cart.general.title

SÓC VÀNG NÚI THẦN CỌP - MỘT CUỐN SÁCH HAY DÀNH CHO THIẾU NHI

Trong năm 2021 ở Đắk Lắk có một số tác phẩm viết cho thiếu nhi gây được sự chú ý của bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi; trong đó, nổi bật là cuốn truyện vừa “Sóc Vàng núi Thần Cọp” (NXB Kim Đồng) của tác giả Hồng Chiến.

Đây là cuốn truyện dành cho lứa tuổi 11+, gồm nhiều câu chuyện thú vị về vùng đất Tây Nguyên với thiên nhiên rừng cây, chim, thú, hùng vĩ, bí ẩn, lạ lùng, thú vị; với phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, riêng có của đồng bào bản địa sinh sống trên vùng đất này. Thông qua chuyện kể về cô bé Hồng - một cô bé người Kinh, mới chuyển từ miền Bắc vào Tây Nguyên, học chung một lớp với Y Thịnh - một cậu bé dân tộc Ê Đê, được Y Thịnh và một số bạn bè đưa về buôn (làng) chơi. Qua đó bé Hồng được biết, được thấy bao chuyện lạ, hấp dẫn ở buôn làng người Ê Đê; được đi vào rừng khám phá bao điều bí ẩn, người đọc, nhất là các em thiếu nhi sẽ bị cuốn hút bởi những câu chuyện thót tim, hồi hộp, nhưng cũng đầy thú vị. Ấy là khi các bạn nhỏ vào rừng bất ngờ gặp cọp với tiếng gầm dữ dằn rung động cả cây rừng, núi đá; là khi gặp những con voi khổng lồ với cặp ngà dài nhọn hoắt... Rồi chuyện các bạn nhỏ bị rơi xuống suối trôi vào cái hang bí ẩn có rất nhiều vàng, đá quý “có những viên đá phát sáng, hòn to như quả trứng ngỗng, hòn chỉ bằng cái đầu đũa... Các viên đá nhiều màu sắc làm xung quanh ánh lên như đêm trăng rằm... Bụi nước bay như mưa, tạo nên chiếc cầu vồng nhiều màu sắc, lung linh huyền ảo”. Chuyện “ma lai độc ác từ trong rừng tổ tiên bay về nhập vào một người nào đó để làm hại buôn làng”. Chuyện về phong tục “nối dây” của người Ê Đê: khi người chồng/ hoặc vợ chết, người vợ/ hoặc chồng có quyền đến nhà chồng/ hoặc nhà vợ tìm em trai chưa có vợ/ hoặc em gái chưa có chồng bắt về làm chồng/ hoặc làm vợ, thay người đã chết. Trong truyện là cậu bé Y Saphon đang học lớp 9 buộc phải đi làm chồng của chị dâu, vì anh trai cậu vừa chết. Thế là “cậu bé mới 15 mùa rẫy phải làm ama (cha) cái thằng (con của anh trai) đã sống hơn 20 mùa rẫy” một cách phi lý. Và cuộc đấu tranh của các thầy cô giáo, của các cán bộ chính quyền và bản thân Y Saphon với những người muốn giữ phong tục cổ hủ đó rất cam go, nhưng cũng có nhiều tình tiết thú vị, bất ngờ để đưa cậu bé Y Saphon thoát khỏi hủ tục.  

Cuốn truyện có 14 phần. Mỗi phần giống như một chuyện độc lập, có sự hấp dẫn riêng. Nhưng xuyên suốt các phần là nhân vật Sóc Vàng thấp thoáng trong mỗi trang sách, mỗi câu chuyện, có vai trò như là sứ giả của Yang, của thần rừng, nhắc nhở mỗi chúng ta về sức mạnh của thiên nhiên, sức mạnh của tâm linh mà con người đừng bao giờ coi thường, khinh suất.   

Đọc cuốn sách này các em sẽ thêm yêu Tây Nguyên, bởi thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và giàu có, biết sống hòa hợp với thiên nhiên hơn; yêu hơn những nét độc đáo trong tập tục, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tây Nguyên; từ đó, quý trọng đồng bào hơn và biết chung sống hòa hợp với đồng bào trong một cộng đồng Kinh - Thượng giàu tình đoàn kết yêu thương.

Là một thầy giáo có gần 20 năm dạy học trong vùng đồng bào dân tộc, có gần chục năm sống bằng nghề rừng, trước khi chuyển về công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk, nên vốn hiểu biết về rừng Tây Nguyên, về văn hóa bản địa Tây Nguyên của tác giả Sóc Vàng núi Thần Cọp rất phong phú, có thể nói là đầy ắp trong anh. Vì vậy, khi anh cầm bút viết, câu chuyện được tuôn chảy một cách tự nhiên như nó vốn có, như lời ăn, tiếng nói mộc mạc, giản dị của đồng bào. Bên cạnh đó, tác giả còn biết khéo léo lồng vào những yếu tố tâm linh, huyền thoại kỳ bí như trong chuyện cổ tích, thần thoại của Tây Nguyên, khiến các câu chuyện càng thêm cuốn hút. Chính vì vậy Sóc vàng núi Thần Cọp thực sự là một cuốn sách hay, rất bổ ích đối với các em thiếu nhi.  

Đặng Bá Tiến