Thụy Oanh Người lớn ơi! Xin đừng tham lam…
Hình như chỉ có lũ trẻ mới mắc phải những thói hư tật xấu, còn tất cả người lớn đều hoàn hảo? Vậy bọn trẻ đã nhiễm thói xấu từ đâu?
Khi còn nhỏ, chúng ta vẫn thường được dạy rằng không được tham lam. Phải chăng chỉ có con trẻ mới bị cám dỗ bởi những thứ vật chất tầm thường? Hay sự tham lam giống như một “con quỷ xấu xí” thích trêu ghẹo tất cả mọi người. Bằng sự dí dỏm, trí tưởng tượng tuyệt vời và cái nhìn độc đáo, tác phẩm Chú heo may mắn của nhà văn người Hàn Quốc Kim Jong- Ryeoul là bài học thú vị và ý nghĩ về hành trình chiến thắng lòng tham.
Cuộc sống của người dân thành phố Đỗ Quyên dường như chẳng có gì vui vẻ. Ngày nào cũng có đủ thứ chuyện bực mình xảy ra. Nào là chuyện tay lang băm ở phòng khám răng nhổ nhầm chiếc răng khỏe thay vì phải nhổ cái răng sâu. Rồi cả chuyện tiệm quần áo Rẻ Như Bèo bỗng mọc lên trên phố, cái tên nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng chẳng có món đồ nào ở đó có thể mặc đến lần thứ hai.
Anh bạn nhỏ sống cùng cha mẹ ở thành phố Đỗ Quyên đã kể về quê hương của mình với sự chán nản và thờ ơ. Những tưởng chuỗi ngày buồn chán đó sẽ kéo dài tới vô tận, nhưng tất cả mọi thứ thay đổi khi cửa tiệm Chú Heo May Mắn xuất hiện.
Truyện Chú heo may mắn của nhà văn Kim Jong-Ryeoul.
Đó là một cửa tiệm là lùng! Ở đó, ông chủ không cần bán chác gì cả mà sẵn sàng tặng những món đồ quý giá cho những vị khách ghé thăm cửa hàng. Nghe có vẻ rất hấp dẫn, nhưng oái oăm ở chỗ, mỗi ngày tiệm Chú Heo May Mắn chỉ tiếp đúng 10 vị khách.
Và những người đã đến thăm cửa tiệm Chú Heo May Mắn đều khiến cho người khác phải ghen tỵ. Các món đồ họ nhận được đều là bảo vật vô giá. Chú cảnh sát Bắt Hết được tặng một chiếc kính có thể phát hiện ra tội phạm, nghe đồn rằng đó là bảo bối của thám tử Sherlock Homles lừng danh.
Còn chú Cáu Kỉnh ở tiệm giặt là sạch bóng nhận được một chiếc bàn là ma thuật. Chỉ cần là qua một lượt bằng chiếc bàn là ấy, quần áo sẽ không bao giờ bị nhàu nữa. Nhanh như chớp, chú Cáu Kỉnh chớp lấy cơ hội làm ăn ngàn năm có một và nâng giá giặt là lên gấp mười lần.
Những chuyện đáng kinh ngạc về những món bảo bối trong cửa tiệm Chú Heo May Mắn chưa dừng lại ở đó. Cô thợ cắt tóc ở tiệm làm tóc xinh đẹp được tặng một chiếc kéo kì diệu, khiến cho chủ nhân của nó cắt kiểu đầu nào cũng đẹp. Từng đó chuyện ly kì và may mắn thôi cũng đủ cho cả thành phố Đỗ Quyên sôi sục lên vì tiệm Chú Heo May Mắn kia rồi.
Bố mẹ của cậu nhóc người kể chuyện cũng nôn nóng, muốn trở thành khách hàng tiếp theo của cửa tiệm chứa toàn bảo bối vô giá kia. Họ xếp hàng từ đêm đến sáng để chờ đợi bắt được vận may. Những ngày mà vận may chưa gõ cửa, bố mẹ của anh bạn nhỏ ấy trở thành những con người hoàn toàn khác, lúc nào cũng bẳn gắt và dễ nổi cáu.
Cuối cùng họ cũng nhận được một trong những món bảo bối vô giá của cửa tiệm Chú Heo May Mắn. Đó là “chiếc bình nhân đôi” thần kì. Cho bất cứ thứ gì vào trong bình, chỉ trong vài cái chớp mắt vật ấy sẽ được nhân đôi. Và từ đó, bố mẹ của chú bé tội nghiệp chỉ mãi mê với việc nhân đôi những tờ tiền giấy. Thấy cái bình đó không có gì thú vị nên cậu nhóc bướng bỉnh kiêm quyết không đụng vào nó.
Nhưng cái giá của may mắn đắt hơn người ta tưởng. Tất cả những vị khách được nhận bảo bối của cửa tiệm Chú heo may mắn đều bị biến thành lợn và họ không nhận ra điều đó. Bố mẹ của cậu nhóc nọ cũng không ngoại lệ.
Chú bé dũng cảm ấy đã liều mình vào cửa tiệm Chú Heo May Mắn để tìm cách biến bố mẹ trở thành người bình thường. Và cách duy nhất là chính tay bố mẹ cậu phải đập vỡ “chiếc bình nhân đôi” thần kì kia. Nhưng để họ tự tay phá hủy món bảo bảo bối đó dường như còn khó hơn bắc thang lên trời….
Phần minh họa độc đáo của họa sĩ Kim Suk-Kyoung.
Đừng trông chờ vào may mắn, hãy làm việc thật nỗ lực và chăm chỉ mỗi ngày, bởi cái giá của những thứ “từ trên trời rơi xuống” đôi khi “đắt đỏ” hơn chúng ta tưởng. Đó là thông điệp mà nhà văn người Hàn Quốc Kim Jong- Ryeoul gửi đến bạn đọc nhí. Đây cũng là điều mà người lớn nên tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày.
Điều làm nên sự hấp dẫn của Chú heo may mắn không chỉ ở óc quan sát tinh tế và trí tưởng tượng tuyệt vời của tác giả Kim Jong- Ryeoul, sự hấp dẫn còn nằm ở sự thay đổi điểm nhìn của các nhân vật trong truyện. Xưa nay, chỉ có người lớn nhìn nhận và chỉ ra những sai lầm của con trẻ. Đôi khi, họ quên mất rằng mình cũng phạm phải rất nhiều sai lầm và mắc đầy tật xấu.
Bởi vậy, trưởng thành dường như là một chặng đường dài bất tận. Người lớn hay con trẻ đều phải nỗ lực để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Đôi khi, người lớn lại nhận ra những bài học quý từ cách sống hồn nhiên của tuổi nhỏ.
Theo: Zing