cart.general.title

Phong Linh Hình ảnh người mẹ trong miền hoài niệm của nhà văn Ngọc Giao

Người mẹ với những ký ức khắc sâu, cảm động không chỉ là cảm hứng cho tập truyện ngắn ‘Những hình bóng cũ’’mà còn là nguồn sống mênh mang, chảy hoài trong tâm tưởng của tác giả...

Đọc tập truyện ngắn Những hình bóng cũ của Ngọc Giao, độc giả có thể tìm được lời hồi đáp cho câu hỏi của Vũ Đình Liên thuở nào: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”. Chính ngay trên những trang viết đầy hồn phách này, dáng hình tâm tư của biết bao nhiêu người đã được lưu lại, mỗi người một vẻ ấy, nhưng đều thấm đẫm tình yêu dấu, trân trọng.

Những người muôn năm cũ ấy là mẹ, là cha, là anh em bạn hữu, cũng có thể là những người hàng xóm, những người bán rau, bán cá ngoài chợ, hay thầy đồ, thầy cúng, những người quen, những người không tên tuổi… họ đều được lưu dấu trên trang viết của Ngọc Giao. Trong đó, hình ảnh người mẹ trở đi trở lại, với những ký ức khắc sâu, cảm động nhất.

Hòn giả sơn là người mẹ vì quá đau khổ trước những mất mát của cuộc đời mà trở nên mù lòa. Người mẹ mùa lòa ấy, dù khó khăn khi phải tự xoay sở một mình, cũng không muốn cản bước con trai tiến về phía trước. Nhưng chỉ với vài chi tiết nhỏ nhặt, từ “giọng nói run run”, đến cái nắm tay lặng yên… đã đủ khắc họa tình yêu thương vô cùng của mẹ dành cho người con trai. Thẳm sâu trong đôi mắt đã lòa đi ấy, là những giọt lệ, của nỗi lo âu, buồn tủi, của rất nhiều những trăn trở không nói nên lời. Chỉ chừng ấy thôi, cũng chất chứa đầy xúc động, trong cơn run rẩy của ký ức.

Mẹ trong Những ngày thơ ấu chỉ với vài dòng nhỏ thôi đã đủ gói gọn hết tâm tư của biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam thuở ấy: “Tất cả tình yêu thương, trìu mến, bà đã san sẻ hết cho chồng, cho con, cho đàn tầm, quên hẳn bản thân mình”. Từng chữ, từng chữ cất trọn tâm tư. Ngọc Giao thương yêu sâu sắc biết bao, mới có những hình dung về mẹ chân thật đến thế, biết ơn đến thế.

Nỗi biết ơn vô cùng của người con dành cho mẹ, gói gọn trong truyện ngắn Những ngày thơ ấu, mẹ từ khi còn sống, tần tảo chăm lo cho chồng con, đến khi chết vì sinh khó, đám tang cũng đơn sơ vô ngần. “Cái quan tài của mẹ tôi, của người đàn bà suốt đời vất vả, thờ chồng, quý con, hy sinh đến nỗi quên cả thân mình”.

Ngôn ngữ tuôn ra trên ngòi bút như dòng chảy ào ào từ ký ức, chất chứa biết bao nỗi niềm, như niềm thành kính của người con suốt đời biết ơn mẹ. Ấy là Ngọc Giao đã rút trọn tâm tư mình, viết nên Những ngày thơ ấu, tạc nên hình dáng mẹ hiền. Người mẹ ấy, không chỉ là ngọn nguồn cảm hứng, mà còn là nguồn sống mênh mang, chảy hoài trong tâm tưởng của tác giả.

Bao trùm lên thời thơ ấu của con, chính là hình ảnh tần tảo yêu thương của mẹ. Người mẹ để lại bao ngậm ngùi. Có lẽ bất kỳ ai cũng thổn thức trước những dòng tâm tình “Sự xê dịch của mẹ tôi trong cõi chết thế là xong. Cả kiếp tài hoa của người thiếu nữ sông Hương chỉ còn gửi lại một nắm xương khô ở quê chồng nơi xứ Bắc”.

Ngọc Giao đã nói giùm nỗi lòng của biết bao nhiêu người con đối với mẹ, cũng là khắc họa hình ảnh người mẹ vĩ đại trong mỗi đứa con. Những cảm thức thiêng liêng ấy, được dẫn dụ bằng thứ ngôn ngữ văn chương đậm chất thơ, váng vất hoài niệm, ngây ngây men say của ký ức.

Trong bầu không khí hoài vọng ấy, rất nhiều những dáng hình đã dần hiện lên, chân thật và sâu lắng. Ấy là người đàn ông lạc mất con gái, cả đời đem tấm chân tình để chăm sóc những con thú nuôi nơi vườn bách thảo; là chú Hai, suốt đời dằn vặt về nỗi đau mất con, đã được gặp gỡ và sống trong tình yêu thương gia đình thứ hai; là người đưa thư già với chiếc xe đạp gỉ nát giữa thành phố sôi động; là thi nhân hành khất lang thang đọc những câu vè ngày tết, phiêu diêu tự tại… Biết bao bóng hình không tên ấy, tưởng chừng lẫn vào giữa phố phường đông đúc, rồi bị cát bụi thời gian vùi lấp đi, nhưng tâm tư người viết lại khắc ghi, lưu níu, để rồi từ ấy mà tạc nên bao nhiêu dáng hình, để xưa cũ ấy cứ còn mãi trong dòng chảy hôm nay.

Bước vào thế giới truyện ngắn của Ngọc Giao cũng là ngoái nhìn lại những nét đẹp đẽ của ngày cũ, để từ ấy dung dưỡng cho biết bao tâm hồn trẻ thơ, cũng là nhắc nhớ về một thời yêu dấu đã qua của những người đang lớn lên, đang già đi.

Nhà văn Ngọc Giao (1911-1997) tên thật là Nguyễn Huy Giao. Ông sinh ra tại Huế trong một gia đình trung lưu. Ông được nhiều bạn đọc biết đến khi là Tổng Thư ký tòa soạn của tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy và có nhiều sáng tác được xuất bản trong thời kì 1934 – 1945.

Ngọc Giao là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, là tác giả của hơn 300 truyện ngắn, 8 tiểu thuyết, và nhiều truyện thiếu nhi, phóng sự, bút ký, tản văn… Những tác phẩm chính đã xuất bản của ông: Một đêm vui (1937), Phấn hương (1939), Cô gái làng Sơn Hạ (1942), Chuyện người trẻ tuổi (1944), Ánh điện giải phóng (1955), Truyện thôn Kiều (1956)…

(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)