Miền Tây lạ lắm à nghen
Cuối năm 2020, khi mua cuốn “Miền Tây lạ lắm à nghen” (do Nhà xuất bản - NXB - Kim Đồng xuất bản) của tác giả Trương Chí Hùng, tôi cứ nghĩ đây là cuốn sách dành cho thiếu nhi. Hóa ra không phải vậy, người lớn đọc cũng rất thích, rất thú vị.
Cùng với tên sách khá dân dã, dễ nhớ, được diễn đạt theo cách nói của người Nam Bộ, điều thú vị trước hết là cuốn sách được trình bày theo dạng sách tranh, in màu rất đẹp với những hình ảnh minh họa khá sinh động. Càng thú vị hơn đó lại là cuốn sách giải thích về ngôn ngữ. Trong tác phẩm, có 70 từ vựng thuộc các lĩnh vực như: Thiên nhiên, cây trái, địa danh, ngành nghề, đời sống sinh hoạt… ở miền Tây Nam Bộ đã được tác giả đưa vào sách, qua đó định nghĩa ngắn gọn cũng như nói về nguồn gốc xuất xứ của từ ấy rồi đính kèm một bài tản văn để chỉ ra ngữ cảnh sử dụng. Ví dụ như khi đề cập đến từ "miệt" - chỉ nơi hẻo lánh, xa xôi - gắn liền với vùng Miệt Thứ ở Kiên Giang, tác giả viết: "Miệt Thứ buồn như cái buồn của cô gái lấy chồng xa, cái buồn của anh nông dân nghèo chứng kiến người mình yêu bị đem gả bán". Từ "miệt" vì thế (theo tác giả) cũng được dùng trong ca dao về nỗi lòng người con gái như: "Đêm đêm ra đứng hàng ba/Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn/Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?". Khi nói về từ "mút chỉ cà tha", tác giả giải thích, cà tha là cách đọc trại từ "katha" - một loại bùa kết từ những sợi chỉ ngũ sắc rất dài của người Khmer. Vì thế, dân gian dùng từ này để miêu tả những điểm xa xôi, tận cùng về không gian. Để cho nghĩa của từ trên được rõ hơn, tác giả đã kèm theo tản văn ngắn nói về một lần mình đi lạc ở rừng U Minh Hạ, may mà gặp một phụ nữ dân địa phương giúp đỡ và chị đã nói thế này: "Mèn ơi, tội nghiệp dữ hông, đi chi mà mút chỉ cà tha vậy, thôi cưng dựng xe ở đó đi, rồi lên nhà rửa mặt, chị nấu cơm cho ăn rồi hẵng đi, chớ kiểu này lỡ lạc nữa thì đói chết".
Có thể nói, giải thích từ có kèm tranh và những trang tản văn đậm chất trữ tình như ở “Miền Tây lạ lắm à nghen” là cách làm khá ấn tượng, xưa nay hiếm gặp. Đặc biệt, qua cuốn sách, bạn đọc không chỉ hiểu hơn về ngữ nghĩa của những từ đậm chất miền Tây Nam Bộ, mà còn có dịp khám phá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Từ tên đất, tên làng, cảnh sông nước, kênh rạch, phong tục tập quán, cách xưng hô, ẩm thực, cây cối… cho đến trang phục, nếp sinh hoạt, lao động… đều được tác giả giải thích và tái hiện rất sinh động. Cũng từ cuốn sách, khi đọc, bạn đọc không chỉ có thêm vốn hiểu biết về các loài chim như: Cò, giang sen, trích cồ, quốc, bìm bịp, sáo…, không chỉ biết về môi trường sống của cây đước, cây mắm, cây bần, dừa nước, thốt nốt, bông điên điển…, mà còn biết phân biệt nước rong, nước kém khác với nước lớn nước ròng; biết thế nào là ghe, xuồng, tắc ráng, đò dọc, đò ngang cùng những cảnh sinh hoạt như tát đìa, lượm trứng vịt đẻ ngoài đồng…
Trương Chí Hùng là giảng viên Khoa Sư phạm của một trường đại học, đồng thời là một cây bút trẻ đã từng được bạn đọc biết qua những tác phẩm như: “Một nửa nhà quê” (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014), “Trong sương thương má” (tập tản văn, NXB Kim Đồng, 2019), “Man mác Vàm Nao” (tập bút ký, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019), “Nẻo đời phiêu bạt (tập bút ký, NXB Phụ nữ, 2021)… Là cây bút sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ nên cũng như ở các tác phẩm khác của mình, trong “Miền Tây lạ lắm à nghen” Trương Chí Hùng luôn tạo được ấn tượng với người đọc vì bên cạnh vốn sống dồi dào, anh còn có lối viết lôi cuốn với văn phong dung dị, dí dỏm, gắn với lời ăn tiếng nói của người lao động, trong đó sử dụng nhiều ca dao, dân ca, tục ngữ…
Nguồn: Báo Khánh Hòa