cart.general.title

Những con dốc của trái tim đa mang

Là người đa mang, Phan Thúy Hà tự gánh trên vai trách nhiệm phải kể những câu chuyện mà cô sợ một ngày nào đó, sẽ chẳng còn ai kể lại và rồi chúng sẽ chìm vào quên lãng.

Gần 10 năm gắn bó với công việc là biên tập viên nhà xuất bản, một công việc ổn định như nhiều người mong ước, Phan Thúy Hà bỗng xin nghỉ việc để đi làm người kể chuyện. Cuốn sách đầu tiên của cô “Đừng kể tên tôi”, ghi chép lại lời kể của những cựu binh, là những người họ hàng, xóm giềng của cô ở ngôi làng nhỏ miền trung. Mỗi người một mảnh ghép, mỗi người một câu chuyện, mộc mạc, chân thật nhưng đầy sức ám ảnh.

Cuốn sách thứ hai “Qua khỏi dốc là nhà”, Phan Thúy Hà viết về tuổi thơ của cô ở Xóm Trùa - một xóm nhỏ miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) cách đây gần 30 năm. Vẫn theo “thế mạnh” của mình là kể những câu chuyện thực, không hư cấu, Phan Thúy Hà cuốn độc giả vào những câu chuyện của một thời chưa xa nhưng có lẽ cũng đã là “cổ tích” với nhiều người trẻ hôm nay.

Phan Thúy Hà tự nhủ, cô kể những câu chuyện này không nhằm mục đích than khó, kể khổ hay tiếc nuối về những điều đã qua, mà cô muốn những câu chuyện của mình sẽ gợi cảm hứng để những ai đó kể lại câu chuyện của mình. Bởi cô nghĩ, những trải nghiệm đó không thể có được trong thời nay, và rằng, những câu chuyện ấy rồi sẽ tuyệt chủng, chẳng còn ai kể lại.

Tuổi thơ của Phan Thúy Hà gắn với thời bao cấp. Thời bao cấp thì ở đâu cũng khó. Mẹ Hà có tiêu chuẩn tem phiếu của giáo viên, nhưng có đáng kể gì so tám miệng ăn trong nhà, với năm đứa trẻ đang tuổi lớn. Bà phải xoay xở đủ cách: nuôi bò, nuôi lợn, nấu rượu, đan nón… việc gì ra tiền mẹ Hà cũng không quản ngại.

Nhiều câu chuyện Phan Thúy Hà kể trong cuốn sách, bạn đọc trẻ ngày nay sẽ nghĩ, chuyện đó dường như ở một thời, một nơi nào xa lắc chứ không phải mới cách đây gần ba thập kỷ. “Viết chuyện này nhớ sang chuyện khác”, những câu chuyện của gia đình, xen lẫn những câu chuyện của bạn bè, của những người hàng xóm được Phan Thúy Hà kể lại bằng lối viết chân thực. Dường như cô chỉ là người chứng kiến, chỉ miêu tả lại những điều tai nghe mắt thấy, không bình luận, không phân tích tâm trạng nhân vật. Nhưng đọng lại trong lòng người đọc là cảm giác day dứt khôn nguôi.

Cuốn sách nói nhiều về những cảnh đói, cảnh nghèo, cảnh khổ, nhưng độc giả vẫn cảm nhận được tình yêu dạt dào cô dành cho mảnh đất, con người nơi ấy, như lời nhận xét của cô giáo trong bài văn của Hà tả ngôi nhà của mình thời thơ bé: “Những câu văn khô khốc như con dốc bạn phải vượt qua giữa trưa nắng chang chang... Hà yêu ngôi nhà của mình từ những khó nhọc”.

Theo: nhandan.com.vn