Điều gì khiến một đứa trẻ hạnh phúc?
Bộ sách "Những đứa trẻ hạnh phúc" mang đến 10 câu chuyện về cách trẻ em (ở các dân tộc, vùng miền khác nhau) thấu hiểu và cảm nhận về hạnh phúc.
Bộ sách Những đứa trẻ hạnh phúc mang đến câu chuyện của các bạn nhỏ thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Ảnh: Việt Linh.
Hạnh phúc tồn tại trong muôn hình dáng vẻ khác nhau, và với mỗi người lại có cách cảm nhận khác nhau. Cùng theo chân các bạn nhỏ dân tộc Ê-đê, Chăm, Hà Nhì, Khmer, Mnông, Gia-rai, Hmông, Thái, Bana và Kinh để đi tìm kiếm về những đứa trẻ hạnh phúc.
Cậu bé K’Sung bị khuyết tật chân, vì thế nên mọi người không để cậu giúp việc gì. Nhưng K’Sung không cảm thấy hạnh phúc vì điều đó, ngược lại, cậu bé người Mnông kiên cường này lại tạo ra những đồ dùng hữu ích để giúp cho công việc làm nông của cha mẹ.
Với hai chị em H’Li và Y-Bhu, hạnh phúc là được gieo trồng hạt dưa, chăm sóc cây lớn và kiên nhẫn chờ quả ngọt để có thể thưởng thức và mời cả nhà.
Còn các bạn nhỏ Ja Ka, Mư Hoa, Ja Prók và Mư Nhơ lại yêu thích múa hát và chơi trống tại cánh đồng trước làng. Khi hay tin người ta muốn xây một bãi chôn lấp rác tại đây, các bạn nhỏ nhận ra niềm hạnh phúc này có thể sẽ biến mất.
Các bạn nhỏ dân tộc Khmer khi phát hiện một tổ chim non thì liền háo hức muốn bắt về nuôi, nhưng nhận ra rằng chim non cũng cần phải có bố mẹ, và thế là tất cả cùng tìm lại ngôi nhà thực sự cho đàn chim.
Cô bé H’Ri tham dự lễ hội lúa mới của người Gia-rai không chỉ đơn thuần là gìn giữ văn hóa tốt đẹp này của dân tộc mình, mà cùng với chiếc điện thoại nhỏ, H’Ri đã giới thiệu lễ hội đến với bạn bè bốn phương.
Bạn nhỏ Páo khi đi chợ phiên với bố, háo hức được ăn những món ăn ngon ở chợ. Nhưng không ai hỏi mua những con quay đầy màu sắc mà bố của Páo đã làm ra, nên Páo quyết định sẽ cho mọi người thấy được những con quay kì diệu như thế nào.
Cô bé De vì bị câm điếc bẩm sinh nên không được đi học, lúc nào cũng lủi thủi một mình. Nhưng kể từ khi được cô giáo dạy cho ngôn ngữ ký hiệu, em dần có sự tự tin để giao tiếp với mọi người xung quanh.
Cô bé Y Joan yêu mến động vật và muốn làm bạn với các loài, nhưng mẹ đã chỉ cho Y Joan thấy yêu thương không đồng nghĩa với việc “nhốt” các loài lại mà phải để chúng được tự do giữa đất trời.
Sau khi chứng kiến ngôi làng của mình bị tàn phá bởi mưa lũ, cô bé Ban mơ thấy một giấc mơ kì lạ, nơi con người chặt phá rừng, đốt sạch cây cỏ làm rẫy. Ban hiểu ra rằng thứ cần thay đổi không phải đất trời mà chính là con người, những người dân sống tại làng bản thì mới có thể cứu lấy cuộc sống của chính mình.
Và cậu bạn Đạt sống ở thành phố luôn băn khoăn tại sao mình không thể là chính mình, với những thế mạnh mà mình có, mà lại phải giống một ai đó theo lời của cha mẹ.
Câu chuyện Ai cần thay đổi? về cô bé Ban cùng mong muốn bảo vệ dân làng. Ảnh: Thiên Ái.
Chia sẻ về bộ sách, tác giả Bùi Thị Diển cho biết Những đứa trẻ hạnh phúc ra đời từ các dự án giáo dục khi cô cùng đồng nghiệp đưa sách lên vùng cao cho các em nhỏ dân tộc thiểu số. Trò chuyện với các em mang đến một thế giới mới, trong trẻo, tinh khôi, ấm áp mà cũng đầy yêu thương và sáng tạo.
Thay vì những tên nước ngoài xa lạ trong các bộ truyện tranh, cô muốn biến những cái tên như Y Joan, De, Ja Ka, Páo, H’Ri… trở thành nhân vật chính trong các câu chuyện với bối cảnh sống gần gũi, thân quen với các em nhỏ.
Hơn thế nữa, bộ sách Những đứa trẻ hạnh phúc giới thiệu bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc Việt Nam đến với các đối tượng độc giả là thiếu nhi theo một cách tự nhiên nhất. Lựa chọn những câu chuyện về trẻ em để truyền tải bản sắc văn hóa dân tộc như trang phục, lễ hội, nếp sống… sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn với trẻ em.
Ví dụ, đọc Thanh sắc núi rừng, các bạn nhỏ có thể biết về trang phục của người Gia-rai, về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hay các điệu múa xoang truyền thống. Hay câu chuyện Páo đi chợ phiên, độc giả nhí ở miền xuôi có thể biết thêm về chợ phiên miền núi, cây khèn và con quay nhiều màu sắc.
Ở Những đứa trẻ hạnh phúc, mỗi nhân vật nhí đều có bối cảnh, hoàn cảnh sống khác nhau, gặp những khó khăn hoặc tình huống thử thách nhất định, nhưng tất cả đều vượt lên bằng tình yêu thương và mang tình yêu thương đến cho mọi người theo cách bất ngờ, sáng tạo mà đôi khi người lớn cũng không thể nào nghĩ ra được.
Bằng những tranh vẽ minh họa sinh động, gần gũi với thực tế văn hóa, trang phục của các dân tộc, Những đứa trẻ hạnh phúc đã mang lại bài học hạnh phúc mà người lớn kiếm tìm bấy lâu nay. Tình yêu thương khi được trao đi và lan tỏa sẽ làm nên những đứa trẻ hạnh phúc, từ đó tạo ra một con người hạnh phúc.
Nguồn: Znews