cart.general.title

Nhà văn Lê Minh Hà: Viết về con để giải đáp câu hỏi của chính mình

Chuyện mẹ chuyện con (NXB Kim Đồng) là cuốn sách mang tính tự sự, ghi lại chuyện dạy con của một người phụ nữ Việt trên đất Đức. Tưởng như vụn vặt, nhưng ẩn sau những ghi chép ấy lại là những suy nghĩ, băn khoăn và tự vấn rất nghiêm túc của tác giả Lê Minh Hà.

Dù là tạp văn, tiểu thuyết hay truyện ngắn, những trang viết của Lê Minh Hà luôn đầy ắp hình ảnh của một Hà Nội, mảnh đất đã từng gắn bó với chị 32 năm.

 Rời Việt Nam vài chục năm để định cư tại Đức, Lê Minh Hà vẫn không phải cái tên quá xa lạ với độc giả - khi những trang viết về Hà Nội của chị thường được đón nhận với sự xúc động và đồng cảm về một “Hà Nội ngày xưa”. Nhưng, cuốn sách lần này là một câu chuyện khác.

* Như lời kể, “Chuyện mẹ chuyện con” được hình thành từ những trang nhật ký chị viết về 2 cậu con trai Cục Xương và Cục Mỡ. Những trang viết ấy được bắt đầu từ cơ duyên nào?
- Cơ duyên lớn nhất là tôi được làm mẹ. Với đứa con nào tôi cũng từng có những ghi chép như vậy. Qua chữ, tôi hình dung được về con mình và về chính mình rõ hơn, phòng khi về già. Chưa kể, việc ghi chép các trải nghiệm từng ngày là một cách tôi thanh lọc mình, một cách luyện chữ – điều mà bất kể ai làm nghệ thuật thực sự chắc đều không thể không làm.
Việc ghi chép chuyện con ở nhà và ở trường, chuyện con được dạy và con ì ạch tự dạy bản thân thông qua sự hiểu biết mỗi ngày còn là một cách tôi tự giải đáp cho mình những câu hỏi: Đâu là cái đích giáo dục cần hướng tới? Giáo dục thành công là tạo ra những cá thể khác thường hay trước hết là phải tạo ra các cá thể bình thường, với những cảm xúc người bình thường nhất, với ý thức về con người bình thường của mình, với khát khao và tinh thần chịu trách nhiệm?
Hơi buồn cười khi nói điều này: Tôi chưa bao giờ tự tin là mình được giáo dục theo cách tốt nhất và biết cách giáo dục tốt nhất. Nhưng đấy là một sự thật. Bên cạnh sự đáng buồn do nó mang lại thì vẫn có cái đáng để vui: Tôi phải nhìn ngó, tự học và tự dạy.

Nhà văn Lê Minh Hà trong buổi giao lưu giới thiệu sách “Tháng ngày ê a” tại Hà Nội.

* Có chút khác biệt nào về cảm xúc của chị không khi viết về Hà Nội - đề tài quen thuộc - và về những điều tưởng như rất vụn vặt trong “Chuyện mẹ chuyện con”?
- Tôi không biết những người viết khác thế nào. Riêng tôi, viết gì thì đầu tiên cũng là viết cho mình, viết về mình, dù hư cấu hay không hư cấu.Và bạn có tin không: Trong khi hư cấu, tôi sống cuộc sống ấy, tâm trạng ấy, tương lai ấy của nhân vật. Nó thật, hoàn toàn thật, với tôi.
Bởi thế, cũng xin được làm rõ lại một điều: Tôi không viết về Hà Nội, Hà Nội hôm qua và hôm nay chỉ là bối cảnh để tôi nhung nhăng trong đó, tự cắt nghĩa đời mình và cuộc đời nói chung thôi. Và nhung nhăng trong lịch sử thì có cái vất vả riêng và cái sướng riêng so với tấp tểnh trong nhà trong bếp, dĩ nhiên rồi.

* Muốn hay không, trong “Chuyện mẹ chuyện con”, sự khác biệt trong cách giáo dục của Việt Nam và Đức, nơi chị đang sống, vẫn hiện lên rất rõ. Thẳng thắn, từ những trải nghiệm ấy, chị thấy nền giáo dục của chúng ta đang thừa và thiếu những gì?
- Nhiều người ca thán về sự quá tải của giáo dục Việt Nam hiện nay: Thừa lí thuyết và thiếu kĩ năng. Khi so sánh dung lượng kiến thức con mình phải nạp ở đây với dung lượng kiến thức của các cháu ở nhà, tôi thấy hình như không phải thế. Và chúng ta đừng tự tin rằng học sinh Việt Nam chỉ thiếu kĩ năng sống mà thừa lí thuyết và đến một lúc nào đó lượng đổi thành chất dễ dàng.
Nói thẳng thì thế này: Giáo dục của ta đang quá thừa những kiến thức chỉ cần để tiến thân ở Việt Nam, và thiếu hẳn sự trung thực. Cái này cứ để các bạn du học sinh nói xem mức độ thừa thiếu kia nó trầm trọng thế nào.
Xin minh định rõ: Tôi chưa bao giờ cho là nên bỏ đứt một số nội dung của các bộ môn cơ bản như nhiều người đang đòi hỏi. Tôi cho rằng kiến thức phổ thông càng đầy đặn thì khả năng chọn lựa tương lai càng rộng mở, và tôi coi trung thực là ứng xử xã hội chứ không phải dừng lại ở một vài tình huống hay quan hệ.

“Chuyện mẹ chuyện con” của nhà văn Lê Minh Hà do NXB Kim Đồng ấn hành.

* Trong sách, chị có nói về cảm nhận của mình: Nền giáo dục ở Đức chỉ gắn với một cái đích duy nhất là dạy đứa trẻ tự sống, tự chịu trách nhiệm về đời sống của mình ở những mức độ khác nhau, để trở thành một con người bình thường. Là một người phụ nữ Việt Nam, được nuôi dạy theo cách truyền thống của phương Đông, chị có khó khăn không để chấp nhận cách giáo dục ấy với con mình?
- Tôi là người từ bé tí đã luôn luôn phải tin rằng năng lực mình ở dưới mức bình thường ấy chứ. Và vì thế cũng hiểu rằng phải tự sống, sống là chọn lựa, là trả giá, là chịu trách nhiệm cá nhân. Thế nên, thật lòng tôi khoái cái tinh thần thực tế này của nền giáo dục mà con tôi đang tiếp thu. Chả biết các bà mẹ khác thế nào chứ tôi ngại cái cảnh đàn bà y như gà mái xoè cánh tã ra che chở cho con lắm. Ta đừng bảo thế là yêu thương. Mọi tình yêu thương đều đứng trên một cái nền giá trị chung nhất với con người chứ không thể nhân danh nó kèm với truyền thống để bất chấp tất cả.

* Chị có nghĩ rằng chia sẻ của mình sẽ ... thêm dầu vào lửa không, khi mà trong những cuộc tranh luận về giáo dục của chúng ta, có những thời điểm cơn sốt hướng ngoại đang đẩy mọi thứ đi quá xa?
- Tự ti hay tự tôn theo tôi đều đáng ngại, vì thật ra hai thái độ này chuyển hóa qua nhau rất dễ dàng. Chúng ta cần sự cọ xát giữa các giá trị, phương Đông cũng như phương Tây. Trở thành một dị biệt hay sẵn sàng tự đồng hóa có lẽ đều nên tránh. Giáo dục phương Tây không phải là hoàn hảo, và hiện nay cũng thay đổi để hoàn thiện từng ngày theo sự đổi thay chính trị xã hội ở mỗi nước. Truyền thống rất hay, nhưng rất dễ biến thành một cái bẫy cho người ta trú ẩn.
Ở góc độ cá nhân, nếu phải bày tỏ quan điểm, tôi chỉ muốn nói rằng nền giáo dục của chúng ta hãy nói ít thôi. Và nói là làm, làm cho mình, chứ không phải vừa làm vừa cao giọng phê phán nhau xa rời truyền thống hay... quốc tế. Và việc đầu tiên cần làm là không được đồng nhất giáo dục và giảng dạy, giáo dục phải định hướng, phải hoạch định được việc giảng dạy ở mọi cấp học. Một nhà giáo dục do đó không nhất thiết phải là người đứng lớp hàng ngày.

* Một câu hỏi ngoài lề: Trong 20 năm sống tại Đức, anh chị dạy các cháu về văn hóa Việt theo cách nào?
- Trong nhà tôi tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp. Các cháu nói, đọc và viết được tiếng Việt. Thực tế là chúng tôi không bắt ép con theo tập tục Việt dù bản thân lại giữ một vài tập tục khá kĩ. Chúng tôi coi ngôn ngữ, truyền thống Việt như là một văn hóa các cháu nên biết, và vì không áp đặt nên các cháu lại biết ít nhiều một cách nghiêm túc. Chẳng hạn, ở tuổi 11, cháu Cục Xương khi đọc xong cuốn sách bằng tiếng Việt đầu tiên thì tự in hơn trăm trang về lịch sử Việt Nam từ 1954 tới 1975 bằng tiếng Anh, đọc xong rồi đề nghị được về thăm quê.

*Những năm qua, trên thị trường, các loại sách dạy con theo kiểu Âu, kiểu Á, kiểu Nhật... đang rất phổ biến. Về phần mình, chị muốn độc giả đón nhận “Chuyện mẹ chuyện con” theo tâm thế nào?
Ngay ở trong cuốn sách, tôi đã nói rõ tôi là một người mẹ, dạy con có thành công không chưa biết, nhưng biết mình có thất bại. Thế nên Chuyện mẹ chuyện con có mặt trên kệ sách hôm nay không nhằm chia sẻ gì với ai, chỉ như tôi nói rồi đấy: Thanh lọc mình, luyện chữ, và nếu được: Lưu giữ các quan sát cá nhân về một nền giáo dục khác (trong tư cách một bà mẹ và một nhà giáo dù nay không giữ nghề).
Nếu điều đó giúp được cho ai, chẳng cứ các bà mẹ, thì tôi rất mừng.

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện.

Cúc Đường
(Nguồn: Thể thao & Văn hóa)