cart.general.title

Đọc sách “Khéo khôn với tiền - tránh những ưu phiền”

Hẳn nhiên, tiền là tài sản gần gũi nhất, tác động lớn nhất đến đời sống mỗi người. Cuốn sách “Khéo khôn với tiền - tránh những ưu phiền” không chỉ đưa đến những kiến thức cơ bản về tài chính - ngân hàng, còn kể câu chuyện lịch sử, những giá trị văn hóa mang tính chủ quyền trên mỗi đồng tiền pháp định ở mỗi quốc gia.

Tác giả Lê Thị Thúy Sen (giữa) chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”. Ảnh: Nguyễn Tú

“Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” là cuốn truyện tranh của tác giả Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết hợp cùng họa sĩ Thăng Fly thực hiện.

Cuốn truyện tranh độc đáo, thú vị, mang phong cách riêng biệt khi xoay quanh chủ đề về tài chính - ngân hàng. Trung tâm của truyện là bác sĩ tài chính Tiên Huyền, người có kiến thức sâu rộng về tiền, các quỹ tín dụng, ngân hàng, đầu tư tài chính... sẽ kê “đơn thuốc” đặc biệt để tư vấn cho từng gia đình.

Những người đến phòng khám của bác sĩ tài chính Tiên Huyền, họ đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp, giai tầng, sống ở nhiều nơi từ nông thôn, miền núi xa xôi đến thành thị. Họ muốn được trang bị thêm kỹ năng, kiến thức để sử dụng tiền hiệu quả, để hiểu hơn về các dịch vụ thanh toán, cách phân tích thị trường, trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về tài chính, đầu tư, ngân hàng...

Xoay quanh gia đình cậu bé Tín Dụng với nhiều thành viên, từ mẹ Kim Ngân, bố Tiết Kiệm, anh họ Thành Công, bác Vay, em gái Tài Chính... bác sĩ Tiên Huyền đã có muôn vàn câu chuyện, sinh động để đưa đến những kiến thức tưởng như khô cứng, khó nhằn về lạm phát, tín dụng, tỉ giá, quy luật chảy của dòng tiền... bỗng trở nên dễ hiểu, gần gũi và thú vị.

Cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” với gần ba mươi câu chuyện giàu chất liệu đời sống, thiết thực đã mang đến kiến thức cơ bản, dễ hiểu và dễ áp dụng liên quan đến chủ đề tài chính - ngân hàng đang rất được xã hội quan tâm trong những năm gần đây.

Thực tế đã cho thấy, người Việt đam mê đầu tư, thích giàu lên nhanh chóng. Họ thường đầu tư ồ ạt theo phong trào, tạo nên những cơn sốt leo thang về bất động sản, vàng, chứng khoán, ngoại tệ... Thế nhưng, rất đông trong số những người Việt hùa theo đầu tư ồ ạt dưới dạng phong trào ấy không hề trang bị cho mình kiến thức cơ bản nhất về tài chính.

Chính vì đầu tư thiếu hiểu biết đã dẫn đến muôn vàn bi kịch, bị “dắt mũi” bởi các chiêu lừa đảo của những quỹ tín dụng đen, khiến bao gia đình điêu đứng.

Ngay đến những kiến thức gần gũi nhất về tiền, như: lạm phát là gì? Lãi suất ngân hàng tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán, bất động sản? Tổ chức tín dụng khác ngân hàng như thế nào? Lãi suất ngân hàng ảnh hưởng thế nào đến tỉ giá? Tỉ giá là gì? Sử dụng vốn như thế nào để đạt hiệu quả... Không phải người Việt nào cũng hiểu, dù hàng ngày, hàng giờ chúng ta đều đối diện với những cụm từ này.

Gần 30 câu chuyện trong cuốn truyện tranh được vẽ sinh động “Khéo khôn với tiền” là lời giải đáp hữu hiệu cho tất cả những ai quan tâm đến tiền và vòng xoay, dòng chảy của nó trên thị trường.

“Khéo khôn với tiền - tránh những ưu phiền” giống như cuốn sách cẩm nang dành cho các gia đình Việt, phù hợp với mọi lứa tuổi độc giả, để hiểu hơn về tiền.

Lịch sử tiền ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy tiến bộ văn minh vượt bậc của loài người. Tiền giấy đầu tiên ở Việt Nam đã xuất hiện từ thời nhà Hồ, song cho đến nay tờ tiền này vẫn chưa được tìm thấy.

Phải đến sau cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, chính phủ cách mạng lâm thời đã mời một số họa sĩ vẽ và in những tờ giấy bạc đầu tiên của Việt Nam.

Vượt lên trên tất cả những định nghĩa về giá trị của đồng tiền, cuốn sách “Khéo khôn với tiền - tránh những ưu phiền” mang đến thông điệp, ý nghĩa, bài học về cuộc sống, nhân sinh, cách con người ứng xử với tiền, và ứng xử với nhau.

Chính tình yêu thương, sự hy sinh vô bờ của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu, sự san sẻ giữa những con người, mới là giá trị quý nhất của đồng tiền.

Nguồn: Lao Động