Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi
Cách đây hơn 50 năm tôi đã viết hai truyện vừa đầu tay cho thiếu nhi là Những tia nắng đầu tiên (Nxb Kim Đồng, 1971) và Khi mùa xuân đến (Nxb Kim Đồng, 1973). Những năm sau, khi sách tái bản, Nxb Kim Đồng in chung hai cuốn, gọi tên chung là Những tia nắng đầu tiên. Khi viết hai cuốn này tôi đang ở tuổi đôi mươi. Lần đầu viết một truyện vừa cho thiếu nhi tôi đã bộc phát sáng tác một tác phẩm hoàn toàn hư cấu. Cuốn sách có khung cảnh nhà trường và đời sống học sinh trong những năm 1965 - 1968 và 1969 - 1970. Những nhân vật trong cuốn sách là hình bóng của thầy giáo, cô giáo, học trò…, tất cả đều mang đặc điểm nhân cách của con người miền Bắc Việt Nam thời kì đó. Những tình tiết trong cuốn sách đều xuất phát từ trải nghiệm thực tế của tác giả. Nhân vật chính là cô bé Hà trong Những tia nắng đầu tiên và cô bé Phương trong Khi mùa xuân đến đều mang bóng dáng của tác giả thời niên thiếu. Tuy vậy cô bé Hà, cô bé Phương và tất cả các nhân vật trong hai cuốn sách đầu tay của tôi đều là nhân vật hư cấu. Từ ngoại hình cho đến tính cách không hoàn toàn giống một người bạn nào của tôi trong thời thơ ấu. Thế mà bạn đọc ở khắp nơi đã cho rằng cuốn sách là chuyện có thật của tôi. Nhiều người đã tò mò hỏi tôi về những nhân vật như Quang, Bùi trong Khi mùa xuân đến có phải là “bạn trai” của tôi không, hiện nay các anh ấy như thế nào...
Tôi là người đọc sách sớm, từ lúc 6 - 7 tuổi đã đọc các sách của Nxb Kim Đồng như Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Dế mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng). Ngay từ lúc học cấp hai tôi đã đọc những bộ tiểu thuyết đồ sộ như Những người khốn khổ của Victor Hugo. Vào tuổi thanh niên đã tìm đọc các bộ tiếu thuyết của Lev Tolstoy như Chiến tranh và hòa bình, Ana Karenina..., tiểu thuyết của Honore de Balzac như Eugénie Grandet… Theo phong trào thanh niên thuở ấy tôi say mê các cuốn tiểu thuyết được coi là “sách gối đầu gường” như Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Ostrovsky) và Ruồi trâu (Ethel Lilian Voynich). Tất cả những cuốn sách này tôi đều đọc qua bản dịch tiếng Việt được xuất bản hồi đó. Cảm ơn các dịch giả và các nhà xuất bản đã cống hiến cho bạn đọc những cuốn sách dịch tuyệt vời. Xin kể ra như vậy để nói rằng, tôi đã quen thuộc với thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết và các nhân vật tiểu thuyết từ rất sớm. Mùa hè năm 1970, khi tôi 19 tuổi được đi trại sáng tác của Bộ Giáo dục, trong tâm hồn tôi đã sẵn sàng một “hành trang văn học”. Tôi đã có hiểu biết về một điều cơ bản của việc sáng tác: nhân vật trong tiểu thuyết là nhân vật hư cấu do tác giả sáng tạo ra. Đó là sản phẩm từ trí tưởng tượng của tác giả.
Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội. Khi ấy tôi chỉ hơn các nhân vật của tôi chừng 6 - 7 tuổi. Tôi cũng vừa từ nơi sơ tán trở về Hà Nội theo học khoa Toán - Lý trường Sư phạm Hà Nội (10+3). Do đó cảm xúc được trở về ngôi trường cũ ở phố phường Hà Nội của tác giả đã hòa nhịp đập với trái tim của các nhân vật Những tia nắng đầu tiên. Trong cuốn sách nhỏ này mỗi nhân vật học sinh đều mang nét tính cách do tác giả kiến tạo. Cô bé Hà có nội tâm phong phú có tính cách vượt trội tự giác trong học tập, tự hoàn thiện nhân cách của mình. Em khao khát hòa nhập với bạn bè, mong ước các bạn cũng tiến bộ. Trong tương tác với tập thể Hà vừa nghiêm khắc lại vừa bao dung với các bạn. Trong hành xử với bạn, Hà nhận ra tính nóng vội của mình. Tình cảm phục thiện của Hà đã cảm hóa bạn bè cùng hướng về những điều tiến bộ. Nhân vật Hà là sự bộc lộ bản thân của tác giả. Các nhân vật khác trong câu chuyện mỗi người một nét tính cách của lứa tuổi thiều niên (13 - 14 tuổi). Nhân vật Quân có nét giống Hà về tính cách nổi trội trong tập thể nhưng vụng về ứng xử thiếu sức thuyết phục bạn bè. Nhân vật Khải là chú bé hồn nhiên, bản năng, chưa có ý thức tự học, tự rèn bản thân. Nhờ tác động của thầy, cô và tập thể Đội thiếu niên, em đã bắt đầu “từ tự phát chuyển sang tự giác” rèn luyện bản thân. Nhân vật Lực là một chú bé có tâm lí thờ ơ với ngoại cảnh, thụ động, thiếu hứng thú trong học tập, trong mọi hoạt động của nhà trường, Đội thiếu nhi. Tác động của tập thể lớp, trường, thầy, cô giáo, bạn bè đã thức tỉnh em, khích lệ ý thức chủ động hòa nhập với tập thể để tự phát triển bản thân mình. Dàn nhân vật của cuốn Những tia nắng đầu tiên là sản phẩm của trí tưởng tượng của tác giả trên cơ sở những hình ảnh học trò đã từng in dấu trong tâm hồn. Xin nói thêm rằng khi viết tác phẩm này tôi đã được học tâm lí học khái quát và tâm lí học lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng... Với mục tiêu trở thành giáo viên cấp hai tôi đã quan sát và chú ý nghiên cứu đối tượng trẻ em lứa tuổi thiếu niên (từ 11 đến 14 tuổi). Điều này cũng đã giúp ích cho tôi khi tạo dựng các nhân vật. Bản thân tôi đã được thụ hưởng một nền giáo dục phổ thông (cấp một, cấp hai) ở Hà Nội thời kì 1958 - 1965 dưới mái trường xã hội chủ nghĩa với những hình ảnh thầy, cô giáo và bạn bè như trong cuốn Những tia nắng đầu tiên.
Cuốn Khi mùa xuân đến được viết vào mùa hè năm 1972, khi ấy tôi 21 tuổi. Cuốn sách này hướng tới bạn đọc lứa tuổi 15, 16, 17. Đây là lứa tuổi đã có cảm xúc giới tính. Trong tình cảm giữa bạn nam và bạn nữ đã có những xúc cảm mang rung động của tình bạn khác giới, không hoàn toàn hồn nhiên vô tư như tuổi 12, 13 nữa. Trong cuốn sách này tôi đã tạo dựng các nhân vật Phương, Bùi, Quang, những học sinh lớp 8 (đầu cấp ba) sắp rời chiếc khăn quàng đỏ và tiến lên đoàn viên. Cuộc sống của các em học sinh Hà Nội sơ tán về nông thôn hòa nhập với đồng quê trong hoàn cảnh chiến tranh. Khi lớp học bị bom, học sinh phải tự xây dựng lớp học trong một khu vườn tre. Câu chuyện dựa trên những trải nghiệm có thực của tôi trong những năm học 1965 - 1968 tại trường cấp ba Thuận Thành (Bắc Ninh). Tuy vậy, để sáng tạo ra cuốn sách này, tôi đã phải mạnh dạn hư cấu những tình tiết trong mối quan hệ của các bạn học trò nam và nữ. Lúc ấy tôi đã 21 tuổi nhưng chưa có sự trải nghiệm tình yêu thực sự. Những tâm trạng tình cảm trong cuốn sách do tôi tưởng tượng ra. Hai nhân vật nam sinh là Quang và Bùi xuất phát từ nguyên mẫu là những người bạn trai trong lớp học của tôi ngày đó. Các bạn đều rời ghế nhà trường trở thành anh bộ đội vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Với nhân vật Quang tôi khắc họa tính cách của một cậu học sinh thành phố bộc trực mạnh dạn hăng hái trong mọi hoạt động. Nhân vật Bùi là một cậu học sinh nông thôn hiền lành trầm tĩnh và sâu lắng trong tình cảm và chín chắn trong hoạt động. Tình cảm giữa các nhân vật Phương, Quang, Bùi đều toàn hoàn trong sáng vì sự tiến bộ của bạn bè. Đó là nét đẹp của tuổi học trò thời chiến những năm 1965 - 1968. Nhân vật Quang được sáng tác từ nguyên mẫu hai người bạn là học sinh Hà Nội sơ tán và nhân vật Bùi xuất phát từ nguyên mẫu hai người bạn là người gốc Thuận Thành (Bắc Ninh). Trong Khi mùa xuân đến nhân vật Bùi đã hi sinh ở chiến trường. Trong đời thực thì chỉ có một người bạn đã trở thành liệt sĩ và một người bạn khác đã trở về với quê hương và gia đình. Sau này khi có những cuộc hội lớp, hội trường được gặp lại các bạn cựu chiến bình, chúng tôi đã có những giây phút vô cùng cảm động. Nhắc đến cuốn sách nhỏ của tôi, có người đã đoán ra nhân vật “Bùi” nguyên mẫu là ai. Chúng tôi thương nhớ bạn “Bùi” bí thư chi đoàn 9B năm xưa đã cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc, nay chỉ còn nhìn thấy bạn từ bức ảnh ở bàn thờ. Rồi lại vui mừng cảm động gặp lại “Bùi” thứ hai đã trở thành một cán bộ quân đội ngực đeo đầy huân chương rực rỡ. Bạn vẫn là một người khiêm nhường nhã nhặn nhỏ nhẹ như xưa.
Bao nhiêu năm đã qua, tôi cũng đã tiếp tục sáng tác những cuốn sách mới và kiến tạo những nhân vật khác từ hiện thực trực tiếp mình đã gặp trong đời. Như các cuốn Hoa dại (truyện vừa), Kí ức ánh sáng (tiểu thuyết). Sau này tôi còn có một bước chuyển từ sáng tác với chất liệu có thực sang sáng tác với chất liệu khai thác từ tư liệu lịch sử và văn học dân gian như Nữ sĩ thời gió bụi (tiểu thuyết dã sử). Tuy vậy kinh nghiệm sáng tác từ những tác phẩm đầu tay vẫn là vốn liếng kinh nghiệm quý giá của tôi, giúp tôi có được những bước đi vững vàng về sau. Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm sáng tác của tôi chỉ là một câu chuyện để các bạn đang cầm bút hôm nay biết đến như đọc một câu chuyện cổ tích. Với bản thân tôi, viết một cuốn sách khác sau một cuốn sách đã thành công bao giờ cũng rất khó. Sự tự vượt lên chính mình luôn là điều khó nhất. Thế nhưng, niềm đam mê sáng tạo vẫn thôi thúc chúng ta dấn bước.
L.P.L
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội