cart.general.title

“Radio yêu thương” – Chuyện tình retro thời mạng xã hội

“Radio yêu thương” của tác giả Lan Nhi là truyện dài mới nhất trong loạt sách văn học hướng đến độc giả trẻ từ các tác giả là du học sinh, hiện đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài của Nhà xuất bản Kim Đồng. 

Vào 9h30’ ngày 11/02/2023, tại NXB Kim Đồng, 55 Quang Trung, Hà Nội, sẽ diễn ra buổi gặp gỡ và giao lưu với tác giả Lan Nhi (hiện sống và học tập tại Hà Lan), và ra mắt tác phẩm đầu tay “Radio yêu thương” của tác giả.

“Radio yêu thương” kể về chuyện tình retro thời mạng xã hội của chàng trai du học rồi làm việc tại Singapore và cô gái đang theo học thạc sĩ ở Hà Lan. Từng là bạn học thời niên thiếu, nhưng bao nhiêu năm không gặp đã biến họ thành người xa lạ. Thế rồi một tin nhắn tình cờ khiến cả hai làm quen lại với nhau từ đầu. Hai con người, hai tâm hồn đơn độc cách nhau 10.463 kilomet đã kết nối, nương tựa và sưởi ấm cho nhau qua các chương trình radio mà chàng trai làm riêng cho cô gái. Những bản nhạc, những câu chuyện dẫn hai người vào hai thế giới tưởng tượng khác nhau, nhưng trong người này luôn có hình bóng của người kia. Rất nhiều câu hỏi đặt ra, rất nhiều lo âu dè dặt, và cùng các băn khoăn ấy, hạt mầm tình yêu nhè nhẹ trở mình. “Radio yêu thương” kể câu chuyện tình lãng mạn đan dệt trên mạng ảo, để bạn sẽ nhận ra: Khi ta chân thành và theo đuổi ước mơ, tình yêu chân thật luôn hiện diện trên thế giới này.

“Radio yêu thương” của tác giả Lan Nhi

Trước đó, những khung trời tuổi trẻ được mở ra với nước Anh qua “Dấu yêu Cambridge” của Ngân Jones, nước Pháp qua “Paris những mùa yêu” của Danh Trần, “Coucou nước Pháp - Thanh xuân hẹn ta nơi ấy” của Léthy, “Nắm tay anh đi về phía mặt trời” của Lam Trang, New Zealand qua “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi” của Trần Băng Khuê...

Có thể nói loạt sách này là một cuộc điểm danh lực lượng viết trẻ từ bên ngoài Tổ quốc, các tác giả đến từ nhiều vùng miền, mang theo bản sắc, dấu ấn riêng để bước ra với thế giới. Nếu như Ngân Jones đến từ Hải Phòng, Lam Trang từ Hoà Bình thì Trần Băng Khuê từ Dak Lak & Huế, Lethy – Lê Thanh Nhật Bảo từ Đà Nẵng, Danh Trần từ Bình Định & Sài Gòn. Và Lan Nhi từ Hà Nội.

Với “Dấu yêu Cambridge”, là tất thảy những câu chuyện về tình bạn, tình yêu và nhiều chi tiết hé mở về cuộc sống sinh viên rất đặc trưng tại Cambridge với văn phong hài hước và lối kể đầy lôi cuốn. Như Ngân Jones chia sẻ: “Khi viết câu chuyện này, không biết bao nhiêu những kỷ niệm, những hồi ức từ hơn mười năm trước chợt sống dậy lung linh sống động như mới ngày hôm qua. Có lẽ không phải là một khám phá gì mới mẻ, nhưng mình bỗng nhận ra những trải nghiệm ở Cambridge thật vô cùng trân quý. Môi trường, con người, tất cả đã làm nên những hồi ức thật tươi đẹp.”

“Dấu yêu Cambridge” của Ngân Jones

Với “Paris những mùa yêu”, Paris hiện lên ở những mảng màu đa sắc. Một thành phố công nghiệp hóa nặng nề với các tuyến Metro lạnh lùng, các công dân lao động như “những chú chuột cần mẫn”. Một thành phố phức tạp với đủ màu da, gồ ghề và khắc nghiệt, đặc biệt với những sinh viên đến từ Việt Nam. Một thành phố đầy rẫy các va chạm văn hóa và nỗi buồn tha hương... Những câu chuyện trong “Paris những mùa yêu” vì thế mang đậm màu sắc hiện thực, chân thực như hơi thở. Dù vậy, nhờ bỏ ra lăng kính màu hồng, vẻ đẹp của tình yêu và tình người ở kinh đô ánh sáng lại càng lấp lánh. Bởi lẽ, Paris không từ chối bất kì ai, chỉ cần họ dám sống và dám ước mơ.

“Paris những mùa yêu” của Danh Trần

Với “Coucou nước Pháp – Thanh xuân hẹn ta nới ấy”, là câu chuyện đời thực, được kể vô cùng hấp dẫn, mang đến cảm hứng tuyệt vời dành cho người trẻ, với thông điệp, nếu cuộc đời là cuốn phim, hãy để tuổi trẻ làm đạo diễn. Bắt đầu từ một cô gái từng khép kín và nhút nhát. Thế rồi ở tuổi 22, một tiếng nói sâu thẳm bảo rằng cô có thể làm nhiều hơn, sống có ý nghĩa hơn nếu bước khỏi vùng an toàn. Và cô đã lên đường bay tới tận nước Pháp. Cô thả hồn lang thang trên mảnh đất này, sống hết mình với cuộc sống, hít hà mùi hương những vùng đất đi qua, gặp gỡ và yêu những con người thú vị, nói tiếng Pháp bằng văn hóa và cả tâm hồn. 

Cô biết, sẽ có những ngày nỗi cô đơn tìm đến, những phút chông chênh làm yếu lòng. Nhưng mỗi bước đi tiến về phía trước, sau những lần mất niềm tin vào bản thân, cô lại mạnh mẽ hơn. Cảm nhận mình trưởng thành từng ngày, đó là cách cô chọn để sống trọn vẹn những tháng năm tuổi trẻ. Cuộc hành trình vẫn còn tiếp diễn và những trang giấy vẫn còn các khoảng trống để lấp đầy.

“Coucou nước Pháp - Thanh xuân hẹn ta nơi ấy” của Léthy

Với “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”, là vô vàn khám phá lạ lẫm về con người và cảnh sắc New Zealand. Khởi đi từ mắt nhìn khác lạ, những suy tưởng được gieo mầm đã lớn lên, về thời gian và tuổi trẻ, về hiện tồn và ý nghĩa nhân sinh. Những trải nghiệm của cô gái ấy được chia sẻ bằng các trang văn dịu dàng êm thấm, đem đến cho người đọc cùng lúc hai tiếp nhận tuyệt vời: Được bước đi cùng cô đến từng ngóc ngách của thành phố Aukland, và tận hưởng những rung cảm của tuổi trẻ giữa một vùng đất khác. Độc giả sẽ được chiêm ngắm một thế giới rộng rãi, phóng khoáng, chếnh choáng say men trời đất, chếnh choáng hương thơm cỏ cây hoa lá nồng nàn, chếnh choáng với những trang viết của “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”.

Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi của Trần Băng Khuê.

Với “Nắm tay anh đi về phía mặt trời”, là một tập hợp những bí mật kì diệu của tuổi trẻ. Trên từng trang sách, bạn ngỡ như đang đi sâu và thế giới của chính bạn, đồng thời ngắm nhìn và thấu hiểu những tâm hồn đồng điệu xung quanh.

“Nắm tay anh đi về phía mặt trời” của Lam Trang. 

NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG