ngọ nguậy bơi bơi bốn chân trước ông cụ già ngồi lim dim đôi mắt”.

Minh họa trong bản in "Đất rừng phương Nam" xuất bản lần đầu tiên năm 1957.

Nhà văn Anh Đức (1935-2014) đã đánh giá “Đất rừng phương Nam” rất trân trọng: “Chưa có một nhà văn nào nói về thiên nhiên Nam bộ được như Đoàn Giỏi. Nhân vật chính của ông là thiên nhiên và loài vật chứ không phải là loài người. Đoàn Giỏi là người đầu tiên kể chuyện kính dị về thiên nhiên Nam bộ. Dưới ngòi bút của ông mọi chuyện đều trở nên lạ lùng. Càng về sau này, “Đất rừng phương Nam” càng tỏ ra có vị trí vững chắc trong số các quyển sách hay nhất viết về thiếu nhi của nước ta. Và những người lớn tuổi đọc nó cũng vô cùng thích thú”.

Sinh ngày 17/5/1925 tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhà văn Đoàn Giỏi là con thứ 4 trong 10 người con của một gia đình điền chủ. Dù có theo học Trường Mỹ thuật Gia Định, nhưng nhà văn Đoàn Giỏi lại đi theo con đường cầm bút. Truyện ngắn đầu tay “Nhớ cố hương” viết năm 1943 của nhà văn Đoàn Giỏi, được đăng trên Nam Kỳ tuần báo do Hồ Biểu Chánh làm chủ bút.

Minh họa trong bản in "Đất rừng phương Nam" năm 1975.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Đoàn Giỏi có một thời gian làm công an huyện Châu Thành, Tiền Giang rồi chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ Nam bộ và có những tác phẩm quan trọng là tập bút ký “Khí hùng đất nước”, tập truyện ngắn “Đường về gia hương”, kịch thơ “Người Nam thà chết không hàng”.

Năm 1954, nhà văn Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc. Không chỉ có “Đất rừng phương Nam”, những ngày trên đất Bắc cũng giúp nhà văn Đoàn Giỏi có được nhiều tác phẩm tâm đắc như “Ngọn tầm vông”, “Cá bống mú”, “Bến nước mười hai”, “Cuộc truy tầm kho vũ khí”, “Hoa hướng dương”, “Rừng đêm xào xạc”, “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày”...

Đất nước thống nhất, nhà văn Đoàn Giỏi trở lại miền Nam sinh sống và có thêm hai tập biên khảo “Những chuyện lạ về cá”, “Tê giác trong ngàn xanh”.

Minh họa trong bản in "Đất rừng phương Nam" năm 2022.

Nhà văn Đoàn Giỏi mất ngày 2/4/1989. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật nă 2001. Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) nhận định về đồng nghiệp cùng thời: “Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”.

Suốt 65 năm qua, “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi đã chinh phục bạn đọc nhiều thế hệ. Từng chương sách khiến công chúng khôn nguôi ám ảnh “Xóm chợ nhỏ ở một vùng quê xa lạ” hoặc “Trong lều người đàn ông cô độc giữa rừng”, và háo hức mường tượng “Chạm trán với hổ” hoặc “Phường săn cá sấu”.

Nguồn: nongnghiep.vn