Phong Linh Nhà văn Nguyên Hương viết lại truyện cổ tích
Những truyện cổ viết lại của Nguyên Hương chủ yếu xoay quanh việc giáo dục trẻ em lòng yêu thương, chân thành, tinh thần dũng cảm, biết ơn cuộc sống, được dẫn giải bằng giọng văn nhẹ nhàng, trong trẻo với những cốt chuyện đơn giản, gần gũi với đời sống trẻ thơ…
Nguyên Hương vốn làm nghề thợ may rất lâu trước khi viết văn. Con đường đến với văn chương của chị êm đềm như chính những câu chuyện cổ tích chị đem đến cho độc giả. Đọc văn Nguyên Hương, dễ nhận thấy nét duyên dáng, giản dị mà thâm trầm thương mến chị dành cho trẻ thơ. Dù viết ở thể loại nào, chị cũng luôn giữ trong mình nét đẹp đẽ chân thành ấy.
Năm 2019, Nguyên Hương cho ra mắt bộ truyện Cổ tích thần tiên, được NXB Kim Đồng in thành 3 tập: Voi chúa và hoàng tử nhỏ, Đứng một chân và há mỏ ra; Nắng vàng, sáng trăng và mặt trời.
44 truyện trong 3 tập nói trên đều được khai thác từ nguồn cổ tích Phật giáo, chủ yếu trong Tiểu bộ kinh (tập V) của Kinh tạng. Đó là hệ thống truyện kể về đời sống quá khứ (tiền thân) của Đức Phật, là giai đoạn Đức Phật sắm nhiều vai khác nhau như loài vật, nhà vua, hoàng tử... Dù đóng vai gì, Đức Phật đều thể hiện một phong cách đạo đức tuyệt vời, xứng đáng là tấm gương sáng cho người đời noi theo để tu tâm dưỡng tính.
Những truyện cổ viết lại của Nguyên Hương chủ yếu xoay quanh việc giáo dục trẻ em lòng yêu thương, chân thành, tinh thần dũng cảm, biết ơn cuộc sống, được dẫn giải bằng giọng văn nhẹ nhàng, trong trẻo với những cốt chuyện đơn giản, gần gũi với đời sống trẻ thơ, giúp các em thích thú, đồng thời dễ tiếp cận với những ý nghĩa của câu chuyện.
Trong truyện Con nai kiêu ngạo, lấy chuyện của đàn nai Phúc Lộc và Cỏ Khô, để chỉ cho các em biết đức tính khiêm tốn thật đẹp đẽ biết bao. Đàn nai của Phúc Lộc vì biết nghe theo lời cha mẹ, suy tính kỹ càng nên đã an toàn trong khi đàn nai của Cỏ Khô kiêu căng, bởi tự ỷ vào sức mạnh của bản thân, đã phải chịu bao nhiêu đau đớn.
Truyện Chim sẻ đậu trên chân mèo, lấy chuyện kể về vị hoàng tử tên Điềm Lành để kể cho các em câu chuyện về tình yêu thương, sự khiêm nhường… sẽ luôn là điều có ý nghĩa sâu sắc nhất trong cuộc sống.
Hai vị vua Bách Thắng của Vương quốc Hùng Cường và Điềm Lành của Vương quốc Đại Bi đều là những người tài giỏi bậc nhất. Dù hai bên có những cách thức khác nhau nhưng dưới sự cai trị của họ, hai vương quốc đều vô cùng giàu có và thịnh vượng.
Cho đến một ngày, trong một lần đi về vùng biên giới trên một chiếc xe nhỏ hẹp, trên con đường chỉ có thể vừa đủ cho một chiếc xe thì xe của nhà vua Điềm Lành đã bắt gặp một chiếc xe đi lại từ phía đối diện. Ấy chính là xe của vua Bách Thắng.
Trong hai chiếc xe, phải có một chiếc xe nhường đường. Hai người lái xe nhìn nhau, và họ bắt đầu tìm ra những điểm tốt để đặt sự tôn kính lên đầu, xem ai xứng đang được nhường đường. Nhưng hai vị vua, họ có đội tuổi ngang nhau, sự trù phú của vương quốc không thua gì nhau, họ được kính trọng như nhau. Tình thế xem ra thật khó phân xử. Cho đến lúc ấy, cách đối nhân xử thế của mỗi người trở thành điểm quan trọng nhất.
Trong khi vua Bách Thắng lấy phân minh rõ ràng làm trọng: "Cứng rắn đối cứng rắn/ Mềm mỏng đối mềm mỏng/Thiện đức đối thiện đức/Bất thiện đối bất thiện/Vua của tôi là vậy/Có ai công bằng hơn?" thì vua Điềm Lành lại có được sự ứng xử từ bi, thông tuệ khác hẳn: "Lấy không giận thắng giận/Lấy thiện thắng bất thiện/Bố thí thắng tham lam/Chân thành thắng gian dối/Vua của tôi thường nói/Nếu lấy giận đáp oán/Sân hận sẽ chất chồng/Tức tối dây dưa mãi/Biết bao giờ mới xong/Người khiến ta tức giận/Nhiều khi chỉ vì ngu/Không được ai chỉ dẫn/Nên chất chồng thiên thu/Vua của tôi là vậy".
Người đánh xe của vua Điềm Lành vừa dứt lời thì vua Bách Thắng đã xuống xe, ra lệnh tháo ngựa, nhường đường. Đó chẳng phải là lòng từ bi đã khiến đôi bên thấu cảm cho nhau hay sao?
Bài học sâu sắc về từ bi, khiêm nhường cũng được truyền tải đến các em nhỏ qua câu chuyện cổ tích giản dị này. Không cần những ngôn ngữ giáo điều, khô khan, mỗi truyện cổ được tái hiện dưới ngòi bút của Nguyên Hương đều vô cùng giản dị và gần gũi.
Ngôn ngữ kể chuyện của nhà văn vừa hóm hỉnh, hài hước vừa thủ thỉ sâu sắc, tựa như một người kể chuyện cổ thuở xưa, đi qua các miền quê, cất lên giọng nói đẹp đẽ, kể câu chuyện giữa rộn ràng tiếng trẻ thơ, tiếng cười nói, dưới một gốc cây lớn, hay bên sân đình rộng, dưới trời xanh ngợp nắng, nên bước vào không gian truyện của Nguyên Hương là được thấm đẫm bầu không khí của niềm vui tươi nhân ái ân tình.
Nhà văn Nguyên Hương từng tâm sự: "Cổ tích tiền thân như một khu rừng mà mỗi chuyện là một tán cây xanh, cây này đón nắng đông ấm áp cây kia nhận nắng hướng tây gay gắt. Hẳn bạn đồng ý với tôi là dù cho nắng hướng nào thì mặt trời vẫn luôn đem lại ánh sáng…".
Bởi thế, viết nên tập truyện cố tích thần tiên này từ những câu chuyện tiền thân về Đức Phật, người viết mong sao mỗi độc giả có thể cảm nhận được ánh sáng của mình, hân hoan và hạnh phúc.
Nhà văn Nguyên Hương là người đầu tiên đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác Văn học tuổi hai mươi vào năm 1995, giải Tư Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi 2011-2012 do Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức. Chị đã xuất bản hàng chục đầu sách, trong đó có thể kể đến Cậu bé trần gian và những chuyến rong chơi, Thương nhau chung một mái nhà, Wesite thương nhớ…
Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam