cart.general.title

"Suốt đời học Bác", một cuốn sách bổ ích

Suốt đời học Bác do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2020 nhân dịp kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách bao gồm “mười sáu câu chuyện về Bác qua ghi chép từ lời kể người thật, việc thật”(1) của nhà báo Kiều Mai Sơn với nhiều thông tin, phát hiện mới về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối tượng của cuốn sách hướng đến là lứa tuổi 12+, lứa học sinh đang trong giai đoạn phát triển, hình thành về nhân cách, cần có sự giáo dục, định hướng đúng đắn về tư tưởng, nhận thức, đặc biệt là tư tưởng, nhận thức về lịch sử nước nhà, về những anh hùng dân tộc có công lao to lớn đối với đất nước. Hướng đến đối tượng như thế nên các câu chuyện trong Suốt đời học Bác có dung lượng vừa phải, dễ đọc, dễ hiểu, không nặng nề về số liệu, nhiều thông tin mới nhằm tạo sự mới mẻ, hấp dẫn trong việc trình bày một sự kiện, một câu chuyện lịch sử.

Đúng như nhan đề, mỗi câu chuyện trong Suốt đời học Bác đều để lại cho người đọc sự cảm phục sâu sắc về vẻ đẹp cao quý và bình dị, tấm lòng vì nước vì dân, trí tuệ và tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là vẻ đẹp của lối sống giản dị, yêu lao động, hòa mình vào thiên nhiên, vào đời sống nhân dân, tôn trọng những tập tục, văn hóa khác biệt của Bác qua lời kể của cụ Hoàng Thị Đào trong Người bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Pác Bó và nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Côn trong Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn. Đó là tinh thần nghiêm cẩn trong công việc, tỉ mỉ sát sao ngay từ bước ban đầu, từ việc nhỏ nhất của Bác qua lời kể của Đại tá Nguyễn Xuân Lương trong Học Bác suốt đời. Mặc dù bận “trăm công nghìn việc” nhưng Bác vẫn dành thời gian đọc tạp chí Hậu cần, thông qua đó phát hiện những vấn đề, nhân tố cần khen thưởng, động viên nhân rộng hoặc cần chấn chỉnh, kỉ luật để ngành hậu cần tốt hơn, vẫn “đứng lớp” giảng dạy truyền đạt những “bí kíp” cho các học viên để làm báo cho hay, cho đúng, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân một cách hiệu quả, thiết thực. Buổi trò chuyện giữa Bác với các nhân sĩ trí thức Trương Tửu, Thượng Sĩ, Nguyễn Đức Quỳnh được đăng tải trên tạp chí Tri Tân số 205, tháng 9 năm 1945 trong Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền văn hóa Việt Nam những ngày đầu cách mạng đã cho bạn đọc thấy tầm nhìn rất xa, rất sâu của Bác về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong những ngày đầu thành lập nước. Khả năng “dân vận”, sức cảm hóa của Bác đối với những trí thức Việt Nam tại Pháp được tiết lộ qua các câu chuyện trong Từ sức hấp dẫn lôi cuốn diệu kì của Bác Hồ, Người trí thức dấn thân… Sự quan tâm sâu sắc, tinh tế của Bác đối với những người cựu chiến binh, người già neo đơn, phụ nữ, trẻ nhỏ được các bà Lê Minh Hiền, Trần Thị Minh Châu thuật lại đầy xúc động trong Cán bộ nữ phải sát quần chúng, Chiếc áo Bác Hồ… Với nha sĩ Nguyễn Dương Hồng trong Chữa răng Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, ấn tượng sâu đậm nhất về Bác là tinh thần kiên định, ý chí nghị lực vượt qua đau đớn để hoàn thành công việc. Khi nha sĩ nhổ răng (hàm) cho Bác, rất đau đớn nhưng khi ra Đại hội II, trước việc hệ trọng của Đảng, Bác “nói như không đau đớn gì”(2). Trong Nếu không có sáng tạo thì không có tiến bộ, lời xin lỗi của Bác dành cho kĩ sư Vũ An Biên vì chưa kịp đi ra khỏi phòng để tắt đèn phòng Bác, bật đèn hội trường phục vụ hội nghị đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong ông về đức tính “nguyên tắc, rất kỉ luật và tôn trọng kỉ luật” của Bác. Nhà thơ Việt Phương, tác giả tập thơ Cửa mở nổi tiếng, nhớ mãi kỉ niệm Bác sửa thơ cho nhà thơ Tố Hữu và cho cả chính mình trong Bác Hồ góp ý sửa thơ. Chỉ bằng đôi câu nhận xét ngắn gọn, súc tích của Bác, nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Việt Phương không chỉ đã nhận ra những điểm còn vụng về, thiếu logic trong “kĩ thuật thơ” mà còn cả trong nhận thức về cuộc sống. Điều đó khiến các nhà thơ “thấm thía học được bài học từ Bác”(3), không khỏi thán phục trước khả năng “phê bình văn học” và cảm nhận cuộc sống của Bác… Có thể khẳng định, thông qua mỗi câu chuyện trong cuốn sách Suốt đời học Bác, các em học sinh nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đều cảm phục ý chí, nghị lực, tài năng, tình yêu thương vô bờ bến dành cho đất nước, nhân dân của Bác.

Bên cạnh đó, những câu chuyện trong Suốt đời học Bác còn giúp những thanh thiếu niên lứa tuổi 12+ có thêm những hiểu biết về những nhân vật lịch sử nổi tiếng của đất nước, những con người có công lao, đóng góp lớn cho cách mạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Thiếu tướng Lê Quảng Ba, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Chiên, nhà thơ Việt Phương, hai nhiếp ảnh gia Vũ Năng An và Kim Côn, bác sĩ Trần Hữu Tước, nha sĩ Nguyễn Dương Hồng, bà Trần Thị Minh Châu - nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản - Bộ Văn hóa, bà Lê Minh Hiền - Thứ trưởng Bộ Cứu tế, kĩ sư Vũ An Biên… Những nhân vật lịch sử ấy, trong quá trình hoạt động cách mạng hay trong đời sống thường ngày, chính là những tấm gương tiêu biểu cho việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cả cuộc đời họ đã sống, chiến đấu, học tập bên Bác, được Bác rèn luyện, chỉ bảo và cũng trở thành những tấm gương sáng được nhân dân mến mộ. Mặt khác, cũng qua những câu chuyện trong cuốn sách này, lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ nắm được một cách khái lược nhất hoàn cảnh, tình hình quân sự - kinh tế - chính trị - xã hội - giáo dục - văn hóa của đất nước trong những giai đoạn, thời kì lịch sử khác nhau: giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945, thời kì quân ta mở chiến dịch Đông Khê năm 1950, Đảng tiến hành Đại hội lần thứ II năm 1951, Đại hội lần thứ III năm 1960... Đây đều là những thời điểm quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của Đảng, của đất nước, tạo nên những tiền đề quan trọng cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc sau này. Như vậy, Suốt đời học Bác của tác giả Kiều Mai Sơn có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, nhận thức “3 trong 1” đối với thế hệ trẻ tuổi.

Mặc dù có ý nghĩa như thế, song điều đáng tiếc của cuốn sách này, theo quan điểm cá nhân tôi, đó là mặc dù viết cho đối tượng trẻ em nhưng lại rất ít tranh, ảnh minh họa, đặc biệt là ảnh tư liệu. Giá có ảnh chân dung các tác giả hay các tư liệu quý hiếm (điều tác giả cuốn sách sẵn có), chắc chắn, Suốt đời học Bác sẽ sinh động và hấp dẫn hơn với đối tượng mà cuốn sách hướng đến.

Trong bối cảnh môn lịch sử đang là “nỗi ám ảnh” của nhiều thế hệ học sinh, nỗi “lo lắng”, “đau đáu” của toàn xã hội như hiện nay thì sự xuất hiện của những cuốn sách như Suốt đời học Bác là kịp thời và hết sức cần thiết. Những cuốn sách như thế này không chỉ giáo dục học sinh về tình yêu đất nước, lòng yêu mến, cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà còn đem lại cho các em những góc nhìn mới, suy nghĩ, nhận thức mới về lịch sử, từ đó hết “sợ” và nảy sinh hứng thú với môn lịch sử nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung. Thiết nghĩ, đây mới là điều quan trọng hơn hết thảy và là mục đích sau cùng của Suốt đời học Bác.

Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội