cart.general.title

Mẹ Việt nuôi con ở 'đất nước tốt nhất thế giới dành cho các bà mẹ'

Quá trình ở bên cạnh con, trưởng thành cùng con cũng chính là một cơ hội để quan sát, cảm nhận và thấu hiểu bản thân tốt nhất.

Trong cuốn sách Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu, tác giả đã chia sẻ những câu chuyện khác biệt trong cách nuôi dạy con của xứ sở Bắc Âu, đồng thời thể hiện sự biết ơn đối với Na Uy, đất nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cô trong quá trình làm mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Ở nhiều nước, các bà mẹ thường xuyên đi siêu âm khi mang thai thì các bác sĩ ở Na Uy khuyên họ không cần thiết phải siêu âm “một cách vô tội vạ”. Nếu quá trình mang thai phát triển bình thường, họ chỉ cần khoảng tối đa hai đến ba lần siêu âm 2D.

Chính phủ Na Uy hỗ trợ tất cả các chi phí cho các bà mẹ từ khi mang thai đến khi sinh con. Nếu muốn siêu âm 3D hoặc 4D, các bà mẹ phải để các bệnh viện, hoặc cơ sở y tế tư nhân, và phải trả phí.

  

Bìa sách Mẹ Việt nuôi con kiểu Bắc Âu

Nếu ở Việt Nam, người mẹ khi mang thai luôn quan niệm rằng phải ăn nhiều đồ ăn, uống nhiều thuốc bổ thì ở Na Uy, các mẹ được khuyến khích “chỉ cần ăn uống điều độ, vừa phải, vận động nhiều và đừng có nghĩ là ăn cho hai người”.

Phụ nữ sau sinh cần ăn đủ chất, uống thật nhiều nước, đáp ứng sức khỏe để chăm sóc con và đủ sữa cho con bú.

Câu chuyện nuôi con bằng sữa mẹ chính là một điều tối quan trọng trong việc nuôi con của người Na Uy. Khi đứa trẻ vừa được sinh ra, chúng được bú sữa mẹ ngay lập tức, không cần phải đợi hai, ba ngày để “sữa về” như quan niệm của người Việt.

Sống ở đất nước Na Uy, một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ, tác giả Phan Linh cũng đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, cách quan sát để hiểu nhu cầu của con, cho con bú thế nào mới đúng cách, cho con bú bao nhiêu là đủ….

Cô viết: “nuôi con bằng sữa mẹ là một kĩ năng cần phải được học và tập luyện". Những kiến thức được rút ra từ kinh nghiệm của một người mẹ, được chia sẻ thật giản dị và chân thành.

Luôn dành tình yêu thương, và sự đồng cảm cho con

Sống ở một đất nước phát triển, và được hỗ trợ nhiều điều kiện, nhưng theo cô những điều quan trọng nhất của việc chăm sóc và nuôi dạy con cái vẫn nằm ở vai trò của người bố và người mẹ. Bởi trẻ con cần rất nhiều tình yêu thương, và sự chở che.

Trong khi nhiều bà mẹ hiện đại tập cho con tự ngủ bằng cách để con khóc một mình, xem đó là cách rèn luyện khả năng tự lập của con, thì Phan Linh cho rằng trẻ con luôn cần được gần gũi với cha mẹ. Để trẻ khóc càng lâu thì hormone căng thẳng trong cơ thể càng gia tăng, sẽ “gây ra những tổn thương tâm lý sâu kín trong con”.

Tác giả luôn mong muốn con mình có thể trở thành một đứa trẻ hạnh phúc

Cô cũng đề cao việc tạo dựng sự kết nối và thấu hiểu với con bằng những cái ôm. Trẻ sơ sinh không thể hiểu được ngôn ngữ của người lớn, nên chúng cần những “động chạm”, “sự ôm ấp vỗ về của cha mẹ với con chính là tình yêu, sự dịu dàng, là tình cảm, là sự đáp ứng hay tôn trọng”… Chính những vòng ôm giúp đứa trẻ cảm thấy an tâm, và hạnh phúc.

Có rất nhiều những điều khác biệt giữa cách nuôi dạy con của người Na Uy và người Việt Nam, nhưng điểm quan trọng nhất không phải nằm ở những chăm sóc vật chất mà chính ở thái độ khác nhau trong cách nuôi dạy con.

Tác giả có dẫn ra câu chuyện ở trường mẫu giáo, khi cậu con trai của cô bị bạn cùng lớp cắn. Thay vì tỏ ra phẫn nộ, hay phản ứng một cách tiêu cực như cãi vã, hằn học, kiện cáo thầy giáo, hoặc nạt nộ cha mẹ của “thủ phạm” thì ở đất nước này, cô nói “hãy tha thứ nếu có thể”, “hãy vui vẻ chấp nhận” nếu như sự việc không quá nghiêm trọng.

Hành động ấy của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng lên tâm lý của con cái, như cậu con trai Ốc của cô, khi được hỏi “thế bạn nào cắn con” đã trả lời rằng “không sao đâu ạ”, với tâm trạng vui vẻ thoải mái. Đôi khi có những cách giải quyết khiến mọi chuyện trở nên dễ chịu hơn.

Sống ở đất nước khác, nền văn hóa khác là thử thách rất lớn của mẹ Việt trong quá trình nuôi dạy con, nhưng Phan Linh tin rằng, điều quan trọng nhất chính là học cách yêu thương và thấu hiểu con. Tình yêu thương sẽ tạo năng lượng cho bố mẹ.

Tác giả Phan Linh

Bởi thế, cuốn sách không hướng dẫn những kiến thức lý thuyết bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên Internet, mà chia sẻ những câu chuyện rất đỗi chân thành, tử tế trong quá trình nuôi dạy con.

Việc làm mẹ, cũng chính là quá trình học hỏi và trưởng thành của tác giả. Đọc những trang viết trong cuốn sách Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu, độc giả sẽ bắt gặp nhiều đồng cảm về những trăn trở, âu lo, cũng như hạnh phúc, hồi hộp khi trở thành mẹ.

Phan Linh sinh ra tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp thạc sĩ về marketing truyền thông, là người sáng lập và vận hành dự án cộng đồng Raised Happy - dự án cung cấp kiến thức, công cụ và các ấn phẩm cho những người làm cha mẹ, cho những người muốn cam kết nuôi dạy những đứa trẻ tử tế và hạnh phúc. Cô hiện đang sống cùng chồng và con trai 3 tuổi tại Na Uy.

Theo: Zing