cart.general.title

Sách về biển đảo dành cho thiếu nhi đạt giải thưởng quốc gia

“Cà Nóng chu du Trường Sa” - tác phẩm thiếu nhi đầu tiên của tác giả Bùi Tiểu Quyên vừa được vinh danh tại Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ 5, năm 2022. Cuốn sách viết về biển đảo, với sự thể hiện khá mới mẻ của nữ nhà văn trẻ đã đạt giải C (không có giải A, B ở hạng mục sách thiếu nhi).

Chúng tôi, những bạn bè văn chương cùng thế hệ Quyên vẫn hay nói với nhau rằng, ẩn sau dáng vóc gầy, nhỏ nhẹ của cô nhà báo, nhà văn ấy là nội lực kinh khủng. Là nhà văn năng nổ thuộc thế hệ 8X, trong những năm gần đây, Bùi Tiểu Quyên tạo dấu ấn và trở nên quen thuộc với độc giả qua 8 tập truyện, tản văn như Đi ngược chiều thương, Cỏ đồi phương Đông, Những cánh cửa đều mở, Cỏ dại thênh thang, Sông có bao giờ thẳng…

Và mới đây, cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của chị, truyện dài “Cà Nóng chu du Trường Sa” (NXB Kim Đồng) tạo nên dấu ấn với 3 giải thưởng: Giải sách Quốc gia năm 2022 vừa được trao tại Hà Nội tối 3/10, Giải Mai Vàng (Báo Người Lao Động), Giải văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

Sách Cà Nóng chu du Trường Sa.

“Tôi muốn kể với những người bạn nhỏ của tôi về Trường Sa, về biển đảo của Tổ quốc mình, thông qua hành trình của một chiếc máy ảnh. Kể theo cách của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đồng bằng từng có những giấc mơ về biển. Kể theo cách của một người trưởng thành đã biết hiểu và yêu đất nước mình hơn những giấc mơ xưa. Mong rằng tác phẩm sẽ giúp bạn nhỏ thêm ít nhiều hiểu biết về quần đảo Trường Sa, những kiến thức về biển, về tự nhiên, muôn loài. Từ đó định vị được những giấc mộng trong thế giới kỳ diệu của tuổi mình. Và yêu biển.” - Bùi Tiểu Quyên chia sẻ.

Nhà văn, nhà báo Bùi Tiểu Quyên kể về cơ duyên dẫn chị viết tác phẩm này: Tháng 4/2019, Tiểu Quyên trong vai trò phóng viên của báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến hải trình ra thăm Trường Sa cùng đoàn công tác số 7 - chuyến đi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ khi nhận quyết định đi công tác, chị mong rằng ngày trở về sẽ viết riêng một cuốn sách dành cho Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi triệu triệu con tim Việt vẫn hướng đến mỗi ngày. Nhưng viết thế nào? Biết bao nhà văn, nhà báo đã đến với quần đảo này và biết bao giấy mực đã viết về nơi đây. Nhưng vẫn chưa bao giờ là đủ. Sau nhiều nghĩ suy trăn trở, Bùi Tiểu Quyên quyết định viết cho các bạn nhỏ.

Viết cho thiếu nhi đã khó, viết về đề tài biển đảo cho thiếu nhi chắc chắn sẽ còn khó hơn, nếu không tỉnh táo và không đủ khéo léo sẽ dễ sa vào tuyên truyền, giáo điều, cứng nhắc. Thật may, Bùi Tiểu Quyên trong lần đầu viết sách cho các em nhỏ đã có cách tiếp cận biển đảo một cách thật dễ thương, sinh động, tự nhiên qua cách xây dựng các nhân vật. Nhân vật Cà Nóng trong truyện chính là chiếc máy ảnh Canon được gọi chệch tên đầy ngộ nghĩnh, may mắn cùng anh chị phóng viên tham gia chuyến hải trình đặc biệt: Đi thăm Trường Sa. Bên cạnh Cà Nóng là các máy ảnh khác, với bác Tê Lê, thằng Ni, thằng So, Leica… Qua góc nhìn và lối kể của những chiếc máy ảnh được nhân cách hóa, từ những tính năng có thể lấy gần lấy xa, góc rộng góc hẹp, toàn cảnh, đặc tả…, hải trình trở nên mới lạ, lôi cuốn hơn so với hàng trăm, hàng nghìn bài báo đã kể về những hành trình đến với Trường Sa.

Tác giả Bùi Tiểu Quyên chơi cùng các em nhỏ trên đảo Sinh Tồn.

Độc giả của “Cà Nóng chu du Trường Sa” sẽ thích thú với những sinh hoạt trên boong tàu, sự háo hức của những chiếc máy ảnh và anh chị phóng viên trước những trải nghiệm có thể sẽ không có lần thứ hai, dần dần mở ra trước mắt. Những điểm đến là các hòn đảo, từ Song Tử Tây, Nam Yết, Tiên Nữ, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… đến nhà giàn trên biển; từ cây bàng vuông, cây phong ba đến các em nhỏ, những chú chó, trường lớp, chùa chiền trên đảo; từ những đàn cá heo nhảy múa trên sóng đến những chú chim hải âu, chim sơn ca chào đón trên bầu trời; ngược về quá khứ với Hải đội Trường Sa thời nhà Nguyễn, lặng mình tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma…

Nói về cuốn sách thiếu nhi có duyên với giải thưởng này, nhà văn Trần Đức Tiến cho rằng: “Một lần đoạt giải có thể chưa thuyết phục đông đảo bạn đọc. Nhưng ba lần trong hai năm, toàn những giải có tiếng nói quan trọng trong sinh hoạt văn nghệ của cả nước thì nhất định tác phẩm phải có một cái gì đó. “Cái gì đó”, theo mình, chỉ đơn giản là hay. Vậy thôi”!

“Cà Nóng chu du Trường Sa” ôm chứa những kiến thức về biển đảo, thiên văn, về lịch sử… nhưng không hề khô khan, mà hiện lên đầy tự nhiên, thậm chí có những đoạn như… cổ tích, nhiều mê hoặc. Những chân trời kiến thức mở ra. Những cảm xúc ngân rung theo biển đảo thiêng liêng Tổ quốc, theo những câu chuyện lịch sử.

Đặc biệt, quần đảo Trường Sa trở nên lung linh và gần gũi hơn qua những minh họa màu công phu của họa sĩ Đinh Nguyên Hoàng để làm nên dấu ấn một cuốn sách biển đảo lung linh dành cho thiếu nhi.

Đề tài biển đảo trong văn học Việt Nam được khá nhiều tác giả khai thác. Nhất là những năm gần đây, khi biển đảo nóng hơn bao giờ hết. Nhưng văn chương thật sự, đặc biệt là văn xuôi, có thể đọng lại là không nhiều. Có lẽ chỉ tác phẩm “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa và “Biển xanh màu lá” của Nguyễn Xuân Thủy là đáng kể, đứng được lâu hơn đến lúc này; sáng tác cho thiếu nhi lại vô cùng ít. Và bây giờ, “Cà Nóng chu du Trường Sa” của Bùi Tiểu Quyên - một tác giả 8X được ghi nhận bằng những giải thưởng uy tín là tín hiệu rất vui cho thấy đề tài biển đảo luôn có thế hệ người viết tiếp nối và vẫn luôn được độc giả đón nhận. Cuốn sách sẽ như cột mốc mà tác giả xác lập trên biển Đông, góp phần bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Và mỗi cuốn sách đến được với độc giả là như thêm một cột mốc vững chắc trên biển Đông được xác lập trong lòng người.

Nguồn: baonghean.vn