“Trên đồi, mở mắt và mơ” – “nhật kí” về cuộc sống làng quê
Bốn mùa trong năm, mùa hè là ngộ nhất. Trẻ con rất thích mùa hè. Mùa hè không phải đi học, được đi chơi, tụ tập bạn bè, tha hồ ngủ nướng, ăn vặt,…thì đúng là “tuyệt cú mèo”. Cậu bé Thành – nhân vật chính trong cuốn sách “Trên đồi, mở mắt và mơ” của tác giả Văn Thành Lê – cũng đồng ý như thế. Mùa hè của Thành còn tuyệt vời hơn khi cậu được rời khỏi thành phố, trở về quê nội nghỉ hè với biết bao điều thú vị đang chờ đón.
Theo bước chân Thành, từng trang cuốn sách “Trên đồi, mở mắt và mơ” mở ra, đưa người đọc trở về thế giới tuổi thơ tác giả luôn hoài niệm nhung nhớ. Tác giả Văn Thành Lê (1986) tuy là một nhà văn còn rất trẻ, nhưng những năm qua anh đã dành rất nhiều tâm huyết cho mảng sách thiếu nhi, cho khung trời thơ mộng tuổi nhỏ. Anh từng nói: “Viết cho thiếu nhi là cách để tôi được tắm nhiều lần trên dòng – sông – tuổi – thơ”. Cuốn sách “Trên đồi, mở mắt và mơ” của anh xuất bản lần đầu năm 2017 bởi nhà xuất bản Kim Đồng, kể về một chuyện thường xảy ra ở các thành phố: các bậc phụ huynh rời xa làng quê lên thành phố làm ăn, hè đến họ mới đưa con về quê chơi. Thành – cậu bé với chiếc kính luôn gác trên sống mũi và cuốn “Từ điển Tiếng Việt” luôn cầm trên tay cũng được bố mẹ cho về quê nghỉ hè, sống với ông bà nội và cô Lâm, chơi với hội bạn gồm: “thủ lĩnh” Lê, Văn lắp, Tuyết đen và Điệp điệu. Làng quê, với trẻ con thành phố luôn cực kì thú vị, mới lạ và có một sức hấp dẫn đặc biệt. Có cuốn từ điển bên mình, mọi điều Thành thấy kì lạ, thắc mắc đều sẽ được giải đáp. Thế nhưng chính những kỉ niệm trong suốt kì nghỉ tại quê nội “mới là những trang từ điển sống động, tuyệt vời và đáng nhớ nhất với cậu bé 10 tuổi như Thành.
Qua góc nhìn của những đứa trẻ vừa tỉ mỉ vừa mộng mơ, làng hiện ra “lọt thỏm giữa những quả đồi. Đa số thấp đều đều như cái bát úp”. Còn “hai bên đường là cánh đồng lúa vừa gặt xong, vẫn còn vương hơi lúa chín". Từ trên đồi nhìn lên là “trời cao vời vợi, xanh thăm thẳm”, từ trên đồi nhìn xuống, cơ man nào vườn chè, vườn mía, ao cá, bèo Tây, bù nhìn rơm... Người đọc cũng sẽ bắt gặp một ngôi làng với bề dày lịch sử nơi có đồi Quan Bà – điểm luyện quân của nữ tướng thời chống giặc Nguyên Mông. Bằng giọng văn sinh động, giàu cảm xúc, tác giả giúp các bạn đọc nhỏ tuổi tiếp cận nhẹ nhàng với nét đẹp văn hóa truyền thống của ngôi làng.
“Trên đồi, mở mắt và mơ” như một cuốn nhật ký đưa bạn đọc về với cuộc sống làng quê, với những câu chuyện nhỏ bé vụn vặt hàng ngày nhưng lại ẩn chứa những bài học sâu sắc. Sống giữa thiên nhiên, sống trong tình cảm bạn bè và những người thân yêu nhất, cậu bé Thành và cả độc giả dần nhận ra có những điều bình dị nhưng ý nghĩa phải tự cảm nhận chứ không có cuốn từ điển nào tra cứu được. Từ việc chọn thủ lĩnh, Thành hiểu được từ Lê rằng đôi khi con người phải biết vượt qua bản thân để “chế ngự được nỗi sợ”; một trận ốm, Thành nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe; nhờ chú Khang, Thành học chăm sóc cá cờ, chăm sóc lợn con, “học cách yêu thương xung quanh” và thêm yêu cuộc sống. Và còn nhiều những bài học nho nhỏ nữa mà ngôi làng mang đến cho Thành, giúp cậu bé cùng những người bạn mở rộng tầm mắt và trái tim, nuôi dưỡng tâm hồn và ước mơ của các em.
Được tái bản lại lần thứ tư (2021), “Trên đồi, mở mắt và mơ” được thiết kế, trình bày lại hoàn toàn mới với bìa và hình minh họa các trang sách tràn đầy màu sắc tươi sáng, rực rỡ, nét vẽ vừa đơn giản, mềm mại, vừa tinh nghịch, đáng yêu như tô điểm thêm cho câu chuyện càng thêm hấp dẫn. Nhờ đó, các độc giả nhỏ tuổi dễ dàng hình dung bức tranh sống động trong lời kể của nhà văn, như chính mình được đắm chìm trong không gian buổi chiều êm ả, cùng lũ bạn nghịch ngợm ăn no một bụng sim và mua, rồi kéo nhau lên “trên đồi, mở mắt và mơ”.
Viết cho trẻ em, nhưng cuốn sách “Trên đồi, mở mắt và mơ” của nhà văn Văn Thành Lê đã khiến trái tim độc giả nhiều lứa tuổi rung động vì những khoảnh khắc đáng yêu của lũ trẻ con, vì như thấy chính mình trong ấy. Mơ ngủ thì cần… ngủ, còn mơ ước có thể làm mà chẳng cần nhắm mắt. Đọc cuốn sách này, trẻ con có thể vừa đọc vừa thỏa sức mộng mơ. Còn người lớn, những người đã để lại ngưỡng cửa tuổi thơ sau lưng, liệu bạn có còn nhớ ước mơ của mình không?
– Mai Hoa –