cart.general.title

Lan tỏa vẻ đẹp lấp lánh của tiếng Việt

Từ những tên riêng, Tiếng Việt ân tình… là những tựa sách về ngôn ngữ vừa ra mắt. Vẻ đẹp lấp lánh của tiếng Việt được các tác giả khai thác ở nhiều góc độ. Dòng sách này cũng như những câu chuyện về ngôn ngữ luôn được bạn đọc quan tâm.

Viết sách vì tình yêu tiếng Việt

Tại buổi ra mắt cuốn Tiếng Việt ân tình do Thái Hà Books tổ chức mới đây, tác giả Lê Trọng Nghĩa (chủ biên) đã mời bạn đọc cùng tham gia trò chơi ngôn ngữ thú vị. Thử thách được đưa ra là phân biệt các từ dễ nhầm lẫn: “đen sì” hay “đen xì”, “co dãn” hay “co giãn”, “dày vò” hay “giày vò”… Đó cũng là một phần từ ngữ được giải thích ở mục Chính tả, trong Tiếng Việt ân tình.

Được chia thành nhiều mục: Từ Hán Việt, Địa danh, Thành ngữ - Tục ngữ - Quán ngữ, Nội dung khác…, sách cung cấp cho bạn đọc một lượng lớn ý nghĩa, nguồn gốc của các từ cũng như hiểu đúng, viết đúng chính tả. “Trong khoảng 140 mục từ, Lê Trọng Nghĩa đã mang đến cho người đọc nhiều câu chuyện hấp dẫn, không chỉ trong địa hạt ngôn ngữ mà còn là văn hóa, lịch sử, văn chương của người Việt” - tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ nhìn nhận. Ngoài việc diễn giải nghĩa của từ, sách còn đề cập đến nhiều câu chuyện thú vị đằng sau thói quen dùng ngôn ngữ của người Việt. Ví dụ: vì sao khi nghe điện thoại, người ta thường nói “a lô”, vì sao “tán tỉnh” lại được gọi là “cua”, vì sao gọi quần đùi là quần xà lỏn… Nhiều phương ngữ, khẩu ngữ cũng như truyện tích về những tên riêng cũng có mặt trong sách: chà bá, ba gai, Lưu Linh, ông Ba Bị…

Tác giả Lê Trọng Nghĩa bày tỏ: “Khi đọc nhiều sách về ngôn ngữ của học giả An Chi, giáo sư Cao Xuân Hạo, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Tình…, tôi đã không khỏi trầm trồ về bao điều thú vị trong tiếng Việt. Ví dụ từ “mè nheo” bắt nguồn từ cá mè và cá nheo, còn “tha ma” là cách viết tắt của một từ trong tiếng Phạn… Lớn lên, đi du học, tôi nhận ra rằng dù mình có giỏi ngoại ngữ thế nào cũng khó diễn tả trọn vẹn cảm xúc, những điều mình muốn nói với bạn bè nước ngoài.

Càng nhận thức được tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ, tôi càng muốn chia sẻ những điều thú vị ấy với những người cùng thế hệ mình” - anh nói. Anh lập ra trang Tiếng Việt giàu đẹp để chia sẻ những câu chuyện thú vị về ngôn ngữ. Hiện fanpage có hơn 120.000 người theo dõi. Nội dung trong sách Tiếng Việt ân tình cũng được chọn lọc từ các bài viết đã đăng trên fanpage nhiều năm qua.

“Ẩn sau những từ ngữ, câu nói mà chúng ta vẫn thường sử dụng hằng ngày là biết bao câu chuyện vừa hấp dẫn lại vừa có giá trị sâu sắc. Tiếng Việt ân tình giúp người đọc khám phá thêm những vẻ đẹp tinh tế của ngôn ngữ trên nhiều bình diện, cho mỗi người thêm hiểu và thêm yêu tiếng Việt” - tiến sĩ Nguyễn Thế Dương - một độc giả - cảm nhận.

Nhiều góc độ tiếp cận

Không kể sách nghiên cứu, hiện nay sách về ngôn ngữ được các tác giả khai thác ở nhiều góc độ, tiếp cận gần gũi hơn với bạn đọc. Sau bộ sách Văn hóa nhìn từ tiếng Việt (3 tập, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM in năm 2021), nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc cho biết anh sắp in tiếp một ấn phẩm về ngôn ngữ, dung lượng 80.000 từ, dự kiến ra mắt trong năm nay. Nhà thơ, nhà báo Hồ Huy Sơn cũng vừa có tác phẩm mới Từ những tên riêng (Nhà xuất bản Kim Đồng), in dưới dạng sách tranh dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.

Độc giả có thể khám phá nguồn gốc, ý nghĩa của từ ngữ, cảm nhận vẻ đẹp của tiếng Việt trong nhiều tác phẩm đã phát hành

Ông Hồ Huy Sơn cho biết: “Trong quá trình đọc sách, tôi nhận ra quả thực tiếng Việt rất phong phú, giàu đẹp và cực kỳ thú vị. Khi tôi gửi ý tưởng về việc thực hiện một cuốn sách khám phá tiếng Việt (gồm 5 phần) dành cho các bạn nhỏ, nhà văn Phan Hồn Nhiên đã đề nghị triển khai thành 5 cuốn. Từ những tên riêng là 1 trong 5 chủ đề đó”. Từ những tên riêng gồm 50 mục từ, tập trung vào những tên riêng nay đã trở nên phổ biến trong lời ăn tiếng nói thường ngày: Bà Tám, Anh Hai Sài Gòn, AQ, Chúa Chổm, Đạo Chích, Nàng Bân, Tào Tháo, Sở Khanh… Trong đó, có những từ ít người biết như “cầu Ba Cẳng”, trong câu nói “Dân chơi cầu Ba Cẳng” từng được xuất hiện trong giao tiếp của người Sài Gòn xưa.

Cách đây không lâu, Du Bút cho ra mắt cuốn Cổ mỹ từ (tác giả trẻ Nguyễn Thùy Dung) với hướng tiếp cận cổ ngữ trong văn chương bác học thời trung đại. Bên cạnh những từ ngữ đậm sắc thái hoài cổ, thi văn tao nhã là những bức tranh minh họa thi vị, giàu cảm xúc. Cổ mỹ từ đã để lại dấu ấn đẹp với bạn đọc. Ngoài ấn phẩm này, Nguyễn Thùy Dung cũng từng xuất bản các tập sách về ngôn ngữ: Từ vay hay dùng, Chữ xưa còn một chút này, Hôm nay phải mở mang.

“Các tác giả trẻ có cách khai thác về ngôn ngữ rất gần gũi, độc đáo và thú vị. Họ đã cùng góp phần truyền tình yêu tiếng Việt đến bạn đọc, đặc biệt là các em nhỏ. Điều này rất đáng ghi nhận và cổ vũ” - ông Hồ Huy Sơn chia sẻ. Những tựa/bộ sách về ngôn ngữ thú vị còn có thể kể đến: Miền Tây lạ lắm à nghen (Trương Chí Hùng, viết về phương ngữ Nam Bộ), bộ 3 tập Phương ngữ Việt Nam (nhóm tác giả Alex Nguyễn - Ling Lang - Ngọc Nguyễn, Nhà xuất bản Kim Đồng)…

Dù được thể hiện dưới dạng văn xuôi tản mạn hay theo cách diễn giải trực tiếp, sách chữ hay kết hợp với tranh minh họa thì những tựa sách về ngôn ngữ đều có sức thu hút riêng. Sách về tiếng Việt đã không còn gói gọn trong phạm vi “sách nghiên cứu” mà đã đến gần hơn với bạn đọc nhiều lứa tuổi, với cách thể hiện đa dạng, hấp dẫn. Vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như dòng sách về ngôn ngữ hứa hẹn vẫn sẽ còn được lan tỏa, tiếp nối bằng những đề tài thú vị.

Nguồn: phunuonline.com.vn