Truyện tranh Việt Nam đang đứng trước cơ hội “vàng”
Ngành truyện tranh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đứng trước nhiều cơ hội lớn, với thế hệ tác giả trẻ nhiều tài năng, năng động.
“Bad Luck”, một trong những bộ truyện tranh của tác giả trẻ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu. (Ảnh: Comicola)
Đa dạng tác phẩm
Mới đây, bộ truyện tranh “Sơn, Goal!” (NXB Kim Đồng) đã phát hành tập 2, sau khi tập một “thắng lớn” với số lượng phát hành 20 ngàn bản. “Sơn, Goal!” là dự án truyện tranh manga đầu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, xoay quanh nhân vật chính là Sơn có mẹ là người Việt, sinh ra và lớn lên tại Brazil. Sơn trở về quê hương Đà Nẵng và tham gia đội tuyển bóng đá tỉnh, cùng đồng đội sát cánh trên sân cỏ. Thành công của “Sơn, Goal!” thêm một lần nữa tạo sự tự tin cho ngành truyện tranh Việt đã đạt nhiều dấu ấn tích cực trong thời gian qua.
Vốn là một thị trường không mạnh về truyện tranh, nhưng những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một “ngôi sao mới”, với nhiều tác giả trẻ tài năng và nhiều bộ truyện tranh thú vị, được cộng đồng quốc tế yêu thích. Năm 2022, bộ truyện “Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!” (Comicola và NXB Dân Trí ấn hành) của họa sĩ Hoàng Tường Vy đã đạt giải đồng Giải thưởng truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản lần thứ 16. Việt Nam cũng từng có hai tác phẩm đoạt giải bạc cuộc thi này là “Long thần tướng” năm 2016 và “Địa ngục môn” năm 2017. Ngoài ra còn nhiều truyện tranh Việt đạt các giải thưởng khác.
Thời gian qua cũng có hàng loạt bộ truyện tranh “made in Việt Nam” nổi tiếng trên mạng, được bạn đọc nhiều nước đón nhận, như: “Long Hổ Tranh Hùng” (tác giả Lê Minh Nguyệt), “Số nhọ” (Bad luck) của Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, “Anh trai tôi là khủng long” của Comicola Studio, “Thanh gươm diệt quỷ” (Lê Linh), “Thủy Thủ Mặt Trăng Việt Nam” (Quốc Trung)...
Điều đáng quý là bên cạnh các đề tài hấp dẫn có nội dung từ nước ngoài, nhiều tác giả đã nỗ lực đưa văn hóa, cuộc sống Việt vào những bộ truyện tranh “thuần Việt”, hoặc được vẽ từ các tiểu thuyết nổi tiếng ở Việt Nam, giúp độc giả có thể vừa giải trí vừa khám phá những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc... Có thể kể đến “Vạn Nhân Ký - Noãn” của cặp đôi tác giả Linh - Thạch, “Tứ Phủ Xét Giả” của nhóm Rover Studio nói về các vị anh hùng dân tộc Việt... Nhiều tác phẩm được đầu tư tốt về nội dung và tìm hiểu kĩ lưỡng về các yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc, trang phục, ẩm thực...
Thị trường giàu tiềm năng
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường truyện tranh Việt Nam hiện đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Truyện tranh Việt những năm gần đây ngày càng mở rộng thể loại và nội dung, không chỉ tập trung vào các thể loại truyền thống như hài hước, hành động, võ thuật mà còn đa dạng hóa với các thể loại như khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết lịch sử, tình cảm, chuyển thể từ tiểu thuyết,... Chúng ta cũng đang có một thế hệ tác giả trẻ, giàu tài năng và rất năng động trong việc nắm bắt xu thế của truyện tranh thế giới. Một số tên tuổi nổi bật như Hoàng Tường Vy, Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, Thăng Fly, Thành Phong, Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng), nhóm vẽ B.R.O Comic...
Đặc biệt, các họa sĩ trẻ hiện nay cũng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển tài năng, sự nghiệp. Sự phổ biến của internet và mạng xã hội đã giúp họ có những nền tảng tốt để dễ dàng đến với công chúng. Không ít tác giả truyện tranh xuất phát điểm là người vẽ truyện không chuyên trên mạng, sau đó nhận được sự yêu thích của độc giả, phát triển thành chuyên nghiệp, phát hành truyện tranh bản in.
Cạnh đó, ngày càng nhiều giải thưởng truyện tranh trong và ngoài nước được mở ra với quy mô lớn, cũng tạo điều kiện cho họa sĩ trẻ thể hiện tài năng, vươn tầm ra thế giới.
Một yếu tố rất quan trọng là ngành công nghiệp truyện tranh Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể với sự xuất hiện của nhiều hãng xuất bản lớn đầu tư vào sản xuất và quảng bá truyện tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả và nghệ sĩ truyện tranh. Mặt khác còn có các nền tảng truyện tranh trực tuyến với nhiều đội ngũ chuyên nghiệp như Comicola, Vinatoon, Đọc Truyện Tranh Online (Ditruyentranh.vn)... cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường truyện tranh trong nước.
Với sự phát triển của công nghệ, ngành truyện tranh Việt Nam còn có thể tận dụng các công nghệ mới như trải nghiệm ảo (VR) và truyện tranh tương tác, mang lại trải nghiệm mới mẻ, thu hút đối tượng độc giả rộng hơn.
Từ những lợi thế trên, truyện tranh Việt Nam đang đứng trước cơ hội “vàng” để có thể trở thành một nguồn tài nguyên văn hóa xuất khẩu. Điều quan trọng là ngành văn hóa Việt Nam cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ ngành truyện tranh, khuyến khích sự sáng tạo, đầu tư cho nguồn lực con người, để truyện tranh Việt đi đúng hướng, truyền tải những giá trị nhân văn tốt đẹp và lan tỏa được nét đẹp văn hóa đất nước.
Nguồn: Báo Pháp Luật