cart.general.title

Hoàng Thu Phố Kho ảnh của NSNA Trần Văn Lưu

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT ngày nay, cuốn sách “Văn nghệ & Kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” vừa được NXB Kim Đồng ra mắt. Là một trong hai tác giả biên soạn cuốn sách, ông Nguyễn Huy Thắng (trong ảnh) có cuộc trò chuyện với Thời Nay.

Ông Nguyễn Huy Thắng

Phóng viên (PV): Ý tưởng làm cuốn sách đến với ông như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Thắng (NHT): Đến gần như ngay sau khi tôi đủ trấn tĩnh trước mấy trăm bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu chụp trong kháng chiến, được gia đình cho xem. Đầu tiên là một cảm giác sững sờ: Làm sao sau 60-70 năm mà còn giữ được cả một bộ ảnh nguyên vẹn, với chất lượng tốt như thế? Tiếp theo là một câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình: Tại sao lại không làm một cuốn sách về những bức ảnh đó?

PV: Đánh thức kho ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu vốn đã ngủ yên hơn nửa thế kỷ, nhóm biên soạn đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

NHT: Trước hết là thuận lợi. Tất cả đã có sẵn. Phim, ảnh đã được gia đình, cụ thể là anh Trần Chính Nghĩa - thứ nam của nhà nhiếp ảnh, chuẩn bị sẵn sàng để công bố. Ở đâu và như thế nào thì còn chưa rõ, nhưng chắc chắn là đủ chất lượng để in sách, làm triển lãm… Về chủ quan thì cá nhân tôi đã có quá trình tìm hiểu về cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khá kỹ, đặc biệt về thời kỳ kháng chiến. Tôi đã biên soạn nhiều cuốn sách về cha mình, trong đó có hàng chục trang phụ bản ảnh. Nhiều bức ảnh là của ông Lưu chụp, đã được công bố hoặc do chính cha tôi lưu giữ. Về sau tôi được biết đó là ảnh bị hỏng hoặc làm thử để lựa chọn, nếu không dùng có thể loại đi, nhưng cha tôi với tư cách là một người phụ trách cơ quan văn nghệ đã giữ lại! Tất cả đã giúp tôi có được một vốn hiểu biết khá căn bản để có thể “đọc” và “giải mã” nhiều bức ảnh của ông Lưu.


Đội nhạc thiếu sinh quân trong sách ảnh của Trần Văn Lưu.

PV: Thế còn khó khăn mà nhóm biên soạn gặp phải?

NHT: Về khó khăn thì cũng rất nhiều. Đã 60-70 năm kể từ thời của những bức ảnh ấy. Người chụp thì cũng đã mất đến 15 năm. Mà ở mình, các tư liệu lại không được hệ thống, nhiều thông tin thậm chí là vênh nhau nếu không muốn nói là trái ngược. Dựa vào đâu hoặc hỏi ai để xác minh về bức ảnh này, bức ảnh nọ là rất khó. Trong nhiều trường hợp mình phải vận dụng logic để có được kiến giải về bức ảnh…

PV: Đại diện gia đình nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu tham gia và có vai trò như thế nào trong cuốn sách này, thưa ông?

NHT: Rất nhiều! Trước hết là về kỹ thuật. Những ảnh nào chưa đạt yêu cầu về chất lượng, gia đình đều cho xử lý lại từ phim - mà việc lục tìm phim có thể nói là một công việc vất vả. Tiếp theo là về tư liệu. Tư liệu về cuộc đời nhà nhiếp ảnh để phục dựng chân dung ông qua cuốn sách. Tư liệu về người thân, bạn bè của ông, nhất là những người có trên ảnh, để có được những lời bình phù hợp và chính xác. Cũng may, trong nhiều trường hợp, chính nhà nhiếp ảnh đã ghi lại thông tin về bức ảnh ngay trên phong bì để con cháu và người biên soạn lấy làm căn cứ…

PV: Theo ông, điều giá trị nhất trong những bức ảnh về văn nghệ và kháng chiến mà nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã ghi lại là gì?

NHT: Với tôi, đó là một bộ sưu tập tập trung nhất, đầy đủ nhất bằng ảnh về hai chủ đề: “Văn nghệ” và “Kháng chiến”. Riêng về cuốn sách, có thể coi đó là một chân dung nghệ sĩ được tái phát hiện và phục dựng một cách chân thực bằng chính tác phẩm của ông, với những lời thuyết minh tối giản nhưng cũng đủ cặn kẽ và gợi mở để khẳng định sự đóng góp của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu về nhiều phương diện: với cách mạng và kháng chiến, với văn nghệ nói chung và nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng.

PV: Tình nghệ sĩ nào trong cuốn sách ảnh khiến ông cảm thấy thú vị, hoặc day dứt?

NHT: Tôi biết ông Lưu rất thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Vũ Đình Liên, ông Lê Chính ở báo Văn nghệ. Bạn đọc có thể tìm hiểu qua cuốn sách. Ở đây tôi muốn kể một kỷ niệm về ông Lưu với gia đình mình. Một ngày tháng 6-1973, gần 13 năm sau khi cha tôi qua đời, ông Lưu đã tìm đến nhà tôi để tặng ba tấm ảnh. Một tấm chụp cha tôi với các văn nghệ sĩ trước trụ sở Hội Văn nghệ ở Xóm Chòi. Hai tấm kia chụp chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ở cả ba bức, ông đều đề tặng mẹ tôi và gia đình với những lời rất trang trọng. Đó là điều khiến tôi luôn tâm niệm ông Lưu là một người rất trung hậu trong khi làm cuốn sách về ông!

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo: nhandan.com.vn