cart.general.title

Nhà văn Lê Đức Dương: Nếu không có sự tưởng tượng thì không thể viết văn...

Cây bút Lê Đức Dương đã nhận giải C của UBND tỉnh Khánh Hòa, vào chung khảo Giải thưởng Văn học Thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam, nhận giải Sách Quốc gia năm 2022 với tác phẩm "Cá voi Ê ren đến Hòn Mun", đoạt giải cuộc thi "Sống đẹp" hạng mục phóng sự của báo Thanh Niên, và cuối năm được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam tháng 12.2022.

Nhà văn Lê Đức Dương (đứng giữa) giao lưu với các em nhỏ ở làng đảo Khải Lương - Vạn Ninh - Khánh Hòa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là một nhà báo kỳ cựu của báo Thiếu niên Tiền Phong, anh còn là tác giả của nhiều bút ký, phóng sự, ghi chép... đăng trên nhiều tờ báo lớn trên cả nước. Báo Lao Động có cuộc trò chuyện cởi mở với nhà văn Lê Đức Dương.

Anh nghĩ điều gì làm cho tác phẩm "Cá voi Ê ren đến Hòn Mun" nhận được sự đánh giá cao từ các ban giám khảo khác nhau? Tác phẩm này mạnh ở ý tưởng hay cách kể chuyện? Và nó có gì đặc biệt, thưa anh?

- Đây là cuốn sách tôi viết vào mùa hè năm 2017, xuất phát từ ý tưởng viết một cuốn sách dưới đáy biển vì trên biển hay cạn nhiều người viết rồi còn thế giới đại dương thì chưa thấy ở Việt Nam, nếu không muốn nói là rất ít. Từ đó tôi lên đề cương viết ngay khoảng 1 tháng xong, viết rất nhẹ nhàng, tự nhiên như trong tiềm thức và vốn sống của mình về các loài sinh vật biển ở biển Nha Trang. Đặc biệt là Hòn Mun nơi được gọi là "Công viên biển" vô cùng đặc sắc về các loài sinh vật biển mà tôi - với tư cách nhà báo đã tìm hiểu viết nhiều bài về đề tài khoa học biển. Đây điều may mắn của tôi.

Có lẽ "Cá voi Ê ren đến Hòn Mun" đặc biệt là chi tiết với các nhân vật. Các sinh vật biển quá phong phú và đa dạng từ biển Nam Cực, biển nhiệt đới đặc biệt là ở “thủy cung Hòn Mun” với hơn 100 nhân vật không ai giống ai trong đó được mô tả tương đối chính xác đặc tính của chúng.

Tất nhiên các sinh vật biển đều được nhân cách hóa rất khéo và chút hài hước phù hợp với trẻ con nên các em và cả người lớn đều yêu thích như xem một bộ phim hoạt họa về biển. Do là một tác phẩm văn học nên tình tiết trong đó rất kịch tính, cao trào và có hậu nên bạn đọc thấy hấp dẫn. Nói tóm lại đây là cuốn sách viết tự nhiên như cuộc sống không khô cứng dưới góc nhìn của người lớn.

Viết cho thiếu nhi đòi hỏi nhà văn cần những yếu tố gì thưa anh, trước "Cá voi Ê ren đến Hòn Mun", anh có những tác phẩm nào khác về văn học thiếu nhi?

- Tôi ban đầu viết cho người lớn nhưng có lẽ ngay từ bé tôi đã đọc rất nhiều những tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng Việt Nam của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Hoài Dương, Xuân Quỳnh, Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Phạm Hổ... nên cảm thức của tôi vào văn thiếu nhi rất tự nhiên và viết.

Nhiều người nói viết cho thiếu nhi khó. Tôi cho đó là đúng nhưng tôi nghĩ đơn giản đây là cuộc chơi với trẻ con. Mà muốn chơi với trẻ con thì mình phải hiểu trẻ và bình đẳng với các em trong nhận thức ngôn ngữ, bút pháp. Viết sao mà trẻ hiểu rằng, đây là lời văn câu chuyện của mình, nói với mình chứ không phải của người lớn bảo ban, răn dạy hay hướng dẫn... Từ đó tôi có những câu chuyện nhỏ từ trẻ em nhi đồng tới thiếu niên và mới lớn. Tôi cầm bút tính ra đã 30 năm có dư trong số 10 cuốn sách thì sách cho thiếu nhi chiếm phần lớn...

Các con có phải là độc giả đầu tiên của sách anh viết? Và anh tiếp nhận những phản hồi đó của con mình như thế nào?

- Đúng là tôi viết những tập sách nhi đồng như dành tặng cho các con tôi, con gái tôi cầm cuốn sách có đọc chút nhưng lại lấy truyện bố để tô màu. Thực ra tôi không để ý con mình có đọc sách mình không, tuy nhiên con tôi rất ngạc nhiên về bố vì sao bố lại viết cào cào, ve sầu, dế... buồn cười thế!

Anh tìm ý tưởng viết cho thiếu nhi ở đâu? Bản thân anh có thích xem phim hoạt hình không, và có một tác phẩm hoạt hình nào gây ấn tượng mạnh cho anh?

- Vốn là nhà báo chuyên viết cho thiếu nhi nên tôi có thế mạnh là hiểu tương đối kỹ về trẻ, về sở thích, xu hướng và nhận thức mới của chúng về sách. Với ý tưởng sách cũng không khó gì vì thực tế khi có ý tưởng thì triển khai thôi, tôi viết cho thiếu nhi tương đối thoải mái không quá khó khăn. Chắc đây do kỹ năng và sự tưởng tượng cộng với thực tiễn cuộc sống.

Tôi có xem một số hoạt họa hồi bé, hiện nay thì ít xem, tuy nhiên thỉnh thoảng có xem hoạt họa Mỹ thì tôi nhận thấy họ sáng tạo độc đáo và vô cùng bình đẳng mọi nhân vật, không định kiến nhân vật nhất là loài vật. Điều hay nữa là tính nhân đạo của phim rất đáng nhớ.

Là một nhà báo viết cho báo "Thiếu niên Tiền Phong" khoảng 30 năm, có bao giờ anh cảm giác muốn rời bỏ đi sang một môi trường khác để có thể vẫy vùng hơn, vì bản thân anh cũng viết rất nhiều bài báo từ chính luận đến bút ký, phóng sự cho báo "người lớn"?

- Đúng là thuở đầu khi mới làm nghề báo tôi xuất phát điểm từ báo người lớn nhưng duyên gặp với báo tuổi thơ và gắn bó. Có lẽ 30 năm trước ước mơ của tôi chính là PV báo Lao Động và chính tôi có viết đôi bài phóng sự trên trang Báo Lao Động, Tuổi trẻ TPHCM, Thanh Niên và viết các truyện ngắn trên báo Văn Nghệ, Tiền Phong, Người Hà Nội... nhưng chốt lại tôi vẫn thấy báo tuổi thơ là duyên và rất vui khi làm việc ở tờ báo này. Tất nhiên với khả năng của mình tôi vẫn tham gia viết các bài trên báo người lớn như một việc chính để nâng tư duy và nghiệp vụ của mình.

Anh viết từ vốn sống, trải nghiệm hay từ trí tưởng tượng của bản thân?

- Tất cả! Vốn sống có để làm chất liệu, vốn từ và chi tiết cốt truyện. Trải nghiệm là mức độ sử dụng câu văn. Trí tưởng tượng là mấu chốt cho công việc viết của mình. Nếu không có sự tưởng tượng thì không thể viết văn nhất là dành cho thiếu nhi.

Nếu xếp thứ tự những ưu tiên trong cuộc sống của anh thì văn chương và báo chí ở vị trí nào?

- Công việc báo chí là thường xuyên. Văn chương thì thi hứng. Tuy nhiên đây là việc làm không dễ vì văn không thể cứ "bổ củi" mà ra. Chúng ta vẫn biết nhà văn Tô Hoài có phong cách văn chương rất đặc biệt vì ông ngồi đâu cũng viết, ngày nào cũng viết. Đây là hiếm có và thiên tài.

Còn người viết thường không ai làm được như thế, như tôi báo chí chi phối rất nhiều nên văn chương chỉ là phần thêm thôi nên chưa thể gọi là người viết văn chuyên nghiệp. Tuy nhiên với khả năng của mình nếu có điều kiện tôi có thể chuyển tải hầu như trí tưởng tượng của mình ra văn... Đó là thuận lợi của tôi cho đến giờ phút này.

Buổi sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ, thường thì ý nghĩ nào xuất hiện trong đầu anh?

- Tôi có ý tưởng báo chí nhiều hơn văn, tuy nhiên nếu muốn viết văn thì tôi sẽ tập trung để tưởng tượng và viết. Ý tưởng tôi theo đuổi trong đầu mình ở mọi thời điểm, chỉ khi làm xong thì mới dừng... nên tính hơi sốt ruột nếu chưa xong việc.

Anh tự nhận cuộc đời, sự nghiệp của mình may mắn hay trắc trở, và nếu dùng một vài từ chính xác nhất để vẽ chân dung về Lê Đức Dương, anh sẽ chọn từ nào?

- Tôi thấy bình thường. Nếu nói về văn chương thì cũng gọi là tạm được theo ý muốn từ thời học sinh cấp 3 của mình. Chân dung của tôi thật đơn giản: Viên chức làm báo viết văn, không có nhiều cá tính và nổi trội gì. Đơn giản và tự nhiên!

Xin cám ơn nhà văn Lê Đức Dương và chờ đón những tác phẩm mới của anh!

Nguồn: laodong.vn