Sách văn học tại Giải thưởng sách quốc gia
Trong số 26 cuốn sách hay được trao tại Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 5 chỉ có 5 tác phẩm về văn học, gồm: “Cô bé nhìn mưa” - tác giả Đặng Thị Hạnh (Nhà Xuất bản - NXB Phụ nữ Việt Nam) đạt giải B; “Nậm ngặt mây trắng” - Nguyễn Hùng Sơn (NXB Văn học), “Cà Nóng chu du Trường Sa” - Bùi Tiểu Quyên (NXB Kim Đồng), “Cá voi Eren đến Hòn Mun” - Lê Đức Dương (NXB Kim Đồng), “Người Sao Chổi” - Cao Việt Quỳnh (NXB Hội Nhà Văn) đạt giải C. Với bạn đọc hay chú ý đến các tác phẩm văn học do tác giả trong nước viết thì Giải thưởng sách quốc gia lần này đã đáp ứng được điều đó. Trong đó, sách dành cho thiếu nhi dù không có giải cao như cách đây 3 năm nhưng thể hiện sự đa dạng, phong phú về đề tài, trong hoàn cảnh khó khăn của dịch Covid mà vẫn có những tác phẩm hấp dẫn dành cho bạn đọc.
Nhà văn Lê Đức Dương nhận giải tại lễ trao Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 5.
“Cô bé nhìn mưa” là cuốn tự truyện của nhà giáo Đặng Thị Hạnh. Những trang viết của tác giả tràn đầy cảm xúc, vừa chân thật vừa bay bổng, thơ mộng về các nhân vật có thật. Đó là về người cha của tác giả - nhà văn hóa Đặng Thai Mai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao… Điều cuốn sách đem lại là những khoảnh khắc về không gian văn hóa, cuộc sống ở Hà Nội những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám. Đọc những trang văn nhẹ nhàng, giàu chất thơ của tác giả, bạn đọc như được trở lại với thời của văn học “Tự lực văn đoàn”. Đây là cuốn sách vừa tư liệu vừa đậm chất văn chương một thời chưa xa.
Cuốn tiểu thuyết người lớn duy nhất có tên “Nậm ngặt mây trắng” của tác giả Nguyễn Hùng Sơn có chủ đề chiến tranh biên giới phía Bắc, cụ thể là mặt trận Hà Giang với tất cả sự bi tráng khốc liệt của nó làm cho bạn đọc thêm phần hồi nhớ ký ức chưa xa về những con người chiến binh dũng cảm bảo vệ biên giới, biên cương. Sách từng được giải B của Bộ Quốc phòng.
Còn lại là 3 quyển sách dành cho thiếu nhi. Trước hết là bộ sách gồm 2 cuốn của “nhà văn - tiểu thuyết gia nhỏ tuổi nhất Việt Nam” Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008). Việt Quỳnh viết “Người Sao Chổi” khi đang học lớp 2, gây tiếng vang lớn trong giới viết. Đây là cuốn sách viết theo lối fantasy (giả tưởng) có thêm khoa học viễn tưởng. Với trí tưởng tượng phong phú thiên bẩm, Việt Quỳnh đã dựng lên bức tranh kỳ lạ vừa gần gũi vừa phiêu tưởng.
Hai tác phẩm “Cà Nóng chu du Trường Sa” và “Cá voi Eren đến Hòn Mun” đều chung đề tài biển đảo. Bùi Tiểu Quyên viết “Cà Nóng chu du Trường Sa” sau chuyến đi Trường Sa cùng đồng nghiệp. Chị đã dành 6 tháng lên ý tưởng, đề cương và chấp bút. Đây là cuốn sách vừa thực vừa hư đầy lãng mạn, hồn nhiên vui tươi của nhân vật “Cà Nóng” - tức chiếc máy ảnh Canon của chị nhà báo. Qua góc nhìn của “Cà Nóng”, thế giới con người, khung cảnh, sinh vật ở các hòn đảo ở Trường Sa hiện lên sinh động, vui tươi, lạc quan yêu đời. Có thể nói, đây là thiên phóng sự dưới dạng hư cấu văn học, là bức tranh tươi tắn, đầy sắc màu tươi trẻ của cuộc sống Trường Sa hôm nay. Là tác phẩm dành cho thiếu nhi nên ngôn ngữ cuốn sách vô cùng trong sáng, nhí nhảnh, hài hước. Tác phẩm từng được trao Giải thưởng Mai Vàng, Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và vào chung khảo Giải thưởng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Trong khi đó, “Cá voi Eren đến Hòn Mun” là một tác phẩm đồng thoại thú vị của nhà văn Lê Đức Dương. Cuốn sách tái hiện chuyến phiêu lưu đầy kịch tính của chú cá voi Eren từ vùng biển Nam Cực xa xôi đến Hòn Mun. Trải qua nhiều thử thách, cá voi nhỏ đã trưởng thành trong tình yêu thương của những người bạn tốt ở vùng biển lạ. Tác phẩm được nhà văn hoàn thành trong thời gian khá ngắn, chỉ khoảng 1 tháng. Sống và làm việc ở Khánh Hòa, cả cuộc đời tác giả đã gắn liền với mảnh đất quê hương. Có cơ hội tới nhiều khu bảo tồn biển để quan sát các loài động vật biển, lại có lợi thế công tác ở tờ báo dành cho thiếu niên, thế nên, anh viết về biển và thế giới động vật dưới lòng đại dương một cách rất tự nhiên với ngòi bút hóm hỉnh, gần gũi. “Biển cả là một thế giới rộng lớn, thú vị, thế nhưng văn học thiếu nhi ở nước ta có rất ít tác phẩm viết về biển. Là một người con của vùng biển Khánh Hòa, tôi muốn đem những hiểu biết của mình viết nên một câu chuyện thú vị cho các bạn nhỏ, để từ đó các em thêm yêu biển và muốn khám phá về đại dương rộng lớn nhiều hơn”, nhà văn Lê Đức Dương chia sẻ.
Một mùa giải thưởng về sách đã khép lại nhưng dư âm của những cuốn sách văn học ở Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 5 sẽ còn mãi trong lòng người đọc.
Nguồn: Báo Khánh Hòa