cart.general.title

Thủy Nguyệt “Nhạc cổ điển - những mảnh ghép sắc màu”

Đó là tên cuốn sách gồm 36 bài viết giới thiệu 36 tác phẩm tương đối tiêu biểu, mảnh ghép đầu tiên về nhạc cổ điển mà những người biên soạn muốn gửi đến bạn đọc.

Cuốn sách Nhạc cổ điển - những mảnh ghép sắc màu được biên soạn bởi nhóm tác giả NA9, gồm những người nghiên cứu, và nghệ sĩ âm nhạc cổ điển lâu năm của Việt Nam, sẽ đem đến cho độc giải cái nhìn mới mẻ, gần gũi người yêu nhạc cổ điển.

Âm nhạc dệt nên bức tranh đầy màu sắc, hòa điệu trong nhau, ánh lên vẻ đẹp rạng rỡ và huy hoàng

Đó là màu xanh vui tươi của thiên nhiên trong những bản nhạc đậm chất phiêu lưu, du ngoạn như Phiên chợ Ba Tư (Alert Ketelbey), Giao hưởng Đồng quê (Ludwing van Beethoven).

Màu đỏ rực rỡ ẩn chứa trong những điệu khúc lễ hội như Nhạc nước (George Frideric Handel), Giấc mộng đêm hè (Felix Mendelssohn).

Màu hồng thơ ngây và mãnh liệt trong những điệu vũ tình yêu như Etude Nỗi buồn (Frederic Chopin), Giao hưởng Từ biệt (Joseph Haydn).

Màu tím đầy hoài niệm và tiếc nuối trong những bản nhạc về xứ sở như Tưởng nhớ Alhambra (Francisco Tarrega), Vitava (Bedrich Smetana).

Màu trắng trong trẻo của ấu thơ trong những bản nhạc dành cho tuổi thơ trìu mến như Hát ru (Jahannes Brahms), Góc trẻ thơ (Claude Debussy).

Gần 200 trang sách được kể với ngôn ngữ bay bổng, đan cài nhiều thông tin thú vị trong thế giới nghệ thuật của âm nhạc, hội họa, văn học, điện ảnh… Bạn đọc như bước vào một hành trình khám phá thú vị.

Những giai điệu chạm đến tâm hồn

Trẻ thơ là nguồn cảm hứng của rất nhiều bản nhạc cổ điển, đến nay vẫn rất phổ biến, bởi chất nhạc ngây thơ, trầm ấm dành cho thế giới tuổi thơ.

Khi đón con trai thứ hai chào đời vào năm 1868, gia đình ca sĩ Bertha Faber nhận được món quà đặc biệt từ nhạc sĩ Jahannes Brahms, với tập nhạc mỏng gồm 5 ca khúc nghệ thuật mới xuất bản của ông.

Trong đó, bài số 4 mang tên Hát ru: Ngủ ngon nào, ngủ ngon. Lời Bài hát ru của Brahms gồm hai khổ thơ ngắn của hai tác giả khác nhau. Khổ thứ nhất trích từ tập thơ dân gian Đức, Chiếc kèn thần kỳ của chàng trẻ tuổi. Khổ thứ hai là của thi sĩ Georg Scherer.

Những giai điệu trong trẻo do Brahms viết trải ra như một sự đối âm với điệu Landler du dương của thành Vienna mà ông từng được nghe Bertha hát khi cô còn là thành viên của đoàn hợp xướng nữ đến biểu diễn tại Hamburg.

Bài hát ru của Brahms đã trở thành bài hát ru phổ biển khắp thế giới. Thậm chí, nhiều người còn nhầm tưởng đây là bài dân ca, bởi giai điệu ấm áp, đơn giản dễ dàng chạm vào trái tim của triệu triệu người nghe.

Tình yêu quê hương cũng là chủ đề đau đáu trong nhiều tác phẩm nhạc cổ điển. Trong đó, bản nhạc Etude No.3 Nỗi buồn của nhà soạn nhạc Frederic Chopin cất lên tiếng nói tâm tình cho biết bao con người tha hương khắp thế giới.

Bản Nỗi buồn của Chopin được soạn ngày 25/8/1832, được gọi là khúc thơ nhỏ bằng âm nhạc. Tác phẩm không phức tạp lắm với kết cấu một chủ đề, một biến tấu và phần tái hiện chủ đề cuối cùng.

Có một giai thoại kể rằng trong lúc dạy bản nhạc này cho học trò của mình là Adolf Gutmann, Chopin đã bật khóc và kêu lên: “Ôi quê hương tôi!”.

Ông cũng từng chia sẻ rằng đây là một trong những tác phẩm thân tình nhất ông từng soạn. “Cả đời, tôi chưa bao giờ có thể tìm thấy lần nữa giai điệu đẹp đến thế”.

Giai điệu đẹp đẽ ấy của Chopin khiến bao trái tim rung động, bởi những giai điệu chân thành của tình yêu quê hương thuần khiết và đậm sâu nhất. Âm nhạc có thể khiến trái tim của con người trên thế giới không phân biệt tôn giáo, sắc tộc cùng đồng cảm trong những giai điệu.

Chân dung nhà soạn nhạc Chopin.

Lồng ghép kiến thức cơ bản về nhạc cổ điển

Không chỉ giới thiệu những bản nhạc cổ điển phổ biến, giúp độc giả có được tiếp cận dễ hiểu và phong phú bằng những dẫn giải cụ thể, những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh tác phẩm mà trong sách còn có chú thích tỉ mỉ về thể loại tác phẩm, tốc độ chơi, các loại giọng hát.

Đây là những kiến thức cơ bản nhưng vô cùng quan trọng, giúp độc giả dễ dàng hơn khi bước vào thế giới kỳ diệu rực rỡ sắc màu của âm nhạc cổ điển.

Bước vào cuốn sách Nhạc cổ điển - những mảnh ghép sắc màu, độc giả có thể nắm được các kiến thức về lịch sử ra đời thời kỳ âm nhạc, như cổ điển, lãng mạn, thời kỳ Baroque, hay hiểu được những thuật ngữ cơ bản trong nhạc cổ điển như Concerto, Sonnet, Sonata, Etude, Tuxedo...

Thuật ngữ Etude thường dùng để chỉ đoạn khí nhạc, có độ khó nhất định và dành cho nhạc cụ dây có bàn phím (như piano, harpsichord). Mục đích chính là để khai thác và hoàn thiện khía cạnh nào đó trong kỹ thuật biểu diễn, đồng thời vẫn có sức hấp dẫn về mặt âm nhạc.

Kiến thức âm nhạc được lồng ghép khéo léo, cùng những bản nhạc, câu chuyện kết tạo chặt chẽ với nhau giúp người đọc cảm nhận được thế giới âm nhạc với những cung bậc xúc cảm, biểu đạt nỗi lòng riêng tư thầm kín của con người.

Ở đây, chỉ cần âm nhạc cất lời, con người có thể hòa điệu cùng nhau trong tình mến yêu ngập tràn.

Các kết nối hiện lên đầy mời gọi, từ chỗ đọc từng bài viết, tìm nghe bản nhạc, kết hợp suy tư và cảm thụ của bản thân để thấu hiểu âm nhạc đòi hỏi bạn đọc rất nhiều kiên nhẫn.

Đây cũng chính là hành trình giúp bạn bước vào và cảm nhận thế giới diệu kỳ lan tỏa, như nhạc trưởng bậc thầy Leonard Bernstein nói về Giao hưởng số 9 của Beethoven, thì: “Sự diệu kỳ ấy, không lời lẽ nào có thể diễn tả".

(Theo Zing.vn)