cart.general.title

Niềm tự hào theo suốt cuộc đời của những thiếu nhi bên Bác ngày ấy

Niềm tự hào của những thiếu nhi được chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi theo họ suốt chặng đường dài của một đời người. Tất cả là những ký ức đẹp đẽ và đã trở thành điểm tựa để các nhân vật thiếu nhi trong ảnh suốt đời phấn đấu, học tập, xứng đáng với Bác Hồ kính yêu.

Tác giả Kiều Mai Sơn tặng sách tới cụ Đỗ Thị Phương là mẹ của bà Nguyễn Thị Quỳnh Dung - thiếu nhi có 7 tấm ảnh được chụp cùng Bác Hồ. Ảnh: Ái Vân

Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng tác giả Kiều Mai Sơn - tác giả cuốn sách “Những thiếu nhi bên Bác ngày ấy” vừa được xuất bản.

Thưa tác giả Kiều Mai Sơn, tại sao anh quyết định xuất bản cuốn sách "Những thiếu nhi bên Bác ngày ấy" đúng vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023) và kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi?

- Cuốn sách này ra đời từ sự gợi ý của biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng khi đọc một số bài tôi đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi bản thảo hoàn thiện, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt sách "Những thiếu nhi bên Bác ngày ấy" đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19.5 và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6.

Trong cuốn sách nhỏ này, tôi đã ghi lại 6 câu chuyện thú vị về những em bé vinh dự được chụp ảnh chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn tại thế. Có em bé được chụp trong những dịp đại lễ như: Lễ mừng thọ Bác 60 tuổi (lục tuần đại khánh), lễ kỷ niệm ngày thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt… Có em bé được chụp khi Bác tới thăm trại thiếu nhi. Cũng có khi, Bác đến thăm nhà, thấy cháu bé, Bác đã bế lên dỗ dành hoặc bón cơm ăn. Những cử chỉ thân mật đó đã thể hiện tình cảm như của một người ông dành cho cháu nội, cháu ngoại trong gia đình.

Những em bé trong các bức ảnh ngày ấy, sau hơn 70 năm cũng đều đã trở thành ông bà nội, ông bà ngoại. Ba phần tư thế kỷ đã qua đi, cuộc sống có nhiều thay đổi đến không ngờ. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, những em bé - “Những thiếu nhi bên Bác ngày ấy” đều có chung niềm tự hào được chụp ảnh cùng Bác Hồ.

Những câu chuyện đẹp, câu chuyện truyền cảm hứng về Bác Hồ với thiếu nhi luôn có sức hấp dẫn, là những thông điệp không chỉ với thiếu nhi mà còn cả một thế hệ. Những gì đã truyền cảm hứng cho anh khi thực hiện cuốn sách này?

- Ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Bác đã phải hi sinh hạnh phúc cá nhân mà dành cả đời cho đất nước, cho nhân dân ta. Với mỗi câu chuyện, một thông điệp tôi nhận ra là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn các bà mẹ phải nuôi dạy con cái thành một người con có ích cho xã hội từ tuổi thiếu nhi, tuổi “búp trên cành”.

Qua những câu chuyện kể, có thể thấy rằng, niềm tự hào được chụp ảnh cùng Bác Hồ đã đi theo “những thiếu nhi ngày ấy” suốt chặng đường dài của một đời người. Tất cả là những kí ức đẹp đẽ và đã trở thành điểm tựa để các nhân vật thiếu nhi trong ảnh suốt đời phấn đấu, học tập, xứng đáng với Bác Hồ kính yêu.

Niềm kính yêu vô hạn của thiếu nhi với Bác Hồ đã trở thành những điểm tựa để các nhân vật suốt đời phấn đấu, học tập, noi gương Bác. Quá trình gặp gỡ, tìm hiểu các nhân vật của anh diễn ra như thế nào?

- Tôi đã hỏi chuyện, ghi chép lại câu chuyện của những thiếu nhi được chụp ảnh bên Bác Hồ trong chiến khu Việt Bắc. Sau 70 năm, giờ đây những "em bé" đó đã trở thành ông bà tuổi gần 80 và trên 80. Có nhân vật quá nhỏ để nhận thức được có cuộc gặp với Bác, mà phải qua cha mẹ kể lại.

Hầu hết nhân vật ở 6 câu chuyện trong cuốn sách nhỏ này tôi đều gặp người thật việc thật. Chỉ trừ một số nhân vật đã không còn nữa nên phải ghi lại qua lời kể của người thân. Chính những câu chuyện của các cụ kể đã làm cho nội dung cuốn sách sôi động và sống động từ chi tiết nhỏ.

Xin cảm ơn tác giả Kiều Mai Sơn!

Tác giả Kiều Mai Sơn quê ở Mê Linh, Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tác giả Kiều Mai Sơn đã biên soạn một số cuốn sách liên quan tới Bác Hồ như: “Suốt đời học Bác”, “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, “Chuyện những trí thức theo Bác Hồ về nước kháng chiến”…

Nguồn: laodong.vn