DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ 2019 - MỘT CHẤT THƠ MỚI
Từ cảm hứng với cuốn sách Dế Mèn Phiêu Lưu Ký phiên bản Comic do họa sĩ Tạ Huy Long chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài, vừa qua, nhà văn Nguyễn Trương Quý có buổi nói chuyện về Viết và Vẽ với học sinh trường Vinschool The Harmony và Vinschool Thăng Long (Hà Nội).
Nhà xuất bản Kim Đồng xin được giới thiệu bài nói chuyện này đến với độc giả.
Điều trước tiên có lẽ đã được nhiều bài phân tích nêu lên, đó là Dế Mèn Phiêu Lưu Ký được xem như một ví dụ có tính mẫu mực về cách quan sát, miêu tả và sử dụng các thủ pháp nhân cách hóa.
Tô Hoài cho thấy ông đã bỏ nhiều công quan sát đặc điểm các vùng sinh sống của các loài động vật, côn trùng cũng như thói quen sinh hoạt của chúng. Chẳng hạn để khắc họa nhân vật chính Dế Mèn, Tô Hoài đã dành sự tỉ mỉ trong đặc tả ngoại hình:
“Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài vàuốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”.
Mỗi chi tiết luôn được trau chuốt bằng những cụm tính từ đắt mang dấu ấn Tô Hoài như “nhọn hoắt”, “ngắn hủn hoẳn”, “nâu bóng mỡ”, hay các bổ ngữ kết hợp động từ đầy hình ảnh như “soi gương được”, “phành phạch giòn giã”, “nhai ngoàm ngoạp”.
Tả là một chuyện, Tô Hoài còn nối được những đặc điểm được miêu tả gắn với hành động về sau. Chẳng hạn, khi Dế Mèn vô cùng tự đắc với sợi râu dài “rất đỗi hùng dũng” của mình, đã bị bác Xiến Tóc cắt mất sợi râu này để cho chàng ta một bài học về đối nhân xử thế. Đó chỉ là một trong số rất nhiều dụng công mô tả và triển khai mạch truyện của Tô Hoài.
Điều đáng học nữa ở văn Tô Hoài là ông tạo ra sự tương phản về tính cách và bật ra những câu thoại rất tự nhiên giữa các nhân vật. Ở Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, lời ăn tiếng nói và vốn khẩu ngữ dân gian được đưa vào một cách linh hoạt, khiến cho các nhân vật tuy là các con vật nhưng lại giống những người xung quanh chúng ta, hay cụ thể hơn là xã hội người Việt thời thập niên 1940 trở về trước.
Sự gần gũi với thiên nhiên khiến mỗi nhân vật đều mang dáng dấp một người nông dân hay những người phiêu lưu sông hồ. Những câu chữ nghĩa ra vẻ nghiêm túc nhưng lại khiến người đọc bật cười khi giễu nhại lớp nhà nho hết thời như “Hà cớ mà nhị vị tráng sĩ du nhàn qua bản thôn” của nhân vật thầy đồ Cóc, hoặc những câu thoại đầy sống động giữa Dế Mèn, Dế Choắt và chim Cốc, cho thấy sự biến ảo của ngòi bút tác giả.
Cấu trúc của tác phẩm cũng là một điểm đáng chú ý khi triển khai theo hình thức kể chuyện vòng tròn. Bắt đầu là sự vào đời của Dế Mèn, rồi ra ở riêng, những bài học đầu đời và cuộc phiêu lưu dọc vùng sông nước cùng người em kết nghĩa Dế Trũi, để rồi điểm kết thúc là sự trở về của Dế Mèn ở vùng quê cũ trước khi dự kiến một cuộc phiêu lưu mới.
Ở đây có một sự gần gũi với hình thức du ký quen thuộc của Tây Du Ký hay các cuốn tiểu thuyết phương Tây như Gulliver Du Ký, Robinson Crusoe… song Tô Hoài tạo ra một thế giới riêng khi lấy các loài vật nhỏ bé trong khung cảnh thiên nhiên Việt Nam làm nhân vật. Điều này tạo ra một dấu ấn đặc sắc mà sau này, khi được dịch ra nhiều thứ tiếng, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký vẫn có được vị trí riêng biệt.
***
Sự miêu tả kỹ lưỡng và chính xác của Tô Hoài đã trở thành cái mỏ đặc sắc cho các họa sĩ minh họa và lấy cảm hứng từ Dế Mèn Phiêu Lưu Ký. Sự thuận lợi của việc minh họa đã có sẵn, song cũng lại là thách thức khi các họa sĩ tìm một lối thể hiện mang dấu ấn sáng tạo cá nhân.
Phiên bản truyện tranh năm 2019 của họa sĩ Tạ Huy Long đem lại một cảm giác riêng về Dế Mèn, ấy là sự huyền hoặc đượm màu cổ tích. Những con vật và phong cảnh không còn chỉ là sự diễn họa trung thành với văn bản chữ mà gợi ra một không khí bảng lảng đắm đuối.
Chọn lựa những trường đoạn có tính tương tác, phù hợp với việc đặc tả hoặc trổ tài đồ họa trên một khung cảnh rộng, họa sĩ Tạ Huy Long mang đến “một cách đọc Dế Mèn” của mình.
Chẳng hạn họa sĩ Tạ Huy Long đã rất cẩn trọng trong việc nghiên cứu đặc điểm hình thể loài vật, như nhện có nhiều mắt, con ếch dùng lưỡi đớp mồi, hay các loài cây được vẽ kết hợp giữa tính tả thực với áp dụng các đồ án trang trí dân gian.
Truyện có lẽ không chỉ là những bài học đạo lý hay sự kỳ thú về thiên nhiên, mà còn là một nỗi niềm luyến nhớ một vùng thơ ấu đã được cổ tích hóa bằng những câu chuyện gợi cả một bầu tưởng tượng không giới hạn.
Sự tưởng tượng của họa sĩ Tạ Huy Long tạo ra một chất thơ cho Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, có lẽ phản ánh thẩm mỹ của thế hệ 7x, mà nay nhiều người đang là nhà giáo dục hay các bố mẹ, lại tiếp tục trao truyền cách tiếp cận ấy đến con em mình.
Cách vẽ khác so với các lớp họa sĩ trước đây cũng cho thấy còn nhiều mảnh đất cho sự sáng tạo khởi nguồn từ những giá trị kinh điển. Sự đón nhận chắc chắn đa chiều, nhưng đó chẳng phải chính là thành công của Dế Mèn Phiêu Lưu Ký sao?
Nguyễn Trương Quý