cart.general.title

Thụy Oanh ‘Sự tử tế là điều quan trọng nhất chúng ta cần dạy cho con trẻ’

Trong cuộc sống, có rất nhiều điều phải học. Có những bài học sẽ khiến chúng ta trở nên hạnh phúc và làm mọi thứ xung quanh tốt đẹp hơn.

Nhiều năm về trước, người đọc biết tới một Nguyễn Thị Mai Hồng với những truyện ngắn thâm trầm mà vẫn đong đầy tình cảm về một tuổi hai mươi nhiều khao khát. Một thời gian dài, Mai Hồng nghỉ viết để theo đuổi những giấc mơ khác. Gần đây, chị đã trở lại với diện mạo mới, một Rosita Nguyễn trong trẻo và hồn nhiên với những câu chuyện dành cho tuổi nhỏ.

Tuy mới ra mắt, nhưng Trời xanh ngập nắng đã dành được tình cảm của đông đảo bạn đọc nhí. Nhưng trước đó, câu chuyện về chú sẻ nhỏ Kaila đã chạm tới tâm hồn bạn đọc bởi tình yêu từ chính trái tim tác giả.

Sách Trời xanh ngập nắng.

Không gian xanh ngát của Melbourne đã thôi thúc tôi cầm bút

- Từng là cây bút trẻ triển vọng với nhiều sáng tác được đăng trên các tờ báo uy tín. Sau 15 năm “mất tích” tại sao khi quay lại với văn chương, chị lại chọn sáng tác cho độc giả nhỏ tuổi?

- Sáng tác cho độc giả nhỏ tuổi luôn là niềm yêu thích của tôi. Có được điều này, là nhờ hồi nhỏ tôi đọc rất nhiều sách thiếu nhi, bao gồm các sáng tác của tác giả trong nước và những tác phẩm kinh điển nước ngoài. Các tác phẩm ấy đã truyền cảm hứng cũng như tình yêu văn chương trong tôi từ lúc nào không hay.

Điểm nổi bật ở các cuốn sách viết cho thiếu nhi là sự vô tư, trong sáng và tinh thần lạc quan. Giai đoạn khi các em còn nhỏ cũng rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho các em sau này. Chính vì thế, tôi luôn mong có nhiều tác phẩm chất lượng dành cho lứa tuổi các em. 

Cuốn Trời xanh ngập nắng không hẳn là một sự lựa chọn, mà nó là tình yêu diễn ra một cách tự nhiên trong tôi.

- Điều gì ở con người và thiên nhiên của thành phố Melbourne đã thôi thúc chị viết nên câu chuyện cảm động này?

- Không chỉ riêng với Melbourne, mà khi đi tới bất kỳ vùng đất mới mẻ nào, thì thiên nhiên luôn là điều đầu tiên lôi cuốn tôi. Riêng thành phố này, ngoài cảnh quan thiên nhiên, đây còn là nơi mà tôi có một thời gian sống khá dài. Chính vì thế, ngoài cơ hội ngắm nhìn cảnh vật với từng nhánh cây, ngọn cỏ, hay bầy sẻ trong công viên… tôi còn được tiếp xúc với nhiều người dân nơi đây.

Tôi thấy cảnh vật xung quanh tác động tới con người khá nhiều, được sống giữa không gian xanh khiến con người ta hiền hòa và yêu đời hơn thì phải? Tôi nghĩ thế! Những người tôi gặp hàng ngày ở Melbourne đều toát lên tình yêu đời, sự lạc quan và tốt bụng.

Họ sống với một thái độ biết ơn với cuộc đời này. Tôi viết từ cảm xúc, trải nghiệm của bản thân cũng như từ những người xung quanh ấy.

- Ngoài Melbourne, liệu còn mảnh đất nào thôi thúc sự sáng tạo và tình yêu văn chương nơi con người chị?

- Thực ra tôi nghĩ vùng đất nào cũng có thể khơi gợi sáng tạo miễn là mình có đủ thời gian để hiểu nó. Là một tác giả không chuyên, nên tôi tuyệt đối đề cao cảm xúc tự nhiên. Tôi sẽ viết khi có cảm xúc. Ngay cả khi đang ở nhà, không cần phải đi đâu cả.

Viết sách cần nhiều thời gian để xây dựng câu chuyện và trau chuốt ngôn từ một cách tỉ mỉ. Nên nếu cảm xúc đến bất ngờ, tôi thường làm thơ. Thỉnh thoảng tôi có đăng lên trang cá nhân của mình để chia sẻ cùng người thân, bạn bè.

Tác giả Rosita Nguyễn trong lễ công bố khởi động bình chọn Giải thưởng Sách Chạm.

Hãy cho con trẻ tự do khám phá thế giới và dạy con về sự tử tế!

-  “Trời xanh ngập nắng” là một tác phẩm chứa nhiều yếu tố phiêu lưu. Phải chăng chị muốn dùng nó để khuyến khích các bạn nhỏ tự tin khám phá thế giới?

- Đúng là như vậy! Được tự mình khám phá và trải nghiệm sẽ giúp khắc sâu những kinh nghiệm và kỉ niệm trong tâm trí và trái tim trẻ. Đây là quan điểm không chỉ của riêng tôi.

Tuy nhiên, thời gian khiến cho mọi thứ thay đổi. Tuổi thơ của tôi và của các con khác nhau rất nhiều. Nên mỗi thế hệ có một cách khám phá khác nhau, đọc sách cũng là một cách khám phá vô cùng hữu ích.

Từ những cuộc phiêu lưu trong sách vở, biết đâu chúng ta sẽ tự tin tạo ra những cuộc phiêu lưu thực sự của riêng mình khi lớn lên?

- Điều quan trọng nhất mà chúng ta phải dạy cho con trẻ là gì? Với vai trò của một người mẹ, một người từng trải và một nhà văn, chị có tìm được đáp án chung cho câu hỏi này?

- Tôi luôn muốn các con sống với một thái độ chân thành. Sự thật thà, tử tế luôn là điều có thể giúp chúng ta sống với một đầu óc thảnh thơi và khiến trái tim luôn rộng mở.

Tôi biết, có người quan niệm rằng: thật thà quá trong xã hội hiện đại sẽ phải gánh chịu ít nhiều thua thiệt. Nhưng quan điểm của tôi là: “Mục tiêu trong cuộc đời của bạn là gì thì quan niệm sống của bạn sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng”. Có thể vì mục tiêu trong cuộc sống của tôi là sự vui vẻ, nên tôi nghĩ cứ sống chân thành thì đầu óc sẽ nhẹ nhàng và sự vui vẻ sẽ đến.

- Nhân vật chim sẻ Kaila không phải là hình mẫu của một đứa trẻ ngoan. Lại có người nói rằng: “Con trẻ có quyền phạm lỗi”. Chị nghĩ gì về điều này? 

- Tôi không nghĩ rằng Kaila không ngoan, cô bé ngoan đấy chứ! Tôi cũng không nghĩ : “Trẻ con có quyền phạm lỗi”, chúng ta thường  phạm lỗi một cách vô thức, chính vì thế lỗi lầm mới cần được tha thứ. Nếu phạm lỗi là một thứ “quyền” thì có lẽ chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc giáo dục các con.

Liên hệ với Kaila, là một đứa trẻ nên nhiều khi “cô bé” chưa ý thức hết được những việc làm của mình có thể gây ra hậu quả ra sao? Chính vì thế mới có những sự kiện dẫn dắt cho câu chuyện này. 

Tựu trung lại, vấp ngã sẽ khiến cho trẻ trưởng thành. Nhưng điều quan trọng nhất, là vòng tay của gia đình dành cho các con trong hoàn cảnh ấy như thế nào? Là cha mẹ, các bạn hãy nói cho các con về điều đúng, điều sai và điều gì tuyệt đối không được mắc phải.

Nên khuyến khích con trẻ phát triển tự do, nhưng cũng phải trong khuôn khổ nhất định để tránh sai đường. Đó là quan điểm giáo dục của riêng cá nhân tôi.