cart.general.title

Tìm ở đâu, 'nếu một ngày chúng tớ biến mất'?

Trong 11 tác phẩm lọt vào Vòng Chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 có bản thảo truyện dài Nếu một ngày chúng tớ biến mất của tác giả Mộc An. Truyện gồm 3 phần: Cô nàng Ốc Sên ăn chay, Sọc Vàng và Sọc Xanh và Nơi trú ẩn cuối cùng. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, "tự thân mỗi phần đủ sức nặng để có thể chuyển thể thành mỗi "bom tấn" hoạt hình cho thiếu nhi". Vừa qua, bản thảo này đã chính thức được NXB Kim Đồng in ấn và phát hành.

1. Nếu một ngày chúng tớ biết mất của Mộc An là một cuốn truyện mỏng, nhẹ, chỉ trên dưới hai trăm trang, người lớn có thể đọc xong trong một buổi sáng, các em nhỏ chắc chắn sẽ đọc lâu hơn, tùy thuộc vào việc các em nghĩ gì, chơi gì khi đọc.

Cuốn sách kể về gia đình ốc sên, bắt đầu khi nàng Ốc Sên dừng chân ở một khu vườn, sống vui vẻ cùng "cư dân" nơi đây (bác Bồ Đề, bác Cá, anh Dế Nghệ Sĩ,…) và gặp được chàng Ốc Sên; tiếp diễn trong câu chuyện xoay quanh hai đứa con ốc sên nhỏ là Sọc Vàng và Sọc Xanh đi giải cứu bố mẹ; và mở ra chương mới với các thế hệ ốc sên tiếp theo trong một cuộc di cư lớn để đi tìm vùng đất mới.

Tác giả Mộc An

Truyện được viết với văn phong trong sáng, mạch lạc, ngôn từ giản dị, hình ảnh thể hiện không gian khoáng đạt, hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên (vườn cây, vùng đồi, suối nguồn bí ẩn,…) với các sự vật nhân tạo (nhà ở, trạm xe buýt, khu công trình,…).

Tôi đã "làm quen" với cuốn sách này theo cách như thế. Đọc lướt qua từng chương, đưa ra một vài nhận xét ban đầu, chủ yếu là do thói quen muốn đọc thật nhanh để từ đó có thể đọc thêm được thật nhiều sách khác. Nhưng rồi rất nhanh thôi, có điều gì đã kéo tôi lại, cuối cùng là đi hết cả hành trình dài đến ba thế hệ ấy của gia đình ốc sên nhỏ xíu kia. Đó là điều gì nhỉ?

Vài nét về tác giả Mộc An
Tên thật: Nguyễn Thị Nguyệt Trinh. Sinh năm: 1980. Hiện sống và làm việc tại Bình Định. "Lớn lên từ những câu chuyện thiếu nhi, và đến một lúc nào đó bắt đầu muốn viết những câu chuyện cho thiếu nhi" - chị tự bạch.

2. Một nàng Ốc Sên chọn "ăn chay", không động đến những bông hoa đang tỏa hương thơm ngát trong vườn. Nàng làm thế là vì nàng thấy những bông hoa xinh đẹp, quan trọng hơn, đó là một quy tắc mà nàng cần tuân thủ. Để được ở lại khu vườn yên bình với những bạn hàng xóm thân thiện và tốt bụng này, không ai được chạm đến những bông hoa. Ấy vậy mà nàng lại có một người con không nhịn được miệng mà "chén" mất một bông hoa trong vườn. Làm sao đây???

Một bác Cá cả ngày bơi lội trong bể kính, luôn mong có một ngày nào đó được thỏa sức vẫy vùng giữa biển khơi. Đó là giấc mộng cả đời của bác. Có cách nào để bác Cá thực hiện được ước mơ không? Sẽ là một cuộc tẩu thoát kịch tính như trong phim hoạt hình Disney, hay là một biến cố tình cờ mà đúng lúc sẽ thúc đẩy bác Cá lên đường?

Một màn "team up" vô tiền khoáng hậu của Ốc Sên, Ong, Dế Mèn, Chuồn Chuồn, Chim,… để giải cứu Ốc Sên bố và Ốc Sên mẹ đã mở ra cả một khoảng trời cao xanh bát ngát, nơi mỗi chú ốc sên đều được bay, được nhìn ngắm mảnh đất dưới chân mình từ khoảng cách rất cao nhờ sự trợ giúp của đàn chim tốt bụng.

“Nếu một ngày chúng tớ biến mất” (NXB Kim Đồng) - tác phẩm vào chung kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 khi còn là bản thảo

Một câu hỏi trở đi trở lại trong suốt toàn bộ câu chuyện, như đoạn điệp khúc của một bản nhạc mùa Hè, rằng nếu một ngày, chúng tớ không còn trên đời nữa thì sẽ thế nào? Nếu một ngày, loài Ốc Sên, Ong, Chuồn Chuồn, Chim, Dế,… biến mất, các cậu sẽ tìm chúng tớ ở đâu?

Bằng câu từ mộc mạc, giản dị, Mộc An dẫn dắt người đọc tự đi tìm câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên. Không thuyết giảng một bài học đạo đức, các nhân vật hành động với đầy những bất ngờ dành cho người đọc, và chính những hành động ấy đã khiến mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ, về loài vật trong thiên nhiên, về sự chung sống hòa hợp, về giữ gìn bản sắc cá nhân, về chấp nhận và tôn trọng những điều khác biệt tồn tại trong mỗi cộng đồng.

Nếu phải chọn một hình ảnh mà tôi thích nhất ở câu chuyện này, tôi sẽ gợi ý cho bạn về một cuốn từ điển được viết bởi Ốc Sên bố. Cuốn bách khoa về thực vật ấy được ghi chép cẩn thận trên giấy lá, nằm yên lặng ở đâu đó trên đồi. Đó là cuốn từ điển "lưu lại kí ức về chúng trước khi chúng biến mất. Những loài nhỏ bé và hoang dại, mỗi loài đều có ý nghĩa tồn tại của chúng".

Trên tinh thần đó, trong mắt tôi, có thể xem Nếu một ngày chúng tớ biến mất của Mộc An như một "bảo tàng kí ức", lưu giữ cuộc đời của đại gia đình ốc sên, đồng thời khơi gợi chúng ta suy ngẫm về số phận của các loài động vật, thực vật đang tồn tại hay đã biến mất trên Trái Đất này.

3. Nếu một ngày chúng tớ biến mất của Mộc An khiến tôi nghĩ nhiều hơn về giá trị của truyện thiếu nhi. Một tác phẩm văn học thiếu nhi hay không phải là một tác phẩm "tải đạo, nói chí", càng không phải là một sự minh họa lại đời sống trong tự nhiên hay nhồi nhét quá nhiều các triết lí, vấn đề xã hội. Tác phẩm thiếu nhi hay cần mở ra được cả một thế giới cho trẻ nhỏ.

Trong thế giới ấy, chúng được đắm mình trong những chuyến phiêu lưu, được lắng nghe câu chuyện cuộc đời của rất nhiều nhân vật, được chứng kiến cách mỗi nhân vật sẽ ứng xử ra sao trước tình thế khó khăn, cuối cùng là được thỏa sức tưởng tượng về vô vàn điều có-thể-sẽ-diễn-ra.

Và một người viết truyện đủ tinh tế sẽ biết cách kể chuyện sao cho chạm đến được tâm hồn trẻ nhỏ, để khi mỗi cuốn sách gấp lại, đó không phải kết thúc, mà là thời khắc bắt đầu. Bắt đầu một hành trình trong đời thực: một cách nghĩ khác, một chuỗi ứng xử khác, một cảm xúc khác, một lối sống khác, xa hơn, là cả một cuộc đời khác.

Hoàng tử bé, Công chúa nhỏ, Cuộc phiêu lưu kì diệu của Edward Tulane, Dế Mèn phiêu lưu kí, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Xóm bờ giậu,… giờ còn có Nếu một ngày chúng tớ biến mất, đều là những câu chuyện như thế.

Quay lại với câu hỏi đầy trăn trở kia: Nếu một ngày, loài Ốc Sên, Ong, Chuồn Chuồn, Chim, Dế,… biến mất, ta sẽ tìm chúng ở đâu?

Để tôi bật mí cho các bạn.

Hãy lần tìm qua những bộ bách khoa thư, và đừng quên tìm chúng trên giá gỗ, trong thư viện hay ở hiệu sách ngoài kia. Chúng ẩn mình đâu đó trong hàng trăm truyện kể trên đời, cuối cùng cũng chỉ để chờ ta chạm tới…

Nguồn: Thể thao văn hóa