cart.general.title

Kí ức một thời từ trang viết của các thiếu sinh quân

Không phải ngẫu nhiên những tác phẩm hồi kí hoặc mang dáng dấp của một thời đã qua luôn có một sức hút lạ lùng đối với độc giả. Với độ lùi về thời gian, cũng như khoảng cách về thế hệ, lớp người đọc hiện tại thấy tò mò về thời của cha ông. Và ngược lại, những người cầm bút cũng ít nhiều thấy có trách nhiệm để những năm tháng ấy không bị lãng quên. Nhà văn Ma Văn Kháng với “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” cũng nằm trong số đó: “Thực tình khi tôi nhận cuốn sách này, tôi tuổi đã rất cao. Sau cuốn “Chim én liệng trời cao” viết năm 2017 thì tôi chủ trương không viết nữa. Một phần vì tuổi cao, hai là cũng yếu rồi. Thế nhưng lại có một sự kiện rất lạ lùng. Một hôm tôi nhận được điện thoại của nhà văn Thúy Loan, hỏi: “Bác Kháng ơi, bác đã đọc quyển Quân khu Nam đồng chưa?”. Tôi bảo: “Đọc rồi. Quyển sách rất hay.” Thúy Loan bảo: “Cuốn sách ấy khắc họa chân dung thanh thiếu niên thời chống Mĩ cứu nước rất sinh động, nhưng bây giờ chúng cháu đang cần một cuốn sách khắc họa chân dung lớp thiếu niên trong thời chống Pháp . Bác là thiếu sinh quân năm 1949 có đúng không?” Đặt hàng gay gắt quá, sự thôi thúc của kí ức cũng mãnh liệt quá nên tôi không còn cách nào hơn.”

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tặng hoa chúc mừng hai tác giả.

Một “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca đã trở thành cơ duyên để chúng ta có “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” của nhà văn Ma Văn Kháng. Và đến lượt nó, những kí ức sống động về Nhà trường Thiếu sinh quân Việt Nam, tồn tại từ đầu năm 1949 đến năm 1951, lại tiếp tục nối dài những câu chuyện khác. 

Tác giả Vũ Mão, cựu học viên trường Thiếu sinh quân năm ấy, cũng đã ra mắt tập bút kí chính luận “Một thời Đông Bắc” ghi chép những kỉ niệm trong thời gian ông đứng mũi chịu sào, gánh vác trọng trách làm Bí thư huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh… 

Những câu chuyện của người trong cuộc dần lộ diện. Với nhà văn Ma Văn Kháng, đó là lớp học không có sách giáo khoa, là thời “chỉ cần có giấy giới thiệu là vào bất cứ nhà dân hay đồn công an nào cũng được đón tiếp chu đáo.” Còn với tác giả Vũ Mão, đấy là câu chuyện về một Bí thư huyện ủy không dám nhận mấy chai nước mắm làm quà biếu… Một thế hệ đã qua với nhiều kỉ niệm trân quý và xúc động. Cũng có lẽ vì thế, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam coi “thế hệ các thiếu sinh quân” là một thế hệ vàng, đã đóng góp nhiều cho dân tộc, cho đất nước: “Chúng ta có rất nhiều khó khăn của Cách mạng đều đã vượt qua. Nhưng trách nhiệm xây dựng nền văn hóa và xây dựng con người khó khăn vô cùng. Và chúng ta đã có một đội quân văn hóa để giải quyết nhiệm vụ to lớn đó. Nhờ tầm nhìn như thế, chúng ta có anh Vũ Mão, có anh Ma Văn Kháng.”  

Buổi giao lưu ra mắt sách có sự tham dự của đông đảo các nhà văn, nhà phê bình văn học, các các cựu học viên trường Thiếu sinh quân Việt Nam

Có lẽ chính những băn khoăn về việc không rõ các thế hệ đi trước đã sống, chiến đấu, và cống hiến như thế nào đã khiến nhiều độc giả, trong đó có cả độc giả trẻ tuổi, quan tâm tới các tác phẩm có chất liệu hồi kí này. Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn cho rằng “Một thời Đông Bắc” của tác giả Vũ Mão “có nhiều tư liệu quý về một giai đoạn của Cách mạng Việt Nam ở địa phương. Đây không phải là một cuốn sách nghiên cứu nhưng cũng không hề kém cạnh một cuốn địa chí về một vùng đất tưởng rằng rất gần gũi nhưng cũng còn nhiều điều mà ta chưa biết đến.” Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Đây có thể xem là bút kí đậm chất sử thi về một thời hào hùng của dân tộc mà anh đã sống và gắn bó thân thiết. Trong sách hiện lên bức tranh sinh động về đất và người của một biên viễn thân thương phía Đông Bắc Tổ quốc. Qua đó, cũng thấp thoáng hiện lên đôi nét con người của tác giả, một chính trị gia, một nghệ sĩ, qua một văn phong điềm đạm, một bút pháp lắng đọng trầm tư.” 

Nhà văn Ma Văn Kháng xúc động chia sẻ trong chương trình.

Với “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” của nhà văn Ma Văn Kháng, dấu ấn của thời đại, của lịch sử lại thêm phần vang vọng, khi qua trang sách, ông chia sẻ về thời thiếu niên anh hùng, sôi nổi của cả một thế hệ nay đã tóc bạc da mồi. Bởi vậy, TS. Dương Thị Thanh Hương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một học trò của nhà văn Ma Văn Kháng, coi đó là những trang viết đầy chiêm nghiệm: “Tôi nói với thầy, hành trình của thầy không phải chỉ có riêng thầy đâu mà là của tất cả những trang thiếu niên tuấn kiệt của thời đó. Tôi biết là tất cả học sinh của trường Thiếu sinh quân thì hầu hết đều các bác, các chú là con của các gia đình trí thức. Đây là một nơi ươm mầm ra một thế hệ vàng.” 

Trong kí ức của thế hệ xưa có những gì? Phủi đi lớp bụi thời gian, những độc giả thế hệ sau có thể tìm thấy ở đấy câu chuyện cuộc đời, số phận con người… có thể ít nhiều khác biệt và xa lạ với hôm nay, nhưng lại phản ánh về một thời đã qua, vừa gian khổ vừa hào hùng. Và hơn cả, là để biết rằng có một thời người ta đã sống, đã yêu, và chiến đấu như thế. 

Theo: VOV6