cart.general.title

Nguồn ánh sáng quê hương

Thể loại tản văn cần một tâm thái bình thản, an nhiên, lấy cái lặng, cái tĩnh để chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm đầy biến động khác.

Tác giả Thái Kim Lan là người mang nặng tâm trạng hoài cổ, chan chứa yêu thương với những tình thân dĩ vãng, lượm từng mảnh vỡ văn hóa để dựng xây một viễn ảnh cao đẹp trên từng trang viết. Mai rồi mưa tạnh trong xuân (nhà xuất bản Kim Đồng) là tập tản văn tròn đầy những biểu trưng tinh thần của triết học Tây phương, các pháp của Phật giáo, là trạng thái dập dìu của sự xê dịch và trở về, hiện tại và quá khứ, cái đang còn và cái đã mất, yêu thương và chia sẻ.

Cầm trên tay cuốn sách như cầm cả một trời ký ức mù khơi, đau đáu của một đời sống cá nhân xen lẫn mạch nguồn văn hóa của một vùng đất, thời đại. Những điều tưởng chừng quên lãng đã sống dậy, nắm lấy bàn tay, hòa vào nguồn cơn những thôi thúc bất tận về những điều cố hữu tươi đẹp đã qua. Cái xưa và cái nay trộn lẫn nhau, công kích nhau, giữa lằn ranh văn hóa và ý thức, tính bất toàn và biến đổi.

Tác giả đã đưa ra một loạt khái niệm của dạng tâm thức trở về chân phương, ở đây là quê hương xứ sở, người thân, bạn bè, kỷ niệm. Đến với điều xưa cũ tức là gợi về lịch sử trong chiều kích thời gian thăm thẳm, nhưng giản dị vô cùng: “Với tôi, khi nhắm mắt lại thì xưa là con đường thuở bé tôi đi từ ngõ, vào sâu, từng bước, qua cây ngâu, cây tràng bì, cây hồng quân, rồi cây vải cổ thụ hai người ôm không hết, đến cây hải đường, ngõ sâu hun hút, đi hoài trên con đường đất cho đến nhà bà, cảm giác dấn sâu vào diệu vợi thời gian, nẻo sương mù của ký ức”.

Dạng tâm thức đó là những mảnh ghép không thể cắt rời “như một kỷ niệm không tên, chỉ biết rằng, mỗi khi nhớ đến, nó rực sáng trong ký ức mù khơi, nó nâng nhịp tim lên trên ngọn thủy triều, nó lung linh đến phải mỉm cười…”.

Một người luôn sống trong trạng cảnh đó, nên lúc tác giả ở Đức vẫn không nguôi nhớ Huế và khi về Huế vẫn để lại dấu chân trên xứ người tuyết lạnh. Chính tác giả cũng phải bàn về tâm trạng tha phương, “ở trọ”, “lưu đày” ấy: “Đã lâu rồi, có một triết gia hiện sinh nào đó nói về tâm trạng “không nơi đâu là nhà”, bi đát như số phận người Do Thái lang thang. Thảm trạng phi lý Camus “lưu đày và quê nhà” trở thành một “cách nói hiện sinh” thời trang…”.

Hay gần gũi kiểu Huế như cố hòa thượng Thiện Siêu có lần từng diễn giải: “Xác bên nớ mà hồn thì ở bên ni, nói nghe như người nằm ngủ nói mê”. Điều đó đã tạo nên dạng tâm thức Thái Kim Lan - một người yêu quê hương xứ Huế tha thiết, một trí thức am hiểu Đông Tây và là một phật tử thuần thành. Những góc cạnh tâm hồn của con người ấy đã thức dậy, hòa mình trong Mai rồi mưa tạnh trong xuân.

Tác giả đã dựng dậy một Huế ngày xưa, cụ thể là hình bóng Huế những thập niên 1950-1970, trên trang viết. Những người của Huế một thời, Huế rặt, Huế đẹp, Huế cổ kính, Huế tao nhã, Huế thi nhân… đã sống dậy trên từng trang sách. Đó là mẹ, là chị, là bà thím, bà o, những bạn học Đồng Khánh, là hòa thượng, tăng ni, trí thức, là những người Huế vô danh.

Khởi đi từ cảnh vật  nhuốm màu phong lãm: “Màu tím của sông, chút lòng trung kiên vĩnh viễn của Huế, phôi pha như một giấc mộng cố nhân, mỏng manh như một thoáng hơi sương thu, chỉ còn lãng đãng trong hoài niệm và đợi chờ...”. Đó còn là mưa - một “đặc sản” của Huế bao đời, để rồi mỗi lần đi trong mưa là mỗi lần đi vào cuộc bay mới: “Có một cuộc thay hình đổi dạng nào đó trong mưa bụi, tôi không còn là tôi, tôi mê mải đi trong mưa, đi “hứng mưa”, và nói sảng thứ ngôn ngữ bay bổng trên trời”. Mưa cũng là ký ức, thấm vào trong từng hơi thở: “Trong mưa, tôi không chỉ gặp riêng thời non dại, mà còn thấy được nguồn cơn mọi nẻo địa cầu”. Thái Kim Lan đã chắp nhặt từng mảnh nhớ thương, bồi đắp cho di sản “khảo cổ văn hóa” những giá trị của Huế.

Đặc biệt, những ký ức mang mùi vị rất khó phai nhòa, nằm trên những món ăn, trên bông hoa trong vườn, mùi áo dài mới... Những điều ngọt ngào, giản đơn như Ký ức chén chè bà thím. “Chén chè ấy vĩnh viễn nằm trong ký ức, vì nó ngon và thanh khiết kỳ lạ, không đâu sánh bằng, chỉ có bà thím mới nấu tuyệt kỹ như rứa”.

Trải cùng kỷ niệm văn hóa ẩm thực, dường như chỉ Huế mới có loại bánh Vu Lan mùa hiếu hạnh: “Vị măng và vị nếp ngạt ngào thuần chất, tạo nên cảm giác khoan khoái, an lành như nhiên. Cảm giác ấy đọng mãi trong ký ức của thời thơ ấu, nó hồn nhiên tinh khiết như tình mẹ con”. Trong không khí gia đình ấm cúng sớm hôm, một món ăn nho nhỏ đậm nghĩa tình: “… chén cháo gạo đỏ mùi vị thiệt thà, không pha chế rườm rà, thường hiện về trong ký ức, với đôi má hồng, giọt mồ hôi lành lặn của chị, biến thành một nỗi nhớ quay quắt của người từ quan lên đường trở về chốn cũ...”.

Từ một câu chuyện bên chén trà, bao ý tưởng đã gợi lên: “Hình như chỉ bên chén trà, cuộc trở về mới chính thức là về nhà”. Những chi tiết nhỏ đã bày ra cái đề cương rộng lớn, như một cửa ngõ khác của chén trà: “Hegel chìm đắm trong tuyệt đối của duy tâm. Có phải Hegel là một Huệ Khả chưa giác ngộ?”. Đông và Tây, Phật giáo và triết học là một, không còn sự cách biệt.

Thể loại tản văn cần một tâm thái bình thản, an nhiên, lấy cái lặng, cái tĩnh để chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm đầy biến động khác. Với Thái Kim Lan, người đọc có cơ hội chạm được tính linh của ngôn ngữ và vẻ đẹp riêng biệt của ký ức, vùng văn hóa, trải nghiệm lịch đại, kết hợp với những giấc mơ hoài cổ lung linh, mơ mộng. 

(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)