cart.general.title

Đọc sách: Thấu hiểu mật hiệu của trẻ

Ở một thị trấn nước Bỉ, có một gia đình đa sắc tộc. Họ “có một bà nội”, một ông bố người Bỉ, chú bé Kobe và em gái Kim, chị gái cùng cha khác mẹ tên là Kate - đều là những đứa con lai ít nhất là hai dòng máu. Và đặc biệt người mẹ thì từ tận Việt Nam đến, thấy chuyện gì cũng kêu “Ối giời ơi”.

 

Mật hiệu OGO, thoạt nghe tưởng là trò chơi gì đó kiểu LEGO của lũ trẻ bên thị trấn châu Âu ấy. Nhưng không, OGO là viết tắt của một cụm từ tiếng Việt hẳn hoi.

Câu chuyện được kể qua lời của một chú bé mười tuổi. Mẹ chú là người Việt Nam, đang nỗ lực nâng cao ngôn ngữ bản địa ở Bỉ, đồng thời trong nhà, mẹ cũng luyện cho các con biết thêm tiếng Việt. Chú bé Kobe kể: “Mẹ tôi quanh năm “Ối giời ơi”. Cái câu “Ối giời ơi” quen tai đến nỗi cả nhà cùng thấy hay hay.

Bố tôi bảo ngôn ngữ của mẹ có đúng câu ấy dễ học nhất, nghĩa thì hại não nhưng âm thanh lại vui tai.

Tôi cũng thích dùng câu này. Một lần vô tình nói ra, hai thằng bạn thân Kas và Robbe bảo nghe hay thế, quyết chọn “Ối giời ơi” làm mật hiệu - OGO.

Từ đấy có BIẾN gì, chúng tôi đều nhắn OGO” (trang 22, tập 1).

Trước hết chú kể về bà nội tám mươi tuổi, một bà giáo về hưu, cao 1,8 mét, nặng gần một trăm cân. Bà sống một mình trong căn nhà rộng, thỉnh thoảng đến giúp bằng cách nấu món mì Ý mà bố và các con đều ngán. Nhưng bà là người đôn hậu, tâm lý, giúp đỡ cô con dâu người Việt còn đang ngơ ngác hòa nhập, chiều chuộng các cháu. Thật cảm động khi bà đã đi xa, mở hộp bưu phẩm bà gửi từ trước đó thì thấy toàn những cuốn sách mà các cháu đang cần đọc để thuyết trình ở nhà trường.

Bố của chú, một kỹ sư người Bỉ, từng làm nghề sửa ô tô nên trong gara đào một cái hố để xuống đó mà sửa gầm xe. Hiện tại, ông thôi sửa xe mà sửa chữa đồ điện lạnh. Công việc bận bù đầu, nên buổi tối về nhà chỉ ngồi sofa xem ti vi và tránh những chuyện lôi thôi phiền phức.

Kim là đứa em gái sáu tuổi, biệt danh “Kim chậm tiến”. Cô giáo phản ánh với gia đình rằng ở trong lớp Kim không hỏi khi cần giúp đỡ, không giơ tay lúc không hiểu bài. Bàn bạc cách xử lý rồi đưa đi kiểm tra mãi, cuối cùng tạm kết luận: cô bé rối loạn chức năng ngôn ngữ. Nhưng cũng có thể không hỏi không nói vì không thích nói cùng một ý với các bạn. Chậm tiến thế, nhưng anh Kobe và hai anh bạn thân bàn nhau “chuyện làm ăn” thì nghe thấy hết rồi… mách mẹ. Rốt cuộc, những “kế hoạch lớn” của các anh bị chặn đứng.

Toàn bộ chuyện nhà, chuyện trường lớp, chuyện trong thị trấn… được kể qua giọng của chú bé Kobe. Bà nội và chị Kate chỉ thích truyện tình cảm, dài, bà bảo đọc truyện tranh của cháu “bà bị đau đầu”. Người mẹ Việt Nam chỉ thích con đọc sách dài và nghiêm túc, thường khích lệ con đọc sách, giúp con đọc những quyển sách hay để thuyết trình theo yêu cầu của trường. Kobe cùng hai đứa bạn thân tinh nghịch bày đủ trò chơi. Hóa trang thành khỉ trèo lên cây để dọa anh chàng cứ bám theo làm phiền chị Kate. Tính toán cách kiếm tiền bằng việc cho khách đi dạo thuê cái nón Việt Nam của mẹ để đội - tất nhiên mẹ biết và việc không thành. Ngày tết dương lịch bàn mưu kế để chú hàng xóm cho tiền mừng tuổi - cũng không thành. Dàn dựng điệu ca vũ, đến trước cửa nhà mọi người quyên tiền ủng hộ người tỵ nạn Syria, Ukraina - việc này thì thành công.

Là chú bé đa sắc tộc, Kobe kể những câu chuyện về quê ngoại Việt Nam khiến hai đứa bạn háo hức thèm ước được sang đó một lần. Chẳng hạn chuyện thế này thì đứa trẻ nào mà không thích: “Tết ở Việt Nam người ta gói cả chục cái bánh bằng gạo dính dấp. Mỗi cái nặng cả cân. Họ cũng mổ con lợn nặng một tạ và làm thịt chục con gà. Trong nửa tháng trời, từ người lớn đến trẻ con chỉ ăn với chơi, không phải đi làm đi học… Không họ hàng hang hốc gì nhưng cứ gặp trẻ con vào ngày đầu năm người lớn phải móc ví chi tiền. Ở đó người ta thế đấy. Xông xênh cực” (trang 74, 80. Tập 5).

Hai đứa bạn có ý định đủ mười tám tuổi sẽ đi du lịch Việt Nam. Nhưng lớn bằng ấy mới đi thì đâu có ai cho tiền mừng tuổi nữa.

Thế giới đã thành cái làng toàn cầu, cho nên thị trấn nhỏ của các chú cũng chịu ảnh hưởng thế sự: cuộc chiến ở Syria và Ukraina đưa đến những người tỵ nạn. Mấy đứa trẻ tỵ nạn đến đó và trở thành điểm quan tâm không chỉ của người lớn. Một chú bé Ukraina không nói năng gì, chỉ trốn vào ngồi trong bồn tắm, khi đến nhà Kobe thì chỉ muốn chui xuống cái hố sửa xe trong gara… Về sau mới suy đoán là chú ta vẫn trong cơn hậu chấn vì bom đạn, vẫn ám ảnh việc tìm nơi trú ẩn. Cái mũ len sùm sụp kỳ dị, chú không chịu bỏ ra khỏi đầu, sau mới biết hai bên tai lở loét vì bị cào cấu hoảng loạn.

Ba chú bé người Bỉ đã tìm đủ cách để lôi kéo chú bé Ukraina trở lại bình thường, biết nói năng trở lại, dám hòa nhập vào cộng đồng học sinh. Người đọc sẽ thở phào thích thú với cái kết rất hậu của câu chuyện này.

Chuyện kể của chú bé, nhưng hiện hữu đằng sau tất cả chính là người mẹ. Qua góc nhìn của chú ta, người mẹ hiện lên như một người viết kịch bản, một đạo diễn, nhà tổ chức sản xuất… tất thảy các hoạt động của các con trong nhà ngoài vườn, ở trường lớp, ở những con đường trong thị trấn.

Người mẹ xuất hiện qua cái nhìn trìu mến, đồng tình, hãnh diện của đứa con, nhưng cùng lúc vẫn phải chịu sự phản biện của trẻ thơ. Bà vốn là phóng viên ở Việt Nam, lấy chồng Bỉ, cho nên trong mắt đứa con, cứ có thời gian là thấy mẹ ngồi hí hoáy viết lách. Viết như một cái thú, đọc sách như một cái thú, hại sang con là chỉ muốn con đọc sách nhiều chữ - loại sách mà con rất ngán. Giám sát con cái như mọi bà mẹ, nhưng lại thêm kiểu cách của người Á Đông. Mẹ phải học tiếng bản địa, ngoại ngữ chưa thông thạo để đối đáp với con và với xã hội, nhưng vẫn dạy con học bài, đọc chính tả tiếng Hà Lan còn ngọng khiến con viết sai… Thôi thì bao nhiêu cái “tội” dở khóc dở cười về mẹ được tố hết ra. Nhờ vậy, tập truyện càng sinh động, hóm hỉnh, hấp dẫn.

Kiều Bích Hương từng là phóng viên văn nghệ của báo Tiền Phong, hiện tại định cư tại Bỉ. Ở thị trấn xa xôi ấy, chị vẫn thu xếp cho riêng mình một góc nhỏ để sống với tiếng Việt, cần mẫn và điềm tĩnh viết, những trang viết chân thật, xa lạ với những gì màu mè ảo tưởng. Thành quả là những cuốn sách về cuộc sống của người Việt ở Tây Âu. Trong Mật hiệu OGO, chị nhập vai một chú bé tuổi lên mười. Giọng kể của chú bé đúng là giọng trẻ con, không phải là sự uốn giọng bi bô ngọng nghịu giả vờ làm trẻ con mà ta hay thấy ở sách thiếu nhi. Thảng hoặc Kiều Bích Hương pha vào đó đôi chút ngôn ngữ mạng và biệt ngữ của trẻ con. Người lớn đọc cũng bị cái giọng trẻ con này cuốn hút qua sáu tập sách có minh họa dí dỏm của họa sĩ Kim Duẩn.

Nguồn: Đại Biểu Nhân Dân

* Mật hiệu OGO, 6 tập, truyện dài của Kiều Bích Hương, minh họa của Kim Duẩn, NXB Kim Đồng 2023.