Lê Phương Liên TINH THẦN “ĐIỆN BIÊN PHỦ”
Đối với thế hệ chúng tôi, ĐIỆN BIÊN PHỦ là một sự kiện gần. Những ngày mùa thu tháng 10 năm 1954, Hà Nội sang trang sử mới, những đứa trẻ lên ba như tôi khi được các chú các bác của mình mặc trang phục bộ đội, sao vàng mũ lưới, ngực đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ dắt tay đi trên những đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền… ôi chao tự hào hãnh diện! Những ngày ấy, bài hát Giải phóng Điện Biên vang vang và điệu múa sạp “Sòn sòn sòn đô sòn” nơi quảng trường gần bến tầu điện dốc lên Hàng Gai, Hàng Đào là những ấn tượng sau sắc trong ký ức ấu trĩ của tôi.
Khi lớn lên là học trò Hà Nội được dự lễ kỷ niệm 10 chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1964) tại Sân vận động Hàng Đãy. Trong lễ kỷ niệm đó, chúng tôi được xem một cuộc biểu diễn có bộ đội thật , pháo cao xạ thật, xe tăng thật… hùng dũng diễn lại trận Điện Biên Phủ lịch sử. Dường như hồn thiêng của sự kiện ấy đã nhập vào tâm hồn lứa học trò thủa đó. Sau rồi hầu hết những người đã dự cuộc kỷ niệm ấy chẳng bao lâu sau đã lên đường vào một cuộc chiến đấu mới…
Mùa xuân năm 1971, tôi đi thực tập dạy vật lý lớp 6 tại một trường THCS ở quận Đống Đa (Hà Nội) ngôi trường mang tên Tô Vĩnh Diện (là tên một người anh hùng Điện Biên Phủ). Khi dạy bài “Mặt phẳng nghiêng”, cô giáo (là tôi) giảng về tổng hợp lực tác động vào một vật chuyển động trên mặt phẳng nghiêng (gọi nôm na là một cái dốc). Khi tôi vừa nhắc đến ba chữ “Điện Biên Phủ”, cả lớp đã nhao nhao giơ tay xin phát biểu: “Trường em mang tên anh hùng Tô Vĩnh Diện, người lấy thân mình chèn pháo khi khẩu pháo bị lăn từ trên dốc núi xuống”. Ôi chao, giờ vật lý bỗng sôi động hẳn lên đến khi kết thúc bài giảng “tổng hợp lực ở một vật chuyển động trên mặt phẳng nghiêng” cả lớp đồng ca bài “Hò kéo pháo”! Tôi đã mang theo niềm vui vẻ từ kỳ thực tập ở trường Tô Vĩnh Diện để đi tới một ngôi trường làng khác với những kỷ niệm khốc liệt hơn và cũng sâu nặng hơn.
Tháng 12 năm 1972, Hà Nội tan hoang tơi bời trong cảnh bom đạn B52! Sống trong những đêm đỏ lửa, không gian tràn ngập tiếng súng tiếng bom tôi lại nghe vang lên ba chữ Điện Biên Phủ để rồi tận mắt chứng kiến một trận không chiến lịch sử mang tên: “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đến những ngày kết thúc cuộc chiến, không gian thành phố còn vương khói bom, những âm thanh đặc biệt giòn giã đã vang vang bài hát Hà Nội - Điện Biên Phủ! của nhạc sĩ Phạm Tuyên trên làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
Tại Nghĩa trang Điện Biên Phủ năm 2002. Các em học sinh tiêu biểu và các anh chị phụ trách tỉnh Lai Châu, cùng ông Nguyễn Thắng Vu (cố giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng), ông Lê Trân (cố Tổng biên tập Báo Thiếu niên tiền phong) và tôi (Lê Phương Liên, khi ấy là Giám đốc điều hành Quỹ) trong giây phút thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ .
Sau ngày 30/4/1975, đất nước hòa bình thống nhất, tưởng như “Điện Biên Phủ” sẽ chỉ còn là ký ức của một lớp người râu tóc bạc phơ… Hóa ra không phải vậy. Vào những 1989, 1990, 1991, 1992… Đất nước đi vào một giai đoạn chuyển biến về hạ tầng cơ sở kinh tế kéo theo sự thay đổi của cả xã hội, NXB Kim Đồng như một con tầu nhỏ giữa cơn sóng lớn của biển cả “cơ chế thị trường” ! Rất có thể quy luật thị trường sẽ nhấn chìm một Nhà xuất bản đầu tiên dành riêng cho thiếu nhi Việt Nam! Khi ấy, như do sự lựa chọn của thời thế, ông Nguyễn Thắng Vu đảm nhiệm chức vụ khó khăn: Giám đốc NXB Kim Đồng! Lịch sử ngành xuất bản đã cho mọi người thấy rõ ông là người thuyền trưởng đã vững tay lái đưa con tầu NXB Kim Đồng cập bến vinh quang! Vào mùa hè năm 1992 tôi được nhận trách nhiệm là biên tập viên bộ sách tranh truyện hiện đại Nhật Bản có tên gốc “Doraemon” của tác giả Fujiko. F. Fujio (bộ sách do NXB Shogakukan- Tokyo xuất bản). Tôi còn nhớ ông Nguyễn Thắng Vu (cũng là người đồng hương Quảng Bình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã nói với toàn thể ban biên tập: “Chúng ta sẽ làm một trận Điện Biên Phủ!”
Ngày ấy, ông Nguyễn Thắng Vu đã trực tiếp làm việc với nhóm biên tập tổ chức dịch bản thảo bộ sách (bao gồm bộ sách nguyên tác tiếng Nhật và bộ sách đã được biên soạn qua tiếng Thái Lan). Trên cơ sở tìm hiểu nội dung cơ bản của bộ sách, ông Nguyễn Thắng Vu đã quyết định lựa chọn một phương án phù hợp với cách tiếp thu của bạn đọc Việt Nam, kết quả là phiên bản tiếng Việt đầu tiên của bộ sách Doraemon đã có tên “ Đô rê mon - Chú mèo máy thông minh” do họa sĩ Đức Lâm biên soạn với sự cộng tác của các dịch giả tiếng Thái Lan: Việt Hùng, Lại Thị Liên… các dịch giả tiếng Nhật: Nguyễn Quý Quý, Đoàn Ngọc Cảnh… Trong lần xuất bản đầu tiên này một số tên nhân vật, một số tình tiết và bố cục của bản thảo đã thay đổi so với bản gốc Doraemon của Nhật Bản. Ngày ấy với đức độ, tâm huyết và tài năng chỉ đạo kiệt xuất của ông Nguyễn Thắng Vu, tập thể cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng cả hai miền Nam Bắc đã làm nên “sự kiện xuất bản Đô rê mon”(1992-1995). Từ thành công trên thị trường, NXB Kim Đồng kết nối ngoại giao với các đối tác Nhật Bản, kết quả là năm 1996 tác giả Fujiko. F. Fujio và đại diện NXB Shogakukan (NXB bộ sách Doraemon ở Nhật Bản) đã sang năm Việt Nam từ đó Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em mang tên Đô rê mon (Doraemon) đã ra đời. Tính đến nay Quỹ Doraemon đã hoạt động được 24 năm, hàng năm cấp hàng trăm suất học bổng cho các em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn.
Chính nhờ Đô rê mon (Doraemon) mà tôi được bay đến Điện Biên Phủ năm 2002. Năm ấy, tôi cùng ông Nguyễn Thắng Vu - chủ tịch Quỹ và ông Lê Trân (nguyên tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong) là cán bộ Quỹ lên tổ chức Lễ trao học bổng của Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em mang tên Đô rê mon tại Thành phố Điện Biên Phủ. Ngồi trên máy bay ngày ấy mà tôi tưởng mình đang sống trong một giấc mơ. Núi rừng Tây Bắc trải rộng mênh mông, con sông Đà hùng vĩ uốn mình như một dải lụa mền chảy men theo những dãy núi nhấp nhô. Non sông gấm vóc này đã thấm máu bao đời người giữ gìn bảo vệ dựng xây. Tôi nghĩ vậy khi đang lâng lâng trên mây. Khi cánh máy bay là là liệng xuống sân bay Mường Thanh tôi nhìn thấy cánh đồng ngời ngời đang vào độ lúa chín vàng. Mở cửa máy bay bước xuống là mùi hương lúa chín ngào ngạt dâng lên trong gió. Lòng chảo Mường Thanh trong trí tưởng tượng của tôi là một tập đoàn cứ điểm đầy sắt thép, là một bãi chiến trường bùn máu đạn bom, là dây thép gai là mìn, lựu đạn, hầm hố, giao thông hào ngang dọc… Giờ đây trước mắt tôi là lúa chín vàng, dốc Him Lam nay đã là đường phố. Đường phố Điện Biên Phủ khang trang to rộng, nhiều tòa nhà có khi còn to lớn hơn cả các tỉnh miền xuôi. Thế rồi tôi được gặp gỡ các cháu học sinh dân tộc Thái, dân tộc H’mông, dân tộc Dao… Món quà tôi mang đến cho các em chỉ là 500.000 đ, 1.000.000 đ và những cuốn sách Kim Đồng thân thuộc. Với các em dân tộc ít người, việc đọc sách tiếng Việt là một sự thích thú và cũng là nỗi vất vả… Tạm biệt thành phố Điện Biên Phủ, hình ảnh lưu giữ lại trong ký ức của tôi là thời khắc xúc động thắp hương ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ bên các em thiếu nhi người dân tộc thiểu số. Tôi hiểu rằng có một tinh thần “Điện Biên Phủ” trong những ánh mắt các em thơ… Tôi viết bài này khi nghĩ về Điện Biên Phủ để tưởng nhớ đến những người anh hùng đã khuất trong đó có ông Nguyễn Thắng Vu, ông là người anh hùng trong ký ức của tôi.
(Bài viết tháng 4/2014 đã bổ sung sửa chữa vào tháng 5/2020)