Trang sách truyền cảm hứng sống đẹp
Bộ sách về gương thanh thiếu niên anh hùng xưa và những câu chuyện lập thân, lập nghiệp hôm nay giúp truyền cảm hứng sống đẹp đến thế hệ trẻ.
Bộ sách kể về gương thanh thiếu niên anh hùng năm xưa và những câu chuyện lập thân, lập nghiệp hôm nay của NXB Kim Đồng đã góp phần truyền cảm hứng sống đẹp đến thế hệ trẻ Việt Nam.
Vun đắp niềm tự hào
Có lẽ, không mấy người biết về Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đầu tiên là ai.
Dịp này, khi đọc cuốn truyện tranh “Chuyện kể về người Tổng phụ trách Đội đầu tiên” (Lời: Vũ Quang; Tranh: Lê Minh Hải), vừa được NXB Kim Đồng ấn hành, độc giả sẽ được “gặp” anh Đàm Minh Viễn (tức Đức Thanh) người dân tộc Tày (Na Nghiềng, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) để cùng nghiêng mình trước tấm gương hoạt động cách mạng kiên trung: “Năm 1946, anh Đức Thanh hi sinh khi tuổi đời chưa tròn 30, khép lại những năm tháng hoạt động sôi nổi, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho quê hương mà chưa một lần nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình”.
Anh Đức Thanh cũng chính là Tổng phụ trách đầu tiên của Đội Nhi đồng Cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh), đã trực tiếp dạy văn hóa, dạy chữ, dạy biết “làm cách mạng” cho 5 thành viên đầu tiên của Đội: Nông Văn Dền (Kim Đồng), Nông Văn Thàn (Cao Sơn), Lý Văn Tinh (Thanh Minh), Lý Thị Nì (Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (Thanh Thủy). Từ lời kể súc tích, tranh minh họa sinh động, cuộc đời hoạt động cách mạng của anh Đức Thanh cứ thế dần được hé lộ…
Cùng với cuốn truyện tranh viết về người Tổng phụ trách Đội đầu tiên, trong Tủ sách Gương thanh thiếu niên anh hùng của NXB Kim Đồng còn có những tác phẩm kể về Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, Lý Tự Trọng, Vừ A Dính, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi…
Bộ sách truyền cảm hứng sống đẹp vừa được NXB Kim Đồng ra mắt chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII. Ảnh: Hà Thái.
Những câu chuyện này tuy không mới nhưng bằng lối kể chuyện chân thực, ngắn gọn trên nền tranh màu hấp dẫn vẫn luôn đem đến cho độc giả niềm xúc động đặc biệt khi cùng nhớ về thế hệ đi trước đã gửi cả thanh xuân, khát vọng, ước mơ của tuổi trẻ, có khi vừa mới ở tuổi 14 - 15, để đấu tranh, bảo vệ nền độc lập, hòa bình của đất nước.
Bên cạnh đó, cuốn “Trường Sa kì vĩ và gian lao” của nhà văn Sương Nguyệt Minh được NXB Kim Đồng giới thiệu đến độc giả dịp này cũng thật ý nghĩa khi góp phần vun đắp niềm tự hào về thế hệ cha anh và chủ quyền biển đảo quê hương.
Cuốn sách tập hợp 22 bút kí bằng ngôn từ đậm chất văn chương đã vẽ lên một Trường Sa hùng vĩ, hiên ngang. Nơi ấy có những người lính đảo can đảm, gan dạ, vững vàng vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nỗi gian khó của cuộc sống để vừa hăng say, miệt mài lao động vừa ngày đêm chắc tay súng giữ gìn biển trời quê hương yên bình.
Khi viết những trang sách này, nhà văn Sương Nguyệt Minh từng chia sẻ: “Giữa Trường Sa mênh mông, hùng vĩ, tôi thấy mình quá bé nhỏ, mong manh. Đứng trước người lính giữ biển đảo vất vả gian lao, tôi thấy cần phải khiêm nhu, “sống chậm”, lắng lòng mình lại…”.
“Sống như những đóa hoa”
Đó là tên gọi của bộ sách gồm 2 cuốn nhỏ xinh mà tập hợp gần 40 câu chuyện về những con người bình dị song nghị lực và tràn đầy niềm tin yêu vào cuộc sống. Khi bước vào trang sách, độc giả được nhớ lại câu chuyện kỳ diệu của cô bé Hải An đã từng làm lay động hàng triệu trái tim trong câu nói của chị Thùy Dương, mẹ cô bé: “Mẹ tự hào về con”.
Mùa xuân 2018, dù phải đi xa khi mới 8 tuổi nhưng Hải An đã dũng cảm trao tặng ánh sáng của đôi mắt thiên thần cho người ở lại (bài viết “Thiên sứ ánh sáng” – Minh Nhân). Hay như câu chuyện thầy giáo Bàn Văn Đức say sưa với những ánh mắt trẻ thơ trong suốt bao nhiêu năm ở điểm trường Mầm non Chuyên Gia 3 (Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên).
Đọc cuốn sách “Sống như những đóa hoa”, độc giả sẽ khó lòng rời mắt bởi những giai âm tuyệt diệu được cất lên từ đây. Ảnh: Hà Thái.
Dù khó khăn, cực nhọc, thiếu thốn và cả định kiến “Sao nam giới lại đi dạy mầm non?” bủa vây nhưng chưa khi nào khiến thầy Đức tắt niềm đam mê, tình yêu với những cô bé, cậu bé lên 5, lên 3 ở vùng đất biên cương. Vì với thầy: “Đã có rất nhiều đứa trẻ sinh ra, lớn lên cho đến khi hết cuộc đời cũng không ra khỏi bản làng mình.
Bởi thế mà thầy phải cố gắng đến với các em, để kể cho chúng nghe về những vùng đất khác, nhen nhóm trong tâm hồn chúng những khát khao được học hỏi, đi xa…” (bài viết “Những cặm cụi chỉ có cây rừng mới biết…” của Huyền Châm).
Cũng từ bộ sách này, độc giả được gặp bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội) với khát vọng: “Tôi sẵn sàng tình nguyện đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, nơi nào thiếu nhân lực thì tôi xung phong đến đó” (bài viết “Bác sĩ trẻ Hà Nội chọn làm việc ở vùng cao” của Trường Hùng); gặp cô giáo dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ Hà Bích Hảo (Nam Định) dù phải mang gương mặt khiếm khuyết nhưng cô luôn ăm ắp niềm tin: “Hảo thấy yêu thương tất cả những gì vốn có của bản thân mình.
Cô hiểu những điều trải qua đã giúp tôi luyện nên cô – một cá thể rắn rỏi và bản lĩnh hơn thêm mỗi ngày” (bài viết “Cô gái chỉ có “một nửa gương mặt”” của Minh Nhân)…
Có thể thấy, khi đọc cuốn sách “Sống như những đóa hoa”, độc giả sẽ khó lòng rời mắt bởi bao câu chuyện xúc động, nhân văn cứ thế nối tiếp và mở ra những giai âm tuyệt diệu cất lên từ cuộc sống tưởng như chỉ có xô bồ, bộn bề.
Trong đó, có thể kể đến: “Tôi không phải người hùng”, “Chàng vũ công và ba đứa trẻ”, “Cô gái Bahnar nhân hậu”, “Những trang giáo án nặng tình thương”, “Chuyện Lầu Y Chư làm cán bộ xã”, “Chuyện ở tiệm giặt lặng thinh”, “Hành trình của một “sứ giả Đỏ””, “Bài học trung thực đầu đời”…
Bởi vậy, Tủ sách Gương thanh thiếu niên anh hùng, bút ký “Trường Sa kì vĩ và gian lao”, bộ sách “Sống như những đóa hoa” đều mang sứ mệnh truyền cảm hứng sống đẹp, sống thiện, hữu ích, tràn đầy tình yêu thương từ người thật việc thật rất đỗi bình dị trong đời thường mà cao cả trong hành động.
Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt các ấn phẩm mới gồm Tủ sách Gương thanh thiếu niên anh hùng, cuốn bút ký “Trường Sa kì vĩ và gian lao” và bộ sách “Sống như những đóa hoa” vinh danh những tấm gương anh hùng trong lịch sử và những tấm gương anh hùng thời hiện đại.
Đây là những tấm gương đẹp để tuổi trẻ học tập và noi theo trên bước đường tu dưỡng, lập thân, lập nghiệp, cống hiến cho đất nước. Trong chuỗi hoạt động này, NXB Kim Đồng đã tổ chức giao lưu “Sống như những đóa hoa” tại Trường THCS Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội).
Nguồn: Giáo dục thời đại