cart.general.title

'Đừng vội nản sau một kỳ thi, vì còn phải gánh vác sơn hà'

Đón nhận thất bại cũng là điều quan trọng mà chúng ta phải học. Và đó là tâm sự mà nhà báo Đoàn Công Lê Huy gửi tới các độc giả trẻ sau mỗi mùa thi lớn.

“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, Bác Hồ của chúng ta đã từng nói như vậy. Dĩ nhiên, ở tuổi cắp sách đến trường, nhiệm vụ quan trọng nhất của các bạn trẻ vẫn là học sao cho tốt. Học tập, không chỉ là nhiệm vụ của học sinh, mà đó còn là nghĩa vụ của một công dân với tương lai của đất nước.

“Tương lai đất nước” cụm từ này dường như còn xa vời với những bạn trẻ đang ở cái tuổi vô ưu, vô lo, còn mải miết với con đường học hành phía trước. Nhưng rồi đây, những cô cậu học trò hồn nhiên của hôm nay sẽ nắm trong tay vận mệnh của dân tộc. Và các em sẽ làm gì khi mang trọng trách lớn lao ấy trên vai?

Thay mẹ cha gánh vác sơn hà tập hợp những bài viết dung dị mà sâu sắc của nhà báo Đoàn Công Lê Huy, người từng nhiều năm đảm nhận chuyên mục “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa Học Trò, tờ báo được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên cả nước yêu quý. Và “người anh lớn” ấy, đã nói gì với những đứa em của mình?

Lật từng trang sách nhỏ, chúng ta sẽ thấy thế giới này có bao điều để khám phá và chiêm nghiệm. Đâu chỉ có nhà trường mới là nơi để ta học hỏi, cuộc sống cũng là một người thầy rất uyên thâm.

Tập sách Thay mẹ cha gánh vác sơn hà của nhà báo Đoàn Công Lê Huy.

Trong “Tết Nguyên Đán và lễ Tạ ơn” nhà báo Đoàn Công Lê Huy “đố” bạn đọc trẻ đi tìm điểm chung của hai dịp lễ này. Chúng đến từ hai nền văn hóa khác nhau, với những nghi thức riêng biệt, vậy sự “cộng hưởng” của những điều trái ngược đến từ đâu? Câu trả lời chính là: Lòng biết ơn! Hai dịp lễ ngày đều là cơ hội để nói lời cảm ơn đến những người mà ta thương quý và đến cả cuộc đời. Biết nói lời cám ơn cũng là điều phải học!

Bao tháng năm năm sách đến trường, từ khi còn là đứa trẻ lon ton sau chân mẹ đến lúc trở thành chàng thanh niên cường tráng, điều mà các bạn trẻ cần học nhất là gì, ngoài những kiến thức trong sách vở? Xin thưa, đó là sự trưởng thành!

Nếu không “lớn lên” trong suy nghĩ thì ta mãi chỉ là “đứa trẻ to xác” mà thôi. Trưởng thành là khi các bạn trẻ biết cha mẹ đã cực nhọc với việc mưu sinh để con cách được bình an cắp sách đến trường.

Thay vì đòi mua một bộ đồng phục mới, cô học trò nhỏ sẵn sàng mặc chiếc áo cũ đến lớp. Ta trở thành người lớn, khi biết cân nhắc giữa điều đang “cần” và điều đang “muốn” để mẹ cha bớt phần lo toan trước gánh nặng của cuộc đời.

Đón nhận thất bại cũng là điều quan trọng mà chúng ta phải học. Và đó là tâm sự mà nhà báo Đoàn Công Lê Huy gửi tới các độc giả trẻ sau mỗi mùa thi lớn.

Với một số người, chỉ thi lần đầu đã đỗ đại học, nhưng có những “giấc mơ giảng đường” phải trì hoãn đến vài năm. Đừng vội tự ti, đừng vội chán nản nếu mình thi trượt. Bởi chúng ta còn trẻ và tương lai còn rất dài ở phía trước.

Trưởng thành là bài học quan trọng nhất mà thế hệ trẻ phải trang bị cho mình.

Thay mẹ cha gánh vác sơn hà không chỉ được viết từ cái nhìn sắc bén của một nhà báo kì cựu. Đọc những bài viết cuả nhà báo Đoàn Công Lê Huy, chúng ta sẽ thấy được trong đó ẩn chứa chân dung của một con người ham đọc và am tường về văn hóa. Độc giả có thể dễ dàng nhận thấy nhiều tản mạn được anh viết từ cảm hứng sau khi đọc một cuốn sách hay, hoặc tìm hiểu về cuộc đời của một vĩ nhân nào đó.

Cuộc sống là trường học vô tận đối với một con người từng trải như tác giả. Từ ngọn cỏ, nhành cây, đến cơn mưa dai dẳng đất cố đô hay mùi hương hoa sữa đến độ nồng nặc của thủ đô mỗi độ chính thu đều cho Đoàn Công Lê Huy những chiêm nghiệm quý báu. Nhìn ngắm để suy ngẫm, suy ngẫm để sẻ chia, cuốn sách nhỏ này được tạo nên từ mạch nguồn sáng tạo bao la ấy.

Lối kể chuyện rất có duyên cùng ngòi bút luôn biến hóa đa dạng khiến bạn đọc yêu quý những bài viết của nhà báo Đoàn Công Lê Huy. Không chỉ đóng vai một người anh, nhà báo Đoàn Công Lê Huy còn đóng vai một người bạn để trò chuyện với những cô cậu học trò. Anh không ngại bắt chước lối văn biền ngẫu, hay nhại theo văn phong của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung để câu chuyện của mình trở nên sinh động hơn. Bởi thế, những áng văn nhỏ của anh mới gieo bao suy ngẫm và nhớ thương trong lòng bạn đọc.

Theo: Zing