cart.general.title

Nhà văn Trần Đức Tiến: Dù sách bán chạy cũng không định tìm tòi để sáng chế ra công thức hay bùa ngải làm mê hoặc bạn đọc

Sách bán chạy là giấc mơ của những người cầm bút. Ấy vậy mà ngay khi sở hữu một cuốn sách “cháy hàng”, nhà văn Trần Đức Tiến lại không có ý định rút ra “công thức” để áp dụng cho những cuốn sau. Tất cả những thắc mắc này được ông chia sẻ với báo Tổ Quốc như một lời giải đáp đến với độc giả.

Nhà văn Trần Đức Tiến

Chẳng có công thức hay bùa ngải nào mê hoặc bạn đọc

- Được biết cuốn sách thiếu nhi mới nhất của ông có tên "Xóm Bờ Giậu" vừa xuất bản đã "cháy hàng" - trước cả khi ra mắt sách và xuất hiện trên truyền thông. Là "cha đẻ" của cuốn sách, ông có bao giờ tự lý giải điều này?

+ Thực sự đây là một bất ngờ rất dễ chịu đối với tôi. Tất nhiên là tôi cũng thử cắt nghĩa lý do sách bán chạy. Giá sách ghi ngoài bìa là 145 nghìn đồng, ở một số nơi người ta có bán hạ đi một chút, cỡ trên dưới 120 nghìn, nhưng dù thế thì cũng không phải là "mềm" so với túi tiền nhờ tiết kiệm ăn quà sáng của các em thiếu nhi. Vậy thì vì sao? Tôi không dám nói truyện mình viết hay, nhưng có lẽ nó cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu của các em. Còn đẹp thì chắc chắn – những bức tranh minh họa màu nước của họa sĩ Kim Duẩn rất đẹp. Giấy in đẹp, bìa cứng. Một cuốn sách văn học ở ta, về hình thức, có lẽ thuộc loại tương đối hiếm ở thời điểm hiện tại.

- Liệu có phải vì cuốn sách này khác so với các cuốn sách trước của ông nên mới cháy hàng, hay vì bao nhiêu năm cầm bút ông đã rút ra được "công thức" để hút độc giả?

+ Khác về hình thức thì rõ rồi. Còn "công thức" để hút độc giả, thực tình tôi không định tìm tòi nhằm sáng chế ra một thứ công thức hay bùa ngải nào để mê hoặc bạn đọc. Tôi chỉ cố gắng viết cho hay – hay theo ý mình. Không viết thì thôi, đã viết thì phải viết sao cho chính mình ưng ý. Vì thế mà tôi cứ viết đi viết lại, đôi khi chỉ là một câu văn. Biên tập viên nào làm việc với tôi chắc lắm phen khó chịu vì tôi rất hay đề nghị thay đổi bản thảo…

- Một cuốn sách bán chạy, cũng đồng nghĩa với việc có nhiều độc giả, được độc giả quan tâm… và dĩ nhiên đem đến niềm vui cho người viết. Vậy thì từ hiệu ứng của "Xóm Bờ Giậu", ông có "định hướng" hay "rút kinh nghiệm" cho các tác phẩm sau của mình "đi" theo cách mà cuốn sách này đã "đi"?

+ Ở trên tôi đã nói rồi đó: với tư cách là người viết, tôi chỉ cố viết cho hay. Còn sách bán chạy, cần và rất cần hình thức đẹp. Sách vừa hay vừa đẹp là nguyện vọng, mong ước của tất cả các nhà văn, chứ không phải của riêng tôi. Nhưng đẹp được hay không là nhờ họa sĩ, và nhờ sự đầu tư của nhà xuất bản. Hai thứ này nằm ngoài tầm tay của nhà văn. Với riêng tôi, xưa nay tôi vẫn cực kỳ quan tâm đến khâu trình bày, minh họa sách, nhưng cũng chỉ tác động được đến khâu đó phần nào thôi. Sau khi "Xóm Bờ Giậu" ra đời, tôi đã mơ tiếp đến những cuốn tiếp theo cũng có hình thức tương tự, và có thể còn hơn thế.

Bìa cuốn sách

Một thế giới đồng thoại ấm áp trong Xóm Bờ Giậu

- Tại sao ông lại lựa chọn thể loại đồng thoại? Việc phân biệt các loài vật: dế, tắc kè, thằn lằn, ốc sên… có thể rất đơn giản, quen thuộc với ông, nhưng có khi lại rất lạ với trẻ em hôm nay. Khi viết, ông có cân nhắc điều này không?

+ Mỗi người viết có một sở thích sáng tạo riêng. Tôi rất thích những tác phẩm viết cho thiếu nhi giàu trí tưởng tượng, và không thích viết những chuyện người thật việc thật hoặc giống thật… Nghèo trí tưởng tượng thì tâm hồn sẽ khô cằn. Bạn cần phải nghe thấy con ốc sên nói gì, cần phải biết con dế cũng làm thơ và con thằn lằn khi cô đơn cũng có thể cất giọng hát một bài hát buồn. Tại sao không? Theo tôi, người ta rất cần phải tập cho mình có được khả năng đó, và còn phải biết cách giữ được chúng khi đã có tuổi. Con người cũng là một phần của thiên nhiên, phải biết sống hòa hợp với thiên nhiên. Chính vì muốn khuyến khích các em tưởng tượng, muốn các em gần gũi, hiểu biết thêm về thiên nhiên, không xa rời thiên nhiên, nên tôi viết những câu chuyện về những con vật tưởng chừng đã trở nên lạ lẫm với các em.

- Ông có cho rằng một cuốn sách dành cho thiếu nhi thì vai trò của họa sĩ trong việc minh họa cũng có đóng góp lớn, khiến cuốn sách hay hơn, hấp dẫn hơn? Giữa minh họa đẹp và phần chữ viết hay, cái nào quan trọng hơn?

+ Vai trò của họa sĩ trong một cuốn sách dành cho thiếu nhi hết sức quan trọng. Chắc chắn thế. Theo tôi biết, sự phối hợp giữa nhà văn và họa sĩ khi sáng tạo ra một tác phẩm ở ta còn khá lỏng lẻo, chứ ở một số nước khác chặt chẽ hơn nhiều. Không thể nói văn hay hay tranh đẹp, cái nào quan trọng hơn cái nào. Văn không hay thì khó có tranh đẹp. Tranh không đẹp dễ làm cho cuốn sách "mất giá", và văn "mất giá" theo. Hay và đẹp, gặp được nhau, kết hợp được với nhau thì chả khác gì "cá gặp nước, rồng gặp mây".

Nhà văn Trần Đức Tiến (giữa) và họa sĩ Kim Duẩn (phải) trong buổi ra mắt sách Xóm Bờ Giậu tại Hội sách Hà Nội vừa qua

- Ông từng cho rằng có hai điều luôn tâm niệm mỗi khi ngồi viết cho các em: Viết thế nào cho các em thích đọc và viết thế nào để có những tác phẩm văn học được đọc từ lúc còn nhỏ sẽ đi theo người ta suốt đời. Ông làm thế nào để biết được trẻ thích đọc và không thích đọc khi bản thân ông đã không còn trẻ?

+ Thế bạn làm thế nào để biết tôi không còn trẻ? Nhiều tuổi chưa hẳn đồng nhất với già, cũng như ít tuổi chưa chắc đã trẻ. Tôi nghĩ với những nhà văn viết cho thiếu nhi bằng tình yêu con trẻ - yêu thực sự, gần gũi chúng thực sự chứ không phải chỉ "làm ra vẻ", thì tự nhiên sẽ biết bọn trẻ con có thích những điều mình viết hay không.

Cảm ơn nhà văn!

Theo: toquoc.vn