cart.general.title

Tần Tần 16 câu chuyện giản dị của những nhân vật từng được gặp Bác

Thông qua 16 câu chuyện của những nhân vật từng tiếp xúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách “Suốt đời học Bác” xây dựng chân dung giản dị mà cao đẹp về Người.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), NXB Kim Đồng ra mắt ấn phẩm mới Suốt đời học Bác. Cuốn sách gồm 16 câu chuyện dung dị về Bác qua lời kể của những nhân vật được tiếp xúc và làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà báo Kiều Mai Sơn - tác giả cuốn sách - trò chuyện về ấn phẩm này.

Ấn phẩm “Suốt đời học Bác” ra mắt kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ như người ông, người cha giản dị

- Từ đâu anh bắt tay thực hiện cuốn sách về Bác Hồ qua câu chuyện của các nhân vật từng tiếp xúc Người?
- Công việc chính của tôi là làm báo. Quá trình đó, tôi gặp nhiều nhân vật, trong đó có những người từng tiếp xúc, thân cận với Bác. Các bài viết ấy đã được đăng báo trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Chị Nguyễn Thúy Loan - biên tập viên NXB Kim Đồng - theo dõi trang Facebook của tôi, đọc các bài viết ấy. Chị nói năm 2020 kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác, tôi có thể viết một cuốn sách cho NXB Kim Đồng không.
Tôi và NXB Kim Đồng từng hợp tác thực hiện cuốn Người lính Điện Biên kể chuyện năm 2014. Vì vậy, không có lý gì tôi từ chối một cuốn sách về đề tài này.

- 16 câu chuyện trong sách được viết ở những thời điểm khác nhau. Quá trình gặp gỡ nhân vật, ghi chép câu chuyện được anh thực hiện như thế nào?
- Tôi lựa chọn 16 câu chuyện, nhân vật từ các bài báo mà mình đã viết đưa vào sách. Chất liệu là những bài báo, tư liệu từ những lần đi gặp gỡ nhân vật, nhưng phải viết sao cho phù hợp đối tượng là bạn đọc nhỏ tuổi.
Những câu chuyện trong sách có khoảng cách và độ mở về thời gian khá lớn. Ở đó có những chuyện kể từ lúc Bác mới về nước cho tới những câu chuyện cách sau đó mấy chục năm.
Các nhân vật kể chuyện trong sách đều cao tuổi. Khi tôi gặp, các cụ đều 80 tuổi trở lên. Những nhân vật trong sách, đến nay, chỉ còn một người đã ngoài 100 tuổi là cụ bà Hà Giang, nguyên Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Khi viết bài đăng báo, các câu chuyện của nhân vật đều được kiểm chứng. Đó là nguồn tài liệu quan trọng cho cuốn sách.
Tôi có thể lấy ví dụ, khi nhà thơ Việt Phương (thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) kể câu chuyện Bác Hồ sửa bài thơ xuân 1961 của nhà thơ Tố Hữu như thế nào.
Mới đây, tôi được trông thấy bản thảo đầu tiên bài thơ của nhà thơ Tố Hữu, dùng đúng những từ như nhà thơ Việt Phương kể.

- Anh sử dụng những chất liệu ấy để viết lại thành sách như thế nào?
- Các bài báo của tôi dành cho quảng đại công chúng. Trong khi đó, tập hợp lại thành bản thảo cuốn sách thì đối tượng bạn đọc chính của NXB Kim Đồng lại là thiếu nhi. Bạn đọc thiếu nhi thì phải viết hiển ngôn, hạn chế lối viết hàm ngôn, nhiều điển tích phức tạp.
Có những bài ban đầu là phỏng vấn nhưng đã được chuyển sang lối viết theo dạng kể chuyện, tạo sự gần gũi giữa người viết và bạn đọc.

- Quá trình gặp gỡ các nhân vật, có người nào, câu chuyện nào khiến anh xúc động?
- Mỗi nhân vật đều để lại ấn tượng riêng với tôi. Tựu trung, mỗi nhân vật được gặp tôi đều coi là kỷ niệm may mắn trong đời. Có những nhân vật được gặp một lần, và tôi tiếc nuối vì không được gặp lần 2, lần 3. Còn những nhân vật được gặp nhiều lần thì vẫn cứ muốn được gặp nhiều hơn nữa.
Ví dụ, cụ bà Hoàng Thị Đào (phu nhân của Thiếu tướng Lê Quảng Ba - Tư lệnh quân khu Việt Bắc) là người dân tộc thiểu số ở huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Khi tôi gặp, bà nói tiếng Kinh vẫn lơ lớ, nhưng tạo dấu ấn riêng biệt.
Đó là nhân vật được gặp, sống gần lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi Người còn là Già Thu. Chính Già Thu - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã đổi tên cho bà là Hoàng Thị Đào - mùa xuân hoa đào nở.
Hoặc như nhà thơ Việt Phương - thư ký hơn 50 năm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông như một triết gia, nói ngắn hay dài đều để lại câu chuyện bài học cho mai sau.
Trong câu chuyện của các nhân vật mà tôi được gặp gỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh như người ông, người cha, người bác.
Cụ Trần Thị Minh Châu nguyên là Chánh Văn phòng khu Giải phóng Tân Trào; tôi gặp cụ từ khi còn là sinh viên, được sang trò truyện nhiều lần, nghe cụ kể nhiều câu chuyện cuộc đời. Câu chuyện kể về lãnh tụ của cụ Trần Thị Minh Châu không có sự xa cách, không có sự thần thánh hóa.
Trong câu chuyện của các nhân vật mà tôi được gặp gỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh như người ông, người cha, người bác. Trong kỷ niệm của các ông bà, Bác Hồ cũng hết sức đời thường, có yêu thương, có lúc cũng buồn phiền…, chứ không phải thần thánh hóa nhân vật.
Các nhân vật lịch sử mà tôi gặp đều kể câu chuyện mà họ không thể nào quên trong cuộc đời gắn với Bác.
Những người tiếp xúc Bác ở cự ly gần, lúc gian khổ, từ thuở “cháo bẹ rau măng”, đến khi đã là nguyên thủ quốc gia, thì tình cảm của Bác với những người cán bộ cũ không thay đổi, không xa cách…

Nhà báo Kiều Mai Sơn

Viết về người thật, việc thật, không tô hồng câu chuyện

- Khi tiếp xúc các nhân vật, họ đều tuổi cao. Có bao giờ anh thấy thông tin họ kể có đôi chút cần kiểm chứng?
- Không phải đôi chút cần kiểm chứng mà luôn luôn phải kiểm chứng. Đó là nguyên tắc làm việc của tôi. Kiểm chứng bằng cách đọc, đối chứng nguồn tư liệu, tìm những người cùng thời để hỏi, tìm câu chuyện, sự kiện liên quan…
Tôi vốn yêu thích lịch sử, nhờ nắm chắc vốn kiến thức nền lịch sử, nên có thể liên hệ chi tiết, áp dụng trong câu chuyện với những sự kiện, vấn đề lịch sử theo tính khoa học, biện chứng, logic đã được học ở bậc đại học.
Một nguyên tắc nữa của tôi là các bài viết trước khi đăng, đưa lại cho nhân vật đọc và đều công bố trên báo chí khi nhân vật còn sống để lắng nghe các phản hồi của bạn đọc, cũng như từ chính nhân vật và gia đình nhân vật.

- Vì sao anh không lựa chọn khai thác những khía cạnh hào hùng, mà kể các câu chuyện nhỏ của những nhân vật, nhân chứng?
- Hào hùng là khuynh hướng sáng tác sử thi có trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Khi ấy, đất nước có chiến tranh, chúng ta cần khí thế hào hùng để ra trận. Nay, chúng ta hòa bình 40 năm rồi, ta không thể mãi sử thi, không thể chỉ có sử thi..
Hơn nữa, những người anh hùng đều rất đời thường, họ trước hết là những con người bình thường. Với các nhân vật trong sách này, Hồ Chí Minh là người ông, người cha, người anh gần gũi của họ. Vì thế, tôi chọn cách kể gần gũi.
Bác Hồ là tấm gương giản dị mà cao đẹp. Chúng ta có thể viết về Bác ở nhiều khía cạnh, nhưng ở đây, tôi xin chọn viết những câu chuyện nhỏ, như chính phẩm chất giản dị của Người.

- Anh là một trong ít tác giả ở độ tuổi U40 viết sách về Bác. Anh nhận xét ra sao về lực lượng tác giả trẻ sáng tác về đề tài Hồ Chí Minh?
- Ít tuổi hơn tôi cũng có nhiều bạn trẻ nghiên cứu về đề tài Hồ Chí Minh. Họ có phương pháp nghiên cứu khoa học, tìm tòi nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước về Bác. Do đó, các tác phẩm, công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh của người trẻ là có, chỉ có điều chưa công bố thôi.

Cuộc đời của Bác cùng di sản mà Người để lại vẫn là mảng đề tài phong phú cho lớp trẻ đào sâu, tìm tòi, sáng tác để có những công trình nghiên cứu, những cuốn sách về Hồ Chí Minh thật sự đời thường.

(Nguồn: Zing.vn)