cart.general.title

Ấu thơ đẹp từ ‘Thung lũng vườn tre’

Với ‘Thung lũng vườn tre’, tác giả Nguyễn Xuân Hưng đã gợi lại một giấc mơ xa vắng về những ngày yêu dấu đã qua, nơi nuôi nấng bình yên và mơ mộng của mỗi đứa trẻ…

Bắt đầu từ khao khát được kể lại câu chuyện về miền quê đẹp đẽ ngày xưa, Nguyễn Xuân Hưng đã dựng lại cả một miền ký ức đẹp đẽ ở nơi làng quê, có thung lũng vườn tre hàng ngày rung rinh trước gió.

Thuở ấy, tre mọc lên khắp xóm làng, đi qua đoạn đường nào cũng có thể trông thấy những bụi tre mọc xanh tươi bên nhau. Ở nơi ấy những đứa trẻ như Kim, Xuân, Thắng, Bình… đã cùng nhau lớn lên. Những kỷ niệm chất đầy lên trong từng ngày sống. Những ngày Kim cùng Bình dạo chơi khắp xóm làng, hay khi cô bé Bình biết đến những rung động đầu đời... Kỷ niệm cũng có khi là những ngày buồn quá đỗi với cái chết của em Tỉnh. Ấy là nỗi chia lìa đột nhiên phải trải qua trong đời mà không ai sẵn sàng để đón nhận. Mất đi người em trai nhỏ, Kim hoảng hốt, đau đớn, và cảm nhận sâu sắc được nỗi mất mát đầu tiên trong đời.

Chứng kiến nỗi đau của trẻ con càng khiến người lớn chúng ta thắt tim, bởi nỗi đau của trẻ con tự nhiên mà bộc ộ ra, mãnh liệt và chân thành, có thể khiến người đọc rơi nước mắt buồn thương đồng cảm.

Ở nơi thung lũng vườn tre ấy, tác giả Nguyễn Xuân Hưng đã gợi nên một vùng không gian thật trong lành, thật êm ái, mang đậm không khí thơ trẻ, nhưng giữa những mênh mang ngây thơ ấy, ông đã xoáy sâu vào đời sống mà để tiếng hát thê thiết của Ngộ Sính cất lên, vang qua khắp xóm làng.

“Phố Núi tự tử rồi à? Hít phải mùi hoa cây lông chó chết hết rồi à? Sao không chết bằng một nghìn bông hồng, một vạn bông hoa ngọc lan, mà lại chết vì một triệu cái lông chó? Ôi Phố Núi?” - Tiếng hát vẩn vơ của một kẻ nửa điên nửa tỉnh, lênh đênh đi trên đường, hóa ra lại chính là tiếng vọng vào lòng người, cái tiếng gợi nên chất đời nơi mỗi làng quê Việt xưa.

Cái sâu sắc ấy, có lẽ chỉ sống thật lâu, ngắm nghía thạt lâu mới có thể cảm khái được mà viết nên. Nguyễn Xuân Hưng viết truyện thiếu nhi với những giản dị ngây thơ ấy vậy mà lại chất đầy những ưu tư sâu lắng. Đọc Thung lũng vườn tre như bước về một cánh đồng của ký ức, khơi gợi tất thảy những vùng sâu lắng trong tâm hồn. Người đọc lớn tuổi sẽ được dịp hoài niệm và đắm chìm trong tất thảy những xa xăm.

Thung lũng vườn tre cũng tựa như một hình ảnh về chiếc nôi của những đứa trẻ nhỏ. Chiếc nôi đã nuôi nấng, chấp cánh cho bao tâm hồn, để mỗi đứa trẻ ấy trưởng thành mạnh mẽ và tràn đầy tình yêu thương.

Khi Kim bắt đầu những câu hỏi tò mò về thế giới rộng lớn ngoài kia, cũng là lúc cậu lớn lên với nỗi tò mò ấy, rồi khao khát được vươn đi xa hơn nữa, qua những dòng sông, qua những khu rừng. Cũng chính từ cái nôi ấy, mỗi đứa trẻ có thể bay lên, bay khỏi thung lũng vườn tre, để được vươn đến bầu trời rộng lớn.

Lối viết mộc mạc nhưng đẫm chất thơ mộng, trầm lắng của Nguyễn Xuân Hưng tạo nên sức hút độc đáo cho câu chuyện. Một cuốn sách nhỏ nhắn, nhưng chất chứa đầy những rung động bé nhỏ của đời sống, ắt sẽ khiến mỗi người đọc khi bước vào lại buâng khuâng, vừa hoài niệm vừa khao khát. Giữa bộn bề đời sống, dạo bước dưới lũy tre làng, nghe Nguyễn Xuân Hưng kể chuyện miền quê, sẽ thực chạm vào cảm giác của bình yên.

Nguyễn Xuân Hưng là tác giả của nhiều cuốn sách được độc giả yêu mến như Nhân bản, Muối đắng, Người đàn ông bé nhỏ, Hạ cánh xuống trần gian, An lạc dưới trời, Bản năng nháp… 

(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)