cart.general.title

Mai này còn nguyên dáng ấy

Tôi thử đóng vai một người khô khan lạnh lùng dửng dưng thờ ơ đọc sách để mở trang sách tản văn của tác giả Thái Kim Lan MAI RỒI MƯA TẠNH TRONG XUÂN. Thế mà bất ngờ bị cuốn hút bởi giọng văn tiếng Việt của một người xa xứ đã sống tới hơn 50 năm ở nước Đức. 
Tác giả Thái Kim Lan là người Huế, chị có thể nói và viết tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, là giáo sư tiến sĩ triết học giảng dạy đại học tại Đức, chị hiểu triết học Tây phương  như triết học Phật giáo Đông phương, nghĩa là ảnh hưởng văn hóa phương Tây ở chị sâu sắc lắm. Thế mà không như cô “gái quê đi tỉnh về” trong thơ Nguyễn Bính, “hương đồng gió nội” xứ Huế ở chị Thái Kim Lan đã “không bay đi”!  Tôi đọc tản văn của chị  Thái Kim Lan mà tưởng như mình đang đọc thơ - văn xuôi và sâu sắc hơn như chị đã nói ở Lời đầu sách là “tiểu tự sự”. “Có thể những tiểu tự sự này chưa hẳn đem lại những“Huế” mà người tân thời muốn biết về một thành phố cũ còn lại nơi một đất nước đang trải qua lắm ba đào đổi thay…” trong Lời đầu sách tác giả tập tản văn đã nói  như vậy. Ấy thế mà với những người chưa đến Huế bao giờ sẽ được rung động cảm nhận “mưa Huế”, “nắng Huế”, “vườn Huế”, “nhà Huế” và biết bao những hình bóng “Huế xưa”, “Huế rặt” sẽ hiện ra trong những câu văn mỹ lệ ảo diệu của tác giả Thái Kim Lan. 

       

Trong Thắp sáng hương sen, người đọc sẽ biết mùa hạ Huế: “Nắng vỡ vụn trên đường như bung lửa. Huế đang nóng như thiêu. Làm chi rồi cũng không khỏi nóng, chiếc quạt tím phe phảy như một thứ góp gió tùy duyên, chưa kịp khô giọt mồ hôi đang lăn trên má đã có trăm nghìn giọt khác lấm tấm trào ra chực chảy dài…” 
Trong Mùa xuân bên ấy , người đọc gặp “mưa Huế” hiển hiện như một nhân vật nhẹ bước chân đến bên người tự sự, cùng đối thoại tâm tình “âm vang nhỏ nhẹ”. Mưa đến trong giấc ngủ “vỗ về cơn mộng triệu đang say” và “còn ai đang thao thức thì đành ôm mưa vào lòng…” Tả mưa như vậy là mưa trong ký ức hoài niệm là nỗi nhớ “mưa” trong tình yêu quê hương Huế thương. 
Trong tập sách Mai rồi mưa tạnh trong xuân có rất nhiều tản văn được thể hiện bằng một nghệ thuật viết độc đáo như vậy. Để rồi, người đọc sẽ tự mình nhận ra những bài có giọng tâm tình như người tri âm tri kỷ riêng của mình. 
Không chỉ gửi tình yêu Huế vào thời tiết đặc biệt của xứ Huế, tác giả Thái Kim Lan đã dành nhiều trang đẫm tình với những người thân với bà, với mẹ với chị gái, anh trai… với bạn bè trường nữ học Đồng Khánh… Dường như ở mọi câu văn, chạm đến ngọn cỏ, lá cây, giọt nắng, cành mai, lá chuối, chung trà, con cá bống, cái bánh nậm… tất cả đều sẽ âm vang tiếng chuông chùa Linh Mụ và ký ức trở về như câu thơ nhà thơ Thu Bồn tả sông Hương: 
Con sông dùng dằng
Con sông không chảy.
Sông chảy vào lòng.
Nên Huế rất sâu.
Không chỉ là Huế ở Huế, đọc tản văn Thái Kim Lan, người đọc sẽ gặp Huế ở Muenchen (Đức) với những tản văn như Lượm mận trong vườn, Một nhành mai, Hoa đồng tiền… dòng chảy tự sự liên văn hóa của tác giả khiến người đọc như được bay từ Đông sang Tây, từ Tây sang Đông và cuối cùng đọng lại trong tâm hồn vẫn là một vẻ đẹp riêng của xứ Huế.
Đọc tập tản văn Mai rồi mưa tạnh trong xuân, người đọc không chỉ được thưởng thức nghệ thuật tản văn đậm đà phong vị người Huế mà hơn thế những người  chưa có hiểu biết về triết học Phật giáo sẽ được bừng ngộ một cách tri nhận thế giới khách quan. Từng câu chữ thấm đượm hương thơm cỏ cây hoa lá sẽ là một sự gợi mở khiến mình muốn được tìm hiểu sâu sắc hơn chữ “Không” trong triết học Phật giáo. Trong bài Đàn bà Huế-Con yêu bánh nậm, tác giả Thái Kim Lan đã viết rằng: “Hình như khi nói về cái Tôi của mình, người con gái Huế luôn bắt đầu bằng chữ “Không”, như một cách xóa đi cả con người mình trên tấm bảng đen, làm mờ cả “Nhân Ảnh” và “Nhân Diện” của mình trước sự xoi mói của tha nhân…” Tản văn này có lẽ là một trong những bài văn tiêu biểu “đậm đà bản sắc Thái Kim Lan”. Người đọc từ không hiểu, không biết sẽ nhận ra những gì muốn hiểu, muốn biết, lại thôi thúc mình tìm kiếm sự hiểu biết hơn nữa.
Có những cuốn sách không chỉ đem lại cho người ta sự giải trí, có những cuốn sách sẽ đem lại cho ta sự bừng ngộ và “lớn lên” với từng câu văn, từng trang sách. Đối với riêng tôi, cuốn sách Mai rồi mưa tạnh trong xuân của tác giả Thái Kim Lan là cuốn sách mình đọc để “lớn lên” thoát ra khỏi tình trạng vị thành niên để là một người trưởng thành. Cho dù, thoạt nhìn qua, ta tưởng rằng cuốn sách này chỉ nói về xứ Huế.

Lê Phương Liên
(Theo Thời Nay)