cart.general.title

“Xóm Bờ Giậu” – Những câu chuyện nhỏ thấm đẫm tình người

Nhà văn Trần Đức Tiến là một người tinh tế và thấu hiểu trẻ thơ. Nhiều sáng tác của ông đã được độc giả nhỏ yêu quý như: Vương quốc vắng nụ cười, Dế mùa thu, Thằng Cúp, Làm mèo… . Khi viết cho thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến sử dụng ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, nhịp điệu. 

Nhà văn Trần ĐứcTiến luôn tâm niệm:  “Có hai điều tôi luôn nghĩ tới khi ngồi viết cho các em: Viết thế nào cho các em thích đọc và có những tác phẩm văn học được đọc từ lúc còn nhỏ sẽ đi theo người ta suốt đời”. Đọc “Xóm Bờ Giậu”, độc giả sẽ phần nào hiểu được tâm nguyện đó của tác giả.

Tập truyện đồng thoại “Xóm Bờ Giậu” của ông tựa như những thước phim thiên nhiên tươi đẹp, đầy màu sắc nơi làng quê thanh bình, giản dị. Từng ngọn cỏ, nhành cây, chú dế, bác giun đất, cuốn lịch, đến lũ đồ chơi của bé, chiếc “ấm sứt vòi”,… đều được khắc họa một cách sinh động và thú vị. Ông hiện là Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng nhiều năm làm Trưởng ban Giám khảo trong các cuộc Vận động Sáng tác cho Thiếu nhi của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch. 

Nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ về thông điệp của tập truyện Xóm Bờ Giậu

Muốn các em cảm nhận được thế giới phong phú của thiên nhiên

Chào nhà văn Trần Đức Tiến. Vì sao nhà văn  viết tập truyện Xóm Bờ Giậu về các nhân vật là những loài côn trùng mà giờ đây có phần hơi xa lạ bởi các em ít được nhìn thấy.  Tại sao không là các nhân vật hiện đại hơn như Robot, hay Người Sắt Iron Man?

Khi viết Xóm Bờ Giậu tôi chỉ nghĩ duy nhất về các cháu thiếu nhi thôi. Tôi chọn các loài côn trùng để viết bởi chính vì những con côn trùng giờ hơi xa lạ với các em. Thời đại công nghệ 4.0 các em ít khi quan tâm tới những con côn trùng, và các em sống tách biệt với thế giới thiên nhiên vốn rất gần gũi với tuổi thơ của ngày xưa. Vì thế tôi muốn các em phải cảm nhận được thế giới rất phong phú của thiên nhiên. Nếu tôi lại viết về Robot, về Iron Man thì đã quá quen thuộc với các em bây giờ.

Nhà văn có chắc rằng các em sẽ đón nhận các nhân vật của mình không?

Tôi nghĩ các em đón nhận hay không thì tùy vào tấm lòng cũng như tài năng của nhà văn. Bởi nhà văn có thể viết bất cứ đề tài nào, nhưng nếu hay thì chắc chắn các em sẽ đón nhận. Nếu viết không hay thì dù có viết các con vật gần gũi với các em bây giờ chúng cũng chả đọc.

Các em thiếu nhi trong vai nhân vật nhạc sĩ Dế Lửa, tái hiện cảnh trong truyện

Trong mỗi câu chuyện đều có nhiều điều muốn gửi gắm tới các em

Xóm Bờ Giậu liệu có gì khác với cuốn Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của nhà văn Tô Hoài không ạ?

Trước hết là có sự khác nhau về đối tượng miêu tả, tôi viết về nhiều nhân vật khác nhau, nên trong mỗi một câu chuyện đều có những điều mà tôi muốn gửi gắm tới các em thiếu nhi. Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của cố nhà văn Tô Hoài, là câu chuyện từ đầu đến cuối chỉ xoay quanh một nhân vật chính là chú Dế Mèn. Còn cuốn sách của tôi thì mở rộng, có nhiều nhân vật là loài vật, đồ vật có suy nghĩ, tình cảm, hành động sống động, ngộ nghĩnh mà sâu sắc. Như: Cụ giáo Cóc thông thái về hưu, nhạc sĩ trứ danh Dế Lửa, chú thợ săn nhiều tâm sự Thằn Lằn, cô người mẫu đáng yêu Ốc Sên, chuyên gia dự báo thời tiết Tắc kè, vận động viên bận bịu Nhái Xanh, cô nàng điệu đàng Hoa Cúc Áo, thi sĩ nghiệp dư lãng mạn Dế Còm. 

Hẳn là qua các câu chuyện, nhà văn cũng muốn gửi gắm điều gì đó?

Đúng vậy. Trong Xóm Bờ Giậu có nhiều truyện mang hơi hướng cổ tích viết lại, vừa mở rộng biên độ tưởng tượng cho các bạn nhỏ, vừa gợi cho các bố mẹ nhiều điều suy ngẫm. Xóm Bờ Giậu có nhiều con vật và mỗi con vật đều rất sống động và có cá tính riêng. Trong đó mỗi con vật đều có thân phận và có câu chuyện riêng của mình, và ẩn chứa trong đó nhiều điều tôi muốn nói trong cuộc sống này, những bài học ý nghĩa về lòng dũng cảm, đức tính chăm chỉ, yêu lao động.

Viết thể loại văn học đồng thoại, mang hơi hướng chuyện cổ tích viết lại, hẳn là nhà văn có thay đổi ít nhiều nội dung cho hợp với thời nay?

Truyện Hai Chú Dê Nhỏ Bên Bờ Sông Xuân sẽ khiến các em liên tưởng tới truyện hai chú dê qua cầu, không con nào chịu nhường con nào, nhưng qua lời kể của hai chú dê con hậu duệ, các em sẽ mỉm cười nhẹ nhõm vì một cái kết thật bất ngờ, thú vị, đầy tính nhân văn. Truyện Chiếc Lông Ngỗng Trời là câu chuyện hóm hỉnh về chiếc lông chim tình cờ lọt vào cung điện của vua Cóc, lại khiến các em nghĩ tới câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”, với một tầng nghĩa sâu sắc hơn. 

Qua các câu chuyện tôi muốn gửi gắm thông điệp nhẹ nhàng về truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam như: tình làng nghĩa xóm, lòng yêu quê hương, đạo lý uống nước nhớ nguồn…

Tôi mong muốn, qua Xóm Bờ Giậu để bồi đắp cho các độc giả nhí tình yêu với thiên nhiên, trân trọng những điều tốt đẹp, dù là nhỏ bé trong cuộc sống như: một nhành hoa, một chú ong, một ngọn cỏ. Bởi thế giới này tươi đẹp hơn nhờ tình yêu thương và yêu thương là đó cũng là điều chúng ta phải học suốt cuộc đời. 

Xin cảm ơn nhà văn.

(Nguồn: Gia đình & Trẻ em)