cart.general.title

Văn học thiếu nhi miền Tây “được mùa”

Sắp bước vào hè, thiếu nhi có thêm nhiều sự lựa chọn giải trí với các tác phẩm văn học hay, ấn tượng vừa ra mắt. Ðó cũng là tín hiệu vui cho văn học thiếu nhi - lĩnh vực nhiều người còn lo ngại "tre già nhưng măng chưa mọc", nhất là ở ÐBSCL.

2 trang trong tác phẩm “Sống cùng nước” của nhà văn quê An Giang - Trương Chí Hùng.

"Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy nước trên đồng phẳng lặng như mặt hồ, vài sợi bấc hiu hiu se lạnh. Ðám sậy bắt đầu trổ bông nhu nhú. Vài con cò xanh nhởn nhơ kiếm mồi trên mấy dề trấp. Má tôi lẩm nhẩm ca rằng: Con cò xanh nhảy quanh hòn đá. Chờ nước cạn ăn cá ăn tôm…". Ðó là những câu văn rất đẹp trong tác phẩm "Sống cùng nước" (NXB Kim Ðồng) của tác giả Trương Chí Hùng (An Giang) vừa ra mắt. Lấy nước là "nhân vật", lấy miền Tây làm bối cảnh, tác giả Trương Chí Hùng đưa người đọc đến miền sông nước Cửu Long với những nét đặc trưng văn hóa. Ðời người từ thuở sinh ra cho tới lúc mất đi, đều gắn liền với nước. Nhà văn Trương Chí Hùng đã dẫn dắt bạn đọc bước vào hành trình khám phá thú vị về văn hóa và con người gắn bó mật thiết với dòng sông. Tác phẩm hiện đang rất được chú ý.

Cũng đến từ An Giang, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng kể về đặc sản quê hương qua "Cá Linh đi học" (NXB Kim Ðồng). Ðó là câu chuyện đầy hấp dẫn về một chuyến chu du theo dòng nước của chú cá linh có tên Linh Ống. Sau biết bao thác ghềnh chông gai, biết bao trở ngại, hiểm nguy, Linh Ống vinh quy bái tổ, tốt nghiệp trở về quê hương, bản thân đầy tri thức, mạnh mẽ và sống nhân hậu. Chuyện cá linh hay chuyện đời người, Lê Quang Trạng hòa quyện vào những câu văn hấp dẫn rất phù hợp với trẻ thơ. Tiếp nối "Thủ lĩnh vịt băng đồng", "Cá Linh đi học" chứng tỏ thế mạnh của Lê Quang Trạng với truyện đồng thoại với bối cảnh đặc thù miền Tây.

Chọn màu sắc lạ hơn nhưng vẫn mang màu sắc miền Tây là tác giả Phát Dương (Hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ), với "100 cửa sổ", một thể nghiệm mới của tác giả 9X. Nói như Phát Dương: "Viết có thông điệp đã khó, viết để các em thật sự thấy hấp dẫn còn khó hơn", nhưng anh đã làm được trong tác phẩm văn học thiếu nhi này. Một câu chuyện mang màu sắc trinh thám, huyền bí, khai thác yếu tố phù thủy - phép thuật. Ðể tránh dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Trinh, cô bé 13 tuổi, được gửi đến nhà bà nội là một phù thủy lừng danh. Ngôi nhà với 100 cửa sổ thần kỳ có thể dẫn tới những không gian khác, hấp dẫn, bí hiểm mà cũng đầy nguy hiểm. Cô bé cùng cậu bạn mới quen cùng mở tiệm bánh và dùng 100 cửa sổ thần kỳ ấy giúp người với một cuộc phiêu lưu đầy nghẹt thở. Qua đó, tác phẩm nói lên khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, bình yên.

Có thể nói, 3 tác giả trẻ này là những "măng mọc" đầy triển vọng và tâm huyết của văn học thiếu nhi ÐBSCL. Bên cạnh đó còn có tác giả Nguyễn Chí Ngoan (Kiên Giang) với nhiều tác giả hay, từng đoạt giải thưởng thiếu nhi "Dế Mèn"; tác giả giàu kinh nghiệm Võ Diệu Thanh (An Giang); tác giả U90 của Cần Thơ Nguyễn Thị Thanh Huệ... Dù bén duyên với văn học thiếu nhi sớm muộn khác nhau, nhưng các tác giả này đều ghi đậm dấu ấn qua các tác phẩm.

Văn học thiếu nhi là lĩnh vực không dễ viết và càng không dễ đi vào lòng công chúng. Một sự lên gân, giáo điều hay một sự dễ dãi, hời hợt đều có thể khiến tác phẩm "phá sản". Nhẹ nhàng, từ tốn, trong văn có ý mới là cách để giữ độc giả thiếu nhi ở những trang sách. Văn học thiếu nhi miền Tây đang vào mùa bội thu từ những trang viết đi và ở lại lòng người đọc.

Nguồn: Báo Cần Thơ