cart.general.title

Nhã Thuyên Những cổ tích của Oscar Wilde

Là một trong những người khởi xướng tiên phong Trào Lưu Mĩ Học, với quan niệm “nghệ thuật vì nghệ thuật”, Oscar Wilde (1854 – 1900) viết trong một tiểu luận: “Người ta thường nói như thể đối lập với cái gì đẹp là cái gì đó hữu ích. Không có gì đối lập với cái đẹp ngoại trừ cái xấu: Tất cả mọi thứ hoặc là đẹp hoặc là xấu.” Tôi đã ngỡ ngàng trong cảm giác vươn tới Cái Đẹp thuần khiết, một thứ bản thể không tì vết của Nghệ Thuật, khi chạm vào những trang viết cổ tích của Oscar Wilde. Gọi là Cái Đẹp thuần khiết, bởi dường như nó nằm ngoài những biện giải, luận bàn, như tiếng hót vút lên và tắt lịm tự nó. Và ở điểm rạng rỡ nhất, đồng hành của Cái Đẹp là một lí tưởng thanh nhã bậc nhất: Tình Yêu. Cái Đẹp và Nghệ Thuật là tuyệt đích, nhưng Tình Yêu vượt lên trên tất thảy, hay Tình Yêu chính là Cái Đẹp và Nghệ Thuật cao nhất, hay Tình Yêu làm cho Cái Đẹp và Nghệ Thuật viên mãn, tuyệt đích và vô biên.

Ấn bản “Chàng hoàng tử hạnh phúc – Ngôi nhà thạch lựu” của Oscar Wilde do Nhã Thuyên dịch, Bích Khoa minh họa.

Tình Yêu, hay là Nỗi Yêu Thương trong trang văn của Oscar Wilde, vừa nồng nàn, si dại, nảy nở từ một trái tim luyến ái trần thế, vừa cao thượng, mênh mông như rạng lên từ tình yêu của Chúa với muôn loài. Một thứ tình yêu vút bay lên trong những gặp gỡ tình cờ và tròn đầy, trong những tự nguyện hiến mình của số mệnh. Như Sơn Ca áp ngực sâu vào gai nhọn cho Đoá Hồng Đỏ rướn mở; như Én Nhỏ nhẫn nại làm sứ giả trao tặng yêu thương của chàng Hoàng Tử Hạnh Phúc cho nhân gian, đồng thời, làm kẻ chứng cho chính quá trình tự huỷ của chàng… Hẳn nhiên, những nhà tiểu sử học cũng dễ dàng tìm thấy sự phơi bày kín đáo mà nhiệt thành những luyến ái kì lạ, những mối tình đồng tính của tác giả giãi trong nụ hôn chim Én và Hoàng Tử, hay trong nỗi say mê của Ông Hoàng trẻ đối với các nam thần Hi Lạp… Nhưng ôm trùm hơn thế, lạ lùng hơn thế: Một thứ tình vô lượng không toan tính và giới hạn trong những tên gọi của loài, dẫu là con người hay muông thú cỏ cây, bởi vì trong cốt lõi, đó là một ý niệm và sự đắm đuối với Cái Đẹp, và chính bởi nỗi say mê dành cho Cái Đẹp mà Tình Yêu tìm thấy chính mình.

Ở phía khác, đó là một Tình Yêu chỉ thực sự rạng lên, không phải trong những lời hoa mĩ hay những suy tư minh triết trong các cuốn sách phủ bụi, mà đến cùng những nhận ra, những thấu hiểu về nỗi khổ đau, và trong chính những trải nghiệm tứa máu. Như bàn chân người mẹ đi khắp nhân gian tìm con, như giọt nước mắt của đứa con tội lỗi hôn rửa bàn chân rướm máu ấy, như cậu bé trong khu vườn của gã Khổng Lồ mỉm cười nói về vết thương của tình yêu găm đinh vào cơ thể, như hành trình của những ra đi và trở lại với tình yêu của Chàng Đánh Cá, với những tiếng khóc làm nứt toác trái tim… Nghệ Thuật là Cái Đẹp, nhưng Cái Đẹp chỉ thực sự tìm được chính bản thể và lí do tồn tại khi soi vào gương mặt của Tình Yêu và Nỗi Thống Khổ. Ở đó, chỉ khi đày mình trong thương khó và yêu thương quên mình, chịu đựng tất cả những tội lỗi, Bé Sao mới thực sự soi lại được gương mặt đẹp của mình. Ở đó, chàng Hoàng Tử Hạnh Phúc cuối cùng “không còn đẹp nữa thì cũng chẳng có ích gì” nhưng đó là Cái Đẹp đã tự huỷ chính thân xác vô thường để hiến mình cho Tình Yêu mà chàng đã nhận ra nơi những gương mặt của khổ đau, bởi “chẳng có huyền bí nào lớn lao như nỗi đau khổ”. Sơn Ca chọn cái chết, hiến mình cho một tình yêu vô điều kiện và dù, bất hạnh thay, kẻ được yêu lại chỉ là một trái tim hời hợt, nhưng tiếng hót chim Sơn Ca, nghệ thuật của Sơn Ca đã bất tử trong cái chết đó.

Tranh minh họa đầy mê hoặc của Bích Khoa trong cuốn sách.

Câu hỏi đẹp đẽ và đau đớn thổn thức trong trang sách Oscar Wilde, thế nào là Một Kẻ Yêu Đích Thực? Một Kẻ Yêu Đích Thực làm cảm động thế gian, và ở đó, cái Đẹp Đích Thực rạng lên, gương mặt của nỗi thống khổ đã trải nghiệm đủ đầy, của nỗi yêu thương nhẫn nại như những bàn chân trên đá nhọn. Hẳn nhiên, Oscar Wilde cũng cho ta thấm thía những cay đắng mỉa mai và bất hạnh tột cùng của những trái tim yêu thương đó trong cõi nhân gian tàn độc, đầy những hợm hĩnh, những giả dối, những thờ ơ, những bất công, những tiếng cười quỷ dữ. Người nghệ sĩ tìm thấy mình trong Tình Yêu với Cái Đẹp và sự thấu suốt nỗi thống khổ của cõi nhân gian, đồng thời phải chấp nhận những hiến mình bi thảm, những thất bại, những vô vọng, và cả cái chết. Tình Yêu, Nghệ Thuật, Cái Đẹp, những từ ngữ thuần khiết và huyền bí của trái tim, ở dạng thức nguyên sơ nhất, rạng rỡ vẻ đẹp tự nó, sự tồn tại tự nó, tự nguyện hiến mình, không trông chờ bất cứ phần thưởng nào, không mong mỏi kết thúc có hậu, “một thứ tình yêu được làm đầy và trở nên hoàn hảo trong cái chết.”

Sách được in màu toàn bộ trên chất liệu giấy couche cao cấp, xứng đáng là cuốn artbook cho những ai yêu mến Oscar Wilde nhìn ngắm.

Hai tập sách với chín truyện theo phong cách cổ tích được gom lại toàn bộ ở đây, Chàng Hoàng Tử Hạnh Phúc và những truyện khác (The Happy Prince and Other Tales, 1888) và Ngôi nhà thạch lựu (A House of Pomegranates, 1892) là những viên ngọc đặc biệt trong gia tài văn chương của Oscar Wilde. Ta gặp lại nơi các trang viết này hình bóng thân thuộc từ thế giới Andersen, từ Kinh Thánh, từ thần thoại Hi Lạp, những công chúa, những hoàng tử, chim nhạn, những nàng tiên cá, người khổng lồ, những thiên thần… nhưng đồng thời, đó là thế giới riêng biệt của Oscar Wilde, sống động trong một thứ ngôn ngữ thanh nhã và nồng nàn, thân thuộc và lạ lùng. Những truyện này, như chính Oscar Wilde giải thích, “phần viết cho trẻ em, phần viết cho những người luôn giữ được niềm vui và nỗi ngạc nhiên thơ trẻ.”

Dịch những truyện cổ tích của Oscar Wilde, với tôi, là một trải nghiệm, một ngắm nhìn và nỗ lực thấu hiểu gương mặt khổ đau rạng rỡ của Tình Yêu và Cái Đẹp.