cart.general.title

Viết về thiếu nhi thấy lòng mình xanh tươi hơn

“Cá Linh đi học” (Nhà xuất bản Kim Đồng) của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng đã đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam và được vinh danh là một trong những cuốn sách nổi bật năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Quang Trạng về tác phẩm văn học thiếu nhi đáng chú ý này.

Phóng viên (PV): Đa phần những nhà văn trẻ lựa chọn viết về đời sống giới trẻ đa dạng, phức tạp. Vì sao anh lại lựa chọn viết về thiếu nhi?

Nhà văn Lê Quang Trạng: Hồi nhỏ, tôi thường rụt rè và ít khi tham gia các trò chơi vận động cùng với bạn bè. Thay vào đó, tôi thích tự chơi, thích lặng lẽ quan sát, lắng nghe mọi vật xung quanh. Lớn hơn chút, khi biết chữ, tôi có trò chơi khác nữa, là đọc sách. Tôi đọc hết mọi thứ có được quanh mình, từ truyện tranh, sách giáo khoa của anh trai và cả những toa thuốc đông y... Càng đọc tôi càng say mê, và bất chợt nhận ra mình muốn “nhảy” vào câu chuyện đã đọc được, mình là một nhân vật trong đó, chuyện trò cùng các nhân vật mới mà mình tưởng tượng ra. Tôi trò chuyện với chú chó, cô mèo... Tất cả những yếu tố đó đã tạo cho tôi một khung trời tuổi thơ mà tôi khao khát được kể lên trang giấy. Những trang viết đầu đời hồi tôi 12-13 tuổi đều là những trang viết về văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, trang viết ngày ấy non nớt quá, nên chưa được in ấn. Bài thơ đầu tiên tôi in báo năm 15 tuổi, tôi bắt đầu bước vào một khung trời mới, mà lòng vẫn cứ nghe tiếng vọng của tuổi thơ.

Khi trưởng thành, tôi bỗng nghe những nhân vật như chú cá linh, cậu vịt đồng lao xao “đòi” tôi kể chuyện. Tôi quay lại với những câu chuyện tuổi thơ mà thấy như mình vẫn còn thơ trẻ. Tôi kể lại những câu chuyện, thấy lòng mình bỗng xanh tươi hơn. Những người bạn trẻ thơ của tôi vẫn luôn còn đó và chờ tôi lên tiếng!

Nhà văn Lê Quang Trạng (thứ năm, từ trái sang) được vinh danh trong hạng mục một số cuốn sách nổi bật năm 2023. 

PV: “Cá Linh đi học” là truyện đồng thoại, lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ sông nước, dường như anh đang chọn "con đường" dễ viết nhưng cũng dễ lặp lại những người đi trước?

Nhà văn Lê Quang Trạng: Tôi chọn lối viết đồng thoại, vì tôi nghĩ với thể loại này có thể tự do sáng tạo hơn. Với các bạn đọc thiếu nhi, mở ra một không gian bằng đồng thoại cũng là cách dễ dàng gieo vào các bạn tình yêu thiên nhiên, cuộc sống xung quanh, đặc biệt là yêu thương, bảo vệ động vật. Tôi không nghĩ rằng đây là trở ngại, khi đã có nhiều nhà văn viết về thể loại đồng thoại này, bởi mỗi thế hệ, mỗi vùng đất văn học sẽ có những cách tiếp cận, hình ảnh và tư duy tác phẩm khác nhau. Được đọc nhiều tác phẩm đồng thoại của các nhà văn đi trước, tôi học hỏi và đúc kết kinh nghiệm để cố gắng thể hiện góc nhìn của mình theo cách riêng, mới mẻ.

Thông qua “Cá Linh đi học”, tôi muốn chuyển tải đến các độc giả hình ảnh và những nét đặc trưng văn hóa sông nước của miền đất đầu nguồn An Giang. Bên cạnh đó, hành trình nhân vật cá Linh cũng là thông điệp muốn nhắn nhủ đến bạn đọc về tình yêu thiên nhiên, đặc biệt là ý thức về môi trường sinh thái sông nước Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu hiện nay.

PV: Đâu là khó khăn và thuận lợi khi viết truyện thiếu nhi hiện nay từ trải nghiệm của chính nhà văn?

Nhà văn Lê Quang Trạng: Tôi nghĩ rằng, viết truyện thiếu nhi hiện nay là một trải nghiệm chứa đựng nhiều điều thú vị. Trước sự biến đổi của xã hội đương đại, đòi hỏi người viết cho thiếu nhi phải nhanh nhạy nắm bắt các thị hiếu và ngôn ngữ mới của thiếu nhi, song song đó gửi gắm những giá trị nhân văn và truyền thống đến các em. Điều thuận lợi là những năm gần đây có rất nhiều cuộc vận động sáng tác, cuộc thi về văn học thiếu nhi nên mảng văn học này ngày càng được quan tâm. Tác phẩm dễ dàng in ấn, xuất bản bằng nhiều hình thức, đến với độc giả nhanh hơn. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và sự đột phá vẫn là rào cản và cũng là thách thức lớn nhất.

PV: Thời gian tới, anh có ý định sáng tác văn học thiếu nhi như thế nào?

Nhà văn Lê Quang Trạng: Tôi đang có dự định viết một truyện dài đồng thoại, vẫn viết về miền Tây Nam Bộ quê hương tôi, tuy nhiên tôi muốn ở tác phẩm mới này sẽ có sự mới lạ và đột phá. Đây là điều tôi trăn trở và suy nghĩ nhiều nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

Nguồn: QĐND