Tạ Đình Đoàn Những truyện ngắn dẫn dắt trẻ tự vượt qua nghịch cảnh
Theo GS Lý Lợi Phương, Tào Văn Hiên luôn đặt hình tượng trẻ em "ngang hàng” với người lớn, không đề cao hay hạ thấp bên nào, mà đều quan sát trên bình diện con người.
Bài viết có sử dụng lại một số ý kiến phân tích của Giáo sư Lý Lợi Phương - Đại học Lan Châu, Trung Quốc.
“Dẫn dắt trẻ em tự trưởng thành từ những trải nghiệm của chính mình chứ không có ai dạy bảo, cứu giúp là cách nhà văn Tào Văn Hiên khắc họa sâu sắc hình tượng “thiếu nhi độc lập” trong tác phẩm của ông”. (Giáo sư Lý Lợi Phương)
Ngoài là giáo sư đại học, Tào Văn Hiên còn đặc biệt nổi tiếng với vai trò tác giả văn học thiếu nhi. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá, trong đó, ông vinh dự là nhà văn Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Văn học Hans Christian Andersen (năm 2016).
Sau hai tác phẩm Thanh Đồng Quỳ Hoa và Ngôi nhà tranh, 5 tác phẩm văn học thiếu nhi khác của Tào Văn Hiên cũng đã ra mắt bạn đọc Việt Nam, do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện.
‘Ngôi nhà nhỏ vùi trong tuyết’ - Dẫn dắt trẻ thơ trưởng thành từ nghịch cảnh
Ngôi nhà nhỏ vùi trong tuyết kể lại câu chuyện bốn đứa trẻ mắc kẹt trong một ngôi nhà sau trận tuyết lở. Các em đã cùng nhau trải qua mười ngày gian khó, chống chọi với giá lạnh, bóng tối, đói khát, sợ hãi, tuyệt vọng.
Giữa cơn hoạn nạn, bốn bạn nhỏ từ chỗ hiểu nhầm đã trở nên thấu hiểu nhau, từ chỗ ích kỉ đã trở nên biết hy sinh vì người khác để cùng đoàn kết tìm được lối thoát, trở về với sự sống rực rỡ mặt trời, gió ngàn và gia đình thân yêu.
Tào Văn Hiên đã mở rộng bố cục, kết cấu tác phẩm và trí tưởng tượng của bản thân để đem đến một câu chuyện mang tính phi thường, nhằm dẫn dắt các bạn nhỏ tìm hiểu và trải nghiệm chủ đề về sinh tồn: Cái chết đe dọa và khả năng trốn thoát, trong một không gian và thời gian bó hẹp.
Nhà văn để các nhân vật nhí của mình tự đối mặt với hiểm họa cuộc sống mà không cần sự dạy bảo, cứu giúp từ người lớn. Đó không chỉ là một xu hướng giáo dục thúc đẩy trẻ tự trưởng thành mà còn giúp các em biết trân trọng hơn ý nghĩa của sự sống.
‘Cái chết của chim ưng biển’ - Tình yêu và tình bạn: Sự tồn tại tự nhiên
Cuốn sách này gồm hai truyện ngắn: Chiếc giỏ không và Cái chết của chim ưng biển.
Chiếc giỏ không là câu chuyện về cậu bé Hạt Mạch và chú trâu trắng đã gắn bó bên cậu từ nhỏ. Lần nọ, chú trâu trắng nuốt mất số tiền bán ngũ cốc của cả làng một cách ly kỳ. Gia đình Hạt Mạch đã tìm cách để xử lý chú trâu trắng này.
Qua cách nhìn của tác giả, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, tình bạn giữa con người và động vật chính là biểu hiện của triết học phương Đông nghìn đời, được kết tinh trong tâm hồn nguyên sơ và thánh thiện của những đứa trẻ. Vậy mà đôi khi, nguyên tắc “lợi ích” của người lớn lại lạnh lùng phá vỡ mảnh đất tâm hồn ấy.
Cái chết của chim ưng biển kể lại câu chuyện cậu bé Ngốc và ông lão đánh cá cùng nhau đưa tiễn chú ưng biển có tên Thủy Thủ Đen trong những ngày cuối cùng của cuộc đời nó.
Mối quan hệ giữa ba nhân vật trong tác phẩm là lòng yêu người và được tin yêu, là sự tin tưởng và tình bạn, là sự hòa hợp của tâm hồn. Chính ông lão đã gắn kết mối quan hệ ấy bằng sự lương thiện và trí tuệ của mình, bằng cả sự an nhiên khi đối diện với cái chết và sự tự do hướng đến thiên nhiên. Những điều đó đã truyền lửa cho cậu bé Ngốc, để cậu tiếp tục sống vui vẻ suốt quãng đời sau này.
Dù là câu chuyện về chú trâu trắng già nua (Chiếc giỏ không) hay số phận một con ưng biển với những thời khắc cuối cùng (Cái chết của chim ưng biển) thì sợi dây kết nối giữa những giá trị nhân văn về tình cảm con người của những nhân vật thơ trẻ vẫn luôn bền chặt.
‘Trân châu đỏ’ - Trưởng thành trong những giấc mơ
Trân châu đỏ là tập sách thứ ba nằm trong bộ Căn Điểu của Tào Văn Hiên viết về hành trình trưởng thành cho tuổi thiếu niên. Cuốn sách chứa đầy yếu tố kỳ ảo, thiên về chủ nghĩa lãng mạn nhưng vẫn đậm chất hiện thực.
Câu chuyện kể lại giấc mơ đã thôi thúc cậu thiếu niên Căn Điểu đi về hướng Tây, tìm đến hẻm núi ngập tràn hoa bách hợp, để cứu cô gái mười ba tuổi Tử Yên. Trên đường đi, cậu đã trải qua nhiều khổ nạn và thử thách.
Không chỉ khắc họa hình tượng nhân vật dám chống chọi với những khó khăn của cuộc đời, câu chuyện còn diễn tả quá trình và ý nghĩa quan trọng của việc trưởng thành.
Theo GS Lý Lợi Phương, trân châu đỏ trong truyện là thứ mà con người ta chắc chắn phải đối mặt trong quá trình trưởng thành, cũng là lời nhắc nhở cậu thiếu niên phải biết kiềm chế tham vọng của chính mình.
‘Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường’ - Lòng tự tôn và năng lực sinh tồn
Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường là câu chuyện về tình yêu thương gia đình và sự nỗ lực vươn lên trong nghịch cảnh của cậu thiếu niên 16 tuổi, gia đình sống ở nơi giao nhau giữa hai con phố - “ngã ba đường”.
Đang ở thời kỳ bắt đầu phát lộ của tuổi thanh xuân, cậu có lòng tự tôn, tự cường, tha thiết yêu đời, có năng khiếu nghệ thuật và tràn đầy sức sống. Chỉ tiếc là hoàn cảnh gia đình với sự bê tha của cha mẹ, gánh nặng lớn nhất là đàn em nhỏ, đã đẩy cậu lên đấu trường “cuộc sống”.
Sống trong cảnh éo le, nhưng cậu thiếu niên đã dũng cảm gánh vác, biến một ngôi nhà nghèo khổ, bơ vơ, bị ghét bỏ trở thành một quán cà phê ấm áp lãng mạn. Cậu đã nỗ lực hết mình để giúp gia đình ngày một tốt đẹp hơn, ấm áp và hạnh phúc hơn.
Tác phẩm được viết từ ngôi thứ nhất, không theo đuổi phong cách lãng mạn mà trần thuật một cách trung thực nhất, như bản chất của cuộc sống. Nhà văn đã đem câu chữ giao cho cậu bé, qua đó “nói” ra những trải nghiệm đầy trắc trở, miêu tả chân thực cảm xúc của cậu khi phải sống trong nghịch cảnh.
Năng lực sinh tồn của cậu đã được đánh thức, lớn mạnh từng chút, cuối cùng đã hái được quả ngọt. Những mộng tưởng và thi vị tưởng chừng đã bị hiện thực cuộc sống tước đạt, cuối cùng đã được cậu giành lại sau một quá trình khó khăn.
‘Mặt trời không bao giờ tắt’ - Tình cảm gia đình là vĩnh hằng
Mẹ mất, cha quá đau khổ mà trở nên bê tha và thờ ơ với gia đình, cuộc sống của cô bé Nhã Ni mười một tuổi trở nên buồn tủi, cô đơn hơn bao giờ hết. Nhưng nhờ sự kiên cường của bản thân cũng như được những người tốt bụng xung quanh giúp đỡ, Nhã Ni đã tìm lại được hy vọng, giúp cha vượt qua nỗi đau buồn để tiếp tục sống cuộc sống ngập tràn ánh sáng của tình yêu thương và hạnh phúc.
Tình cảm gia đình là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Mẹ của Nhã Ni được xem là một vầng “mặt trời”, đã luôn vun vén cho tổ ấm yêu thương, đồng thời cũng là điểm tựa tinh thần mà người cha không muốn mất đi.
Sau cái chết của người mẹ, Nhã Ni không những phải tự lo cho mình mà còn phải chèo chống cả gia đình. Đã có lúc cô bé bỏ nhà đi để thoát khỏi nghịch cảnh, nhưng tình phụ tử vẫn đau đáu trong lòng, cuối cùng cô lựa chọn trở về. Quá trình trưởng thành của Nhã Ni giống như quá trình trở thành “mặt trời” của mẹ, nhưng gian nan hơn.
Tác phẩm chứa đầy tình cảm bi thương, nhưng cũng thể hiện phong cách duy mỹ, phản ánh chủ nghĩa cổ điển của ông.
Theo GS Lý Lợi Phương, trong tác phẩm của mình, Tào Văn Hiên đặt hình tượng trẻ em “ngang hàng” với người lớn, không đề cao hay hạ thấp bên nào, mà đều quan sát trên bình diện “con người”. Những phát hiện và diễn giải của nhà văn trong tác phẩm rất có ích cho quá trình hoàn thiện thế giới nội tâm của trẻ em.
Tào Văn Hiên là giáo sư Trung văn của trường Đại học Bắc Kinh. Ông nổi tiếng với vai trò tác giả văn học thiếu nhi. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Pháp, Đức, Nga, Nhật, Hàn, Anh, Hy Lạp, Thụy Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha…
Ông từng đoạt giải Văn học viết cho thiếu nhi xuất sắc nhất của Hội Nhà văn Trung Quốc cùng các giải thưởng văn học uy tín khác như Băng Tâm, Tống Khánh Linh, Sách hay quốc gia... Ngoài sáng tác văn học, ông còn là biên kịch, từng đoạt giải Kim Kê, Hoa Biểu, Hồ Điệp vàng (Liên hoan phim quốc tế Tehran) dành cho Biên kịch xuất sắc nhất. Năm 2016, Tào Văn Hiên đoạt giải Văn học Hans Christian Andersen. Ông cũng là nhà văn Trung Quốc đầu tiên đoạt giải thưởng này.
(Nguồn: Zing.vn)