cart.general.title

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023: Ông Ba Bị nhưng không dù dọa trẻ em

Ông ba bị, ngáo ộp hoặc ông kẹ… là hình ảnh tưởng tượng mà người lớn sử dụng để hù, nhát trẻ em nói chung. Mỗi nơi có một hình dung và cách kể riêng. Tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 của Lạc An cũng lấy cảm hứng từ câu chuyện này.

1. Thế nhưng, tác phẩm Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (NXB Kim Đồng) lại là cuộc "minh oan" cho ông Ba Bị.

Tại sao gọi là ông Ba Bị? Ấy vì trước nhất ông mang ba chiếc bị, mà trong tác phẩm của Lạc An, ba chiếc bị đó là Ký ức tuổi thơ, Giấc mơ đẹp, Lãng quên. Ông Ba Bị cao lớn, râu tóc xồm xoàm, mỗi khi cười thì khiến tụi trẻ con sợ hãi… cho nên bị thiên hạ "trông mặt bắt hình dong", thành ra trong ký ức của nhiều người, Ba Bị là vị thần xấu.

Tác giả Lạc An

Một ngày nọ, vị thần này dấn thân vào thế giới hiện đại, tiếp cận với những đứa trẻ hôm nay như Bi, Ken, Bun, Bo và cùng chúng đi vào thế giới của giấc mơ, những cuộc phiêu lưu hấp dẫn đến mức khiến tụi trẻ con quên đi đời sống hiện thực của mình.

Ba Bị của Lạc An là một vị thần mang nhiều nhân tính, khao khát được công nhận. Cuối cùng, ông Ba Bị cũng thành công giành lại thiện cảm trong mắt trẻ em khắp chốn.

"Những đứa trẻ miền núi truyền tai nhau về ông Ba Bị, và khắp các quả núi đều biết đến ông.

Những đứa trẻ miền biển truyền tai nhau về ông Ba Bị, và khắp các đại dương đều biết đến ông.

Những đứa trẻ ở đồng bằng truyền tai nhau về ông Ba Bị, và khắp các vùng đồng bằng đều biết đến ông.

Trẻ con trên khắp thế giới nói về ông như một ông già siêu đẳng, và ai ai cũng biết chúng có thể được gặp ông trong mơ".

Nhưng cuộc sống không thể chỉ toàn mơ mộng. Những đứa trẻ mê đắm thế giới của những giấc mơ đến mức ngủ suốt ngày, cơ thể suy kiệt và giấc mộng đẹp nào cũng đến lúc tỉnh dậy.

Trong thế giới trong mơ ấy, ông Ba Bị là thần tượng, là người chiến thắng. Nhưng ông biết rằng để bảo vệ những đứa trẻ thì không chỉ dạy chúng quên để "thế giới trở lại bình thường".

"Đêm hôm đó, ông vào giấc mơ của bọn trẻ như thường lệ, và ông đã làm một việc vô cùng đau lòng: Tự tay bỏ mình vào chiếc bị Lãng quên".

2. Đây là tác phẩm tiếp theo mà Lạc An xuất bản, sau tập truyện ngắn Vì mùa Xuân nào cũng trôi đi (năm 2021). Có thể xem Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ là lời chào của Lạc An để bước vào địa hạt văn học thiếu nhi của tác giả sinh năm 1992 này.

Một buổi ra mắt sách “Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ”

Lạc An có khả năng vừa viết vừa minh họa cho chính tác phẩm của mình, vì thế mà những nhân vật trong truyện hiện lên trang giấy có thể xem là "như in ra" từ chính trí tưởng tượng của tác giả.

Thế giới Lạc An tạo ra là nơi không có cái ác, chỉ có sự hiểu lầm, có những định kiến. Điều quan trọng là không để định kiến, hiểu lầm đó thay đổi bản chất của chính mình.

Tập truyện “Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ” với minh họa của chính Lạc An

Sáng tạo một nhân vật từ hình tượng cũ không phải thủ pháp mới. Tuy nhiên, ở Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ, Lạc An đã thành công khi thuyết phục được độc giả đồng cảm với cái nhìn của mình về ông Ba Bị… không hề xấu, không hù dọa trẻ em.

Điều hứa hẹn mà Lạc An đặt ra chính là nhìn một nhân vật đã trở thành điển phạm cho cái xấu, thậm chí sáo mòn, bằng một cái nhìn "nhân chi sơ tính bản thiện". Vị thần chịu nhiều điều tiếng, hình hài lại không "tiên ông đạo cốt", nhưng lại chính là người đưa lũ trẻ vào thế giới của mơ mộng và không ngừng hướng thiện, hướng đến cái đẹp.

Mơ mộng vừa đủ, thực tế vừa đủ, phiêu lưu vừa đủ, nên tác phẩm cũng đủ ghi được một dấu ấn trong lòng độc giả. Từ nay, bên cạnh ông Ba Bị đáng sợ mà dân gian lưu truyền, sẽ có thêm một ông Ba Bị dễ thương cho bất kỳ những đứa trẻ nào còn tin rằng bản chất của vạn vật trên đời này là thiện lương.

Nguồn: Thể Thao Văn Hóa