Lê Minh Hà: Tự giải phóng mình khỏi áp lực từ độc giả
"Một tác phẩm phải mở ra được một điều gì, khiến cho độc giả nghĩ tới điều gì đó..."
Sau những tác phẩm “Phố vẫn gió”, “Còn nhớ nhau không”, “Những gặp gỡ không ngờ”, “Thương thế ngày xưa” … tiếp tục mạch hoài niệm, nhà văn người Việt tại Đức Lê Minh Hà lại dẫn dụ người đọc theo dòng kí ức của mình trở lại những ngày xưa chưa xa với chuyện trường chuyện lớp.
Buổi nói chuyện với độc giả nhân dịp ra mắt tác phẩm “Tháng ngày ê a” của Lê Minh Hà diễn ra vào sáng thứ Bảy 14/7, tại Hà Nội. Nhân dịp này, nhà văn Lê Minh Hà trả lời phỏng vấn về tác phẩm cũng như sáng tác của chị.
Nhà văn Lê Minh Hà tại buổi giao lưu ra mắt sách "Tháng ngày ê a" với bạn đọc do NXB Kim Đồng tổ chức. - Ảnh: Họa sĩ Tô Chiêm/ Nguồn: FB nhân vật
PV: Thưa nhà văn Lê Minh Hà, ý tưởng viết cuốn Tháng ngày ê a đến với chị như thế nào?
Nhà văn Lê Minh Hà: Có cuốn sách đấy công đầu thuộc về họa sĩ Tô Chiêm (NXB Kim Đồng). Anh Tô Chiêm một lần đề nghị tôi là viết về những ngày đầu đi dạy, khi anh ấy biết những ngày đó tôi rơi vào “bi kịch khủng khiếp”: đi họp hội đồng thì bị giáo viên của trường đuổi ra, bảo là: đây là chỗ của giáo viên chứ không phải chỗ của sinh viên!, Còn ngoài hành lang các bạn sinh viên chẳng ai chào cả, vì người ta tưởng tôi là sinh viên! Anh Tô Chiêm chắc tưởng những ngày đầu đi dạy của tôi toàn những chuyện buồn cười như thế, cho nên có đề nghị tôi viết. Nhưng quả thực là tôi không làm nổi, sau mấy năm trời, vì vẫn nghĩ rằng mình là cái gì đâu để nói về bản thân mình.
Nhưng ngày 20/11 năm kia, lúc 7h sáng, lúc đó ở nhà đã nửa ngày rồi, chênh nhau 5-6 tiếng đồng hồ - mở facebook thấy mặt mình chình ình giữa màn hình! Không biết là chuyện gì! Hóa ra đấy là cái ảnh một nhà báo - Phạm Đoan Trang - đã lấy để đặt vào bài của mình. Đọc, tôi mới biết bạn ấy viết về tôi. Và tôi cũng mới biết trong tư cách nhà giáo, mình đã gây được ấn tượng đặc biệt, có thể với một đôi người thôi, nhưng cũng là một người đặc biệt giống như tôi đã từng có những ấn tượng hết sức đặc biệt với một số thầy cô giáo trong đời đi học. Và đến lúc đó bài viết của Đoan Trang cho tôi nhìn mình dưới một góc độ khác. Sau này tôi mới biết rằng cô ấy chỉ đi học thêm tôi đôi ba ngày thôi.
Pv: Đó có phải cũng là một cú hích, một động lực để chị bắt đầu viết về một cái mà thoạt đầu chị cứ băn khoăn về sự khởi đầu của nó?
Nhà văn Lê Minh Hà: Có lẽ… có lẽ! Tôi phải nói ngay đây không phải là hồi ức, đây không phải là một tác phẩm có khuynh hướng hoài niệm. Tôi còn trẻ đến mức tôi sợ cái chữ hoài niệm. Và tất cả những gì mà khi mọi người nói Lê Minh Hà viết về ngày xưa, Lê Minh Hà hoài niệm, Lê Minh Hà nhớ…thực ra nó chỉ là một cách để nhìn nhận ngày hôm nay. Đấy chỉ là một cách tôi phát biểu những suy nghĩ của tôi về thời thế hôm nay, về con người hôm nay trong tư cách một người Việt Nam.
Pv: Thường thì khi các tác giả viết một cuốn sách hay có những dụng ý nhất định, hoặc là cho những đối tượng độc giả nào đó mà họ muốn hướng tới. Chị thì như thế nào, với cuốn này?
Nhà văn Lê Minh Hà: Bạn nói rằng tác giả viết có dụng ý dành cho độc giả, thì tôi phải nói ngay, tôi không biết những người viết khác như thế nào, còn khi tôi viết, tôi tự giải phóng mình hoàn toàn khỏi những áp lực về chuyện những dòng chữ của mình được đón nhận như thế nào, từ ai. Không một độc giả nào gây áp lực được lên bản thân tôi lúc đấy ngoài chính bản thân tôi. Mình sẽ kể cái gì? Điều đó có ý nghĩa gì? Và mình sẽ tìm cho nó một giọng điệu như thế nào, có đạt hay không? Đấy mới là áp lực.
Nhưng sau khi đã cho công bố rồi thì dĩ nhiên phản ứng từ độc giả không một tác giả nào không chờ đợi. Và đối với tôi, tôi không đánh giá phản ứng của độc giả theo hướng hay hay dở đối với mình. Quan điểm của tôi về một tác phẩm là nó phải mở ra được một điều gì, nó khiến cho độc giả nghĩ gì, có thể là ngẫm nghĩ về chính bản thân họ, có thể một ý nghĩ nào đó bất ngờ chói lóa lên. Và có thể những ý nghĩ đấy hoàn toàn đối nghịch với người viết ra cuốn sách đấy. Đối với tôi chỉ khi nào làm được điều ấy thì tác phẩm mới thành công.
Thế nhưng trong cuốn sách này tôi rất muốn độc giả cùng với tôi, nghĩ về một điều mà hôm nay người ta nói rất nhiều, đấy là: Làm cách nào để cho tuổi thơ thực sự là tuổi thơ – không phải là sướng hay là khổ, mà là đứa trẻ có được sống như nó muốn hay không; và nếu như nó phải sống không như nó muốn, thì nó có thể vượt qua bằng cách nào.
Tôi có một tuổi thơ nói thẳng là không êm dịu gì. Vì điều kiện chiến tranh, thế hệ tôi chẳng ai thoát được cả. Nhưng còn vì lý do cá nhân, là do tôi quá yếu, nên tôi luôn luôn sống xa gia đình và luôn luôn cô độc, rất ít bạn trong tuổi nhỏ của mình.
Từ trái qua phải: Tổng biên tập NXB Kim Đồng Vũ Quỳnh Liên, nhà văn Lê Minh Hà, nhà văn Thuận, TS văn học Lê Thị Diệu Linh, nhà phê nình văn học Mai Anh Tuấn tại buổi ra mắt sách - Ảnh: Họa sĩ Tô Chiêm/Nguồn:Fb nhân vật.
Pv: Khi đọc đi đọc lại văn của chị, có thể thấy Lê Minh Hà viết rất kỹ, chọn lọc từ rất kỹ lưỡng, có cảm giác tác giả viết lâu và kỹ công. Điều đó có đúng với cuốn sách mới này không thưa chị?
Nhà văn Lê Minh Hà: Cái đó có thể vừa là bệnh nghề nghiệp. Là nhà giáo, tôi nghĩ nhà giáo nào cũng có xu hướng tránh được nhiều lầm lỗi nhất như có thể về mặt ngôn từ - không cứ là dạy văn đâu. Nhưng thật ra tôi lại viết cuốn này rất nhanh. Khi ý nghĩ “có thể viết được” nó đến thì viết cực kỳ nhanh. Và đến khi viế,t thì hoàn toàn không đi theo nhịp họa sĩ Tô Chiêm đề nghị nữa. Tôi viết về tuổi thơ. Mình là một thực thể trong tuổi thơ đó.
Tuổi thơ của tôi có từ con ốc sên đến con ốc đồng, có bùn, có nước, có bà tôi…, có những người nông dân mà thực sự cho đến giờ tôi vẫn cho rằng mình không hiểu về họ, về sức mạnh, sức sống của họ. Tôi không hiểu. Vì tôi sống ở nông thôn nhưng lại không phải con một gia đình nông dân hồi sơ tán đó. Và tôi có nỗi sợ lạ lùng lắm, là nỗi sợ cô độc. Và thời tôi còn một nỗi sợ khác mà các em, các cháu bây giờ không thể biết, đấy là lúc nghe Hà Nội bị bom, đứa trẻ nào cũng nghĩ…
Thế hệ nào cũng có một nỗi sợ riêng của mình mà ta phải vượt qua, thế thôi!
Xin cảm ơn nhà văn Lê Minh Hà.
Theo: vovworld.vn